Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thứ Hai, 13/1/2025
Thế Giới

Khắc phục tình trạng loạn cách thanh toán phí sạc xe điện

Huy Văn: Thứ tư 13/07/2022, 10:59 (GMT+7)

Khi có nhiều đơn vị đầu tư xây dựng trạm sạc xe điện sẽ gây ra một bất tiện không hề nhỏ với người sử dụng, đó là các trạm sạc khác nhau sẽ chấp nhận phương thức thanh toán khác nhau. Do đó, phải thống nhất phương thức thanh toán chi phí sạc xe điện để tránh gây khó dễ với người dân.

Nhằm hướng tới mục tiêu loại bỏ hoàn toàn xe chạy xăng vào năm 2040, Singapore đang nỗ lực đẩy mạnh, khuyến khích người dân chuyển đổi sang sử dụng xe ô tô điện.

Tính tới hết quý I năm nay, Singapore hiện đang có khoảng 3.600 xe ô tô điện đã được đăng ký và 2.500 điểm sạc xe điện. Chính phủ nước này cũng đã nâng mục tiêu từ lắp đặt 28 nghìn điểm sạc vào năm 2030 lên thành 60 nghìn, gấp đôi so với ban đầu.

Để đảm bảo mục tiêu này, việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng trạm sạc là điều không thể thiếu. Nhưng từ đó cũng nảy sinh thêm một vấn đề, đó là sự bất nhất trong phương thức thanh toán phí sạc xe điện.

Ảnh minh họa: Today Online

Ảnh minh họa: Today Online

Một trong những cách trả phí sạc xe điện phổ biến hiện nay, đó là người dùng sẽ tải ứng dụng của doanh nghiệp điều hành trạm sạc về, nạp tiền vào đó và quẹt mã QR để thanh toán mỗi khi sạc xe. Tuy nhiên, nhiều trạm sạc của nhiều doanh nghiệp, đồng nghĩa với việc người dùng sẽ phải tải nhiều ứng dụng. Việc này vô cùng bất tiện, chưa kể còn thêm tốn kém.

Anh Brian Heng, một tài xế công nghệ chia sẻ: “Một số ứng dụng không cho thanh toán trực tiếp mà buộc phải nạp tiền vào, một số thì lại khác. Hiện điện thoại của tôi phải cài ít nhất là 3 ứng dụng trả phí sạc xe điện, và mỗi ứng dụng đó lại phải nạp tiền sẵn vào, rất bất tiện và tốn kém.”.

Việc nhiều bên tham gia xây dựng hạ tầng dẫn tới nhiều ứng dụng trả phí không phải mới với lĩnh vực xe điện. Tuy nhiên, việc có quá nhiều ứng dụng trả phí sạc chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới trải nghiệm của người sử dụng. Do đó, việc thống nhất trả phí sạc xe điện chắc chắn là điều mà Singapore phải làm nếu muốn tăng tốc tiến trình phổ biến xe điện tại quốc gia này.

Ngày 21/6 vừa qua, một dịch vụ trả phí sạc xe điện có tên gọi VoltNet đã bắt đầu đi vào giai đoạn thí điểm tại Singapore. Dịch vụ này cho phép các tài xế có thể sạc pin xe điện tại hơn 160 điểm sạc của 5 doanh nghiệp mà không cần tải ứng dụng thanh toán. Tài xế chỉ cần dùng một loại thẻ thanh toán đã liên kết với ví điện tử của người sử dụng, sau đó quẹt tại các điểm sạc để thanh toán. Chi tiết chi phí và hóa đơn sau đó sẽ được gửi về điện thoại của tài xế.

Trong giai đoạn đầu, chỉ có 25 tài xế Gojek đã được chọn để sử dụng dịch vụ này. Sau đó, chương trình sẽ hướng tới thí điểm trên toàn bộ các tài xế Gojek, trước khi phổ biến tại Singapore và rộng hơn là khu vực Đông Nam Á.

Thống nhất cách thức thanh toán phí sạc xe điện để tránh gây phiền hà cho người dùng. Ảnh minh họa

Thống nhất cách thức thanh toán phí sạc xe điện để tránh gây phiền hà cho người dùng. Ảnh minh họa

Ông Goh Chee Kiong, giám đốc điều hành của Charge Plus, một trong 5 doanh nghiệp tham gia thí điểm chia sẻ: “Các đơn vị quản lý một đội xe lớn chính là nhóm khách hàng có nhu cầu sử dụng trạm sạc xe điện cao nhất. Các phương tiện của họ di chuyển liên tục trên khắp thành phố nên sẽ rất cần một phương thức thanh toán thống nhất và hiệu quả. Đó chính là mục tiêu của đợt thí điểm này”.

Không chỉ là bước đầu để thống nhất phương thức thanh toán phí sạc xe điện, chương trình thí điểm lần này còn nhắm tới một mục tiêu lớn hơn, đó là thúc đẩy tốc độ phát triển thị trường ô tô điện, khuyến khích thêm các doanh nghiệp tham gia và cùng nhau phát triển thay vì cạnh tranh trực tiếp.

Ông Kristoffer Jacek Soh, giám đốc điều hành của Beep, đơn vị chuyên xây dựng các nền tảng tự động hóa và là đơn vị phát triển hệ thống VoltNet cho biết: “Các đơn vị tham gia hệ thống VoltNet sẽ có thể truy cập và chia sẻ dữ liệu thống kê thu được cho nhau để cải thiện dịch vụ và hạ tầng. Những số liệu này cũng sẽ giúp chúng tôi dễ dàng tiếp cận với những chính sách hỗ trợ của chính phủ hơn”.

Còn tại thị trường ô tô điện Việt Nam, ngoại trừ VinFast đầu tư bài bản cho sản xuất, láp ráp xe điện và  đầu tư hệ thống trạm sạc phủ khắp 63 tỉnh thành trong cả nước, thì các doanh nghiệp khác cũng đã đưa xe điện về giới thiệu, nhưng chủ yếu để thăm dò thị trường chứ chưa có hãng nào có kế hoạch sản xuất, phân phối số lượng lớn ra thị trường.

Do đó, hạ tầng trạm sạc xe điện tại Việt Nam cũng được thực hiện chủ yếu bởi Vinfast với mục tiêu xây dựng khoảng 3.000 trạm sạc. Do đó, trong tương lai gần, sự bất nhất về cách thanh toán phí sạc xe điện có lẽ sẽ chưa xuất hiện tại Việt Nam.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn