Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Báo động gia tăng TNGT liên quan tới học sinh

Quách Đồng: Thứ năm 26/10/2023, 11:59 (GMT+7)

9 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 563 vụ TNGT liên quan đến học sinh, làm chết 329 em, bị thương 528 em. Việc gia tăng TNGT liên quan đến học sinh khiến dư luận rất lo lắng. Giải pháp nào khắc phục tình trạng này? Có nên cấp bằng tạm thời đối với học sinh trước khi cấp bằng lái chính thức?

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước liên tiếp ghi nhận tình trạng học sinh vi phạm TTATGT gia tăng đáng kể, nhiều vụ TNGT liên quan đến học sinh đã để lại hậu quả rất đau lòng.

Cụ thể, ngày 20/9, tại địa bàn thôn Liên Hải, xã Quỳnh Liên, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An đã xảy ra một vụ va chạm giữa 2 xe máy, khiến 2 học sinh tử vong, 3 em bị thương.

Trước đó, ngày 5/9, trên đường Nguyễn Hữu Thọ, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên cũng xảy ra một vụ va chạm giữa một xe máy điện và một ô tô tải khiến 2 em học sinh trên xe máy điện tử vong…

Hiện trường vụ tai nạn giao thông kinh hoàng tại Nghệ An. Ảnh: Tiền Phong

Hiện trường vụ tai nạn giao thông kinh hoàng tại Nghệ An. Ảnh: Tiền Phong

Theo số liệu từ Cục Cảnh sát giao thông, từ đầu năm đến nay, trên cả nước có 563 vụ tai nạn liên quan trực tiếp với lứa tuổi học sinh. Tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của 329 em và khiến 528 em bị thương.

Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an đánh giá đây là những con số cực kỳ đau xót: "Các em là những mầm non tương lai, là sự phát triển của xã hội, của đất nước mà bị thương như thế, tử vong như thế thì thật sự là chúng ta cần sự chung tay hơn nữa trong việc tăng cường công tác đảm bảo TTATGT và kiềm chế TNGT xảy ra".

Còn tại Hà Nội, thống kê của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, 9 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn TP. Hà Nội, xảy ra 17 vụ TNGT liên quan đến học sinh, làm 9 em thiệt mạng, 13 em bị thương.

Mặc dù TNGT liên quan đến các em học sinh diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng, song, tình trạng vi phạm TTATGT trong lứa tuổi học sinh vẫn khá phổ biến. Theo khảo sát của phóng viên VOVGT, tại khu vực cổng trường, không khó bắt gặp các em học sinh điều khiển mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, hoặc chạy xe vượt quá 50 phân khối không phải là hiếm. Các em đều có lý do cho hành vi vi phạm của mình:

"Tại nhà cháu gần đây nên cháu nghĩ không đội mũ thì nó nhanh hơn, tiện hơn".

"Nhà cháu hết xe rồi, với cả một xe nhà cháu đang sạc nên hôm nay cháu phải đi xe này đến trường, không thì muộn học".

Thậm chí, một phụ huynh còn viện lý do bận công việc, không đưa đón con đi học và giao xe cho các cháu khi chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện quá 50 cm3: "Gia đình chịu trách nhiệm thôi ạ. Bây giờ bố mẹ bận, không biết làm thế nào nên các cháu tự đi".

Ảnh: Vietnamnet

Ảnh: Vietnamnet

Theo PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, trường Đại học Y tế công cộng, TNGT liên quan đến học sinh gia tăng trong thời gian gần đây còn một phần xuất phát từ việc số lượng các em đi học bằng xe đạp điện, xe máy điện và mô tô dưới 50cm3 tăng khá nhanh. Việc các em không được giáo dục đầy đủ về việc tham gia giao thông an toàn trước khi điều khiển phương tiện đã khiến nguy cơ xảy ra tai nạn thường trực hơn:

"Những năm gần đây, các chiến dịch xử lý chủ yếu tập trung vào người lớn, vào rượu bia, một vài việc khác chứ chưa thực sự tập trung vào nhóm này. Đặc biệt là việc đào tạo, kể cả việc đào tạo lái xe an toàn cho học sinh phổ thông còn ít lắm. Thành ra cái nguy cơ của nó cũng cao thôi", PGS.TS Phạm Việt Cường cho biết.

Từ thực tế TNGT xảy ra với các em học sinh và tình hình vi phạm Luật giao thông đường bộ của lứa tuổi này, nhiều ý kiến đề nghị, bên cạnh việc xử lý đối với các em học sinh, cũng cần xử lý nghiêm với phụ huynh khi giao xe cho các em khi các em chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện.

Đại úy Đặng Hoàng Anh, cán bộ Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho hay, chỉ tính từ đầu tháng 9 đến nay, đơn vị đã xử lý 85 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm TTATGT, trong đó tập trung chủ yếu vào các hành vi như: không đội mũ bảo hiểm; không có giấy phép lái xe; điều khiển xe đi vào đường cao tốc (Đại lộ Thăng Long, Vành đai 3 trên cao):

"Trong những trường hợp trên, có một vài trường hợp khi người điều khiển phương tiện chưa đủ 16 tuổi thì chúng tôi có hình thức cảnh cáo, tuy nhiên, phụ huynh học sinh, người giao phương tiện cũng sẽ bị xử phạt về lỗi giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông".

Thượng tá Khuất Mạnh Thuyết, Phó trưởng Công an huyện Đông Anh, Hà Nội cũng cho biết, sau gần 2 tháng thực hiện cao điểm, Công an huyện Đông Anh đã xử lý 520 trường hợp học sinh vi phạm TTATGT. Thông qua việc tuyên truyền, xử lý đối với các em học sinh, lực lượng chức năng cũng xử lý cả phụ huynh khi giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông:

"Chúng tôi quan triệt cán bộ chiến sĩ ngoài xử lý học sinh thì phải xử lý cha mẹ hoặc chủ phương tiện giao xe cho người không đủ điều kiện khi tham giao giao thông để cho nhận thức giữa gia đình, học sinh phải chấp hành các quy định của pháp luật. Bên cạnh đấy, mục tiêu của chúng tôi là phòng ngừa từ xa đối với các cháu trong lứa tuổi này vi phạm pháp luật khác", Thượng tá Khuất Mạnh Thuyết, cho biết.

Bên cạnh việc xử lý đối với các em học sinh, cũng cần xử lý nghiêm với phụ huynh khi giao xe cho các em khi các em chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện (Ảnh minh họa)

Bên cạnh việc xử lý đối với các em học sinh, cũng cần xử lý nghiêm với phụ huynh khi giao xe cho các em khi các em chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện (Ảnh minh họa)

Tình trạng TNGT xảy ra với lứa tuổi học sinh đang gia tăng và diễn biến phức tạp. Điều này một phần xuất phát từ việc các em tham gia giao thông bằng phương tiện mô tô, xe máy điện, xe đạp điện ngày càng tăng, song kỹ năng tham gia giao thông lại chưa đảm bảo. Điều này đỏi hỏi việc lấp đầy những “khoảng trống” trong nhận thức của học sinh và phụ huynh để giúp các em tham gia giao thông an toàn.

Đây cũng góc nhìn của VOV Giao thông: "Những lỗ hổng cần “lấp đầy”.

329 em học sinh tử vong và 528 em khác bị thương do TNGT trong 9 tháng đầu năm. Nghĩa là bình quân mỗi ngày có hơn 1,2 em học sinh tử vong do TNGT. Trong khi đó, số liệu Bộ Công an công bố trước đó cho thấy, trong gần 3 năm, từ năm 2020 đến tháng 9/2022, toàn quốc chỉ có 864 học sinh, sinh viên tử vong do TNGT, con số bị thương trong cùng thời gian là 1.794 người, bình quân dưới 0,8 học sinh tử vong do TNGT mỗi ngày.

Việc gia tăng TNGT liên quan đến học sinh không thể không kể đến trách nhiệm của cha mẹ khi giao những phương tiện mà bản thân các em chưa đủ điều kiện để tham gia giao thông. Kết quả xử lý của lực lượng chức năng cho thấy, không ít trường hợp các em học sinh điều khiển phương tiện trên 50cm3, đòi hỏi phải đủ tuổi và phải có giấy phép lái xe.

Bởi vậy, việc xử lý học sinh, xử lý cả phụ huynh, chủ phương tiện giao xe cho các em, khi các em chưa đủ điều kiện tham gia giao thông là cần thiết để nâng cao nhận thức cho cả học sinh và phụ huynh. Không những vậy, đây còn là giải pháp phòng ngừa từ xa với những hành vi vi phạm pháp luật khác, như gây rối trật tự công cộng hoặc tụ tập, đua xe trái phép.

Đặc biệt, khi điều kiện kinh tế được cải thiện, nhiều gia đình sẵn sàng trang bị cho con những chiếc xe đạp điện, xe máy điện, mô tô dưới 50cm3. Hình ảnh những em học sinh THPT đi xe máy dưới 50cm3, xe đạp điện, xe máy điện với tốc độ trên 30km/h... ngày càng phổ biến, trong khi theo quy định hiện hành, người điều khiển các loại xe này không cần có giấy phép lái xe.

Chính điều này tạo ra “lỗ hổng” trong kiến thức pháp luật giao thông đường bộ và các kỹ năng điều khiển phương tiện của người tham gia giao thông.

Việc các em học sinh chưa có bằng lái, chưa nắm rõ các quy định của pháp luật điều khiển xe máy tham gia giao thông đã gây nên những tai nạn đáng tiếc, thậm chí phải đánh đổi bằng cả tính mạng của mình.

Bởi vậy, việc trang bị đầy đủ kỹ năng cho các em trước khi được giao xe là rất cần thiết để giúp các em tham gia giao thông an toàn. Đó có thể là bằng lái tạm thời, hoặc những khóa học tìm hiểu về pháp luật giao thông đường bộ do trường phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tổ chức, và học sinh phải tham dự sát hạch để được cấp giấy phép lái xe.

Trong khi việc cấp bằng lái tạm thời chưa được quy định, các trường học cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong việc đẩy mạnh các cuộc vận động và triển khai, mô hình an toàn giao thông gắn với kỹ năng điều khiển phương tiện.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chương trình, tài liệu giảng dạy và đưa nội dung giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông và văn hóa khi tham gia giao thông vào chương trình chính khóa dưới hình thức tích hợp, lồng ghép vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục từ cấp mầm non đến trung học phổ thông; tăng thời lượng thực hành, trải nghiệm thực tế.

Khi các em được bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ và các kỹ năng điều khiển xe an toàn, xã hội sẽ có một môi trường giao thông trật tự và hiệu quả, ngăn ngừa nguy cơ tai nạn, góp phần giảm chi phí xã hội./.

Quách Đồng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Thoát nước ở nông thôn

Thoát nước ở nông thôn

Nếu cứ mỗi mùa mưa, nước lại đọng trong vườn, trong nhà mà không thể chảy đi đâu được, rồi nước thải cũng sẽ như vậy, thì dần dần sẽ tạo ra một sức ép rất lớn đến môi trường sinh sống ở vùng nông thôn của chúng ta.

Xe buýt là phương tiện ưu tiên, không có nghĩa được bỏ qua vi phạm

Xe buýt là phương tiện ưu tiên, không có nghĩa được bỏ qua vi phạm

Với tâm lý xe buýt là phương tiện hành khách công cộng được ưu tiên, nhiều tài xế đã cố tình vi phạm ATGT, ngang nhiên vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, thậm chí chạy trên cả vỉa hè

Giá cafe trong nước và thế giới đều biến động mạnh

Giá cafe trong nước và thế giới đều biến động mạnh

Sau đợt tăng vọt lên sát mức đỉnh lịch sử, giá cà phê Việt Nam đang đứng trước đà giảm mạnh.

Xin đừng lạm dụng phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm

Xin đừng lạm dụng phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm

Hồ Hoàn Kiếm từ lâu vốn được ví như “trái tim của thủ đô”, là không gian văn hóa của Hà Nội và là nơi thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Thế nhưng thời gian qua, khu vực này lại liên tục được dùng để làm nơi tổ chức các hội chợ và sự kiện.

Lưu thông trên cao tốc: Tại sao đường càng đẹp, tai nạn lại càng nhiều?

Lưu thông trên cao tốc: Tại sao đường càng đẹp, tai nạn lại càng nhiều?

Thời gian qua, trên các tuyến cao tốc liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Tại sao ngày càng có nhiều tuyến đường cao tốc được khánh thành với chất lượng tốt, nhưng tai nạn giao thông lại có xu hướng tăng cao?

Không hiểu tiếng Việt

Không hiểu tiếng Việt

Dạo gần đây, trên các phương tiện truyền thông hoặc thậm chí là một vài tác phẩm văn học, chúng ta thường thấy xuất hiện cách hành văn khá “kỳ lạ”, không theo chuẩn thông thường của tiếng Việt. Cách viết này được dùng khá phổ biến, đến mức được cho là chuyện bình thường và mặc nhiên coi lối viết đó là đúng.

Đẩy lùi lãng phí trong giao thông, bắt đầu từ đâu? (Bài 2):  Ùn tắc liên miên nhưng cầu đường vẫn “ế”

Đẩy lùi lãng phí trong giao thông, bắt đầu từ đâu? (Bài 2): Ùn tắc liên miên nhưng cầu đường vẫn “ế”

Như VOV Giao thông đã đề cập, ùn tắc giao thông đang lấy đi khoảng 3% tổng thu nhập của các đô thị hàng đầu nước ta, gây thiệt hại hàng tỉ USD mỗi năm, gây tổn thất và lãng phí xã hội khổng lồ.