Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

“Bán trú không cơm”: Phụ huynh nhận định không nên dạy trẻ học đối phó

Nhóm PV: Thứ tư 27/11/2024, 10:16 (GMT+7)

Tại trường THCS Lương Định Của (TP.Thủ Đức, TP.HCM) đang có hình thức “bán trú không cơm” gây xôn xao dư luận. Đây thực chất là cách xoay sở của các phụ huynh trong khi vấn đề suất ăn bán trú của trường chưa được cải thiện trong thời gian dài.

“Bán trú không cơm” nghĩa là học sinh hoàn toàn không sử dụng suất ăn bán trú của nhà trường mà phụ huynh vẫn phải đóng tiền ăn và các khoản tiền liên quan đến bán trú. Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Thủ Đức đã khẳng định với VOV Giao thông, điều này là hoàn toàn không phù hợp.

Vậy, đằng sau câu chuyện này là như thế nào?

Tình trạng “bán trú không cơm” là tình huống có lẽ là hi hữu, nhưng phản ánh những bật cập trong quản lý nhà trường, gây ra sự lãng phí và thể hiện sự mất lòng tin của phụ huynh. Và đằng sau đó là sự tổn thương đến những đứa trẻ ngây thơ khi phải lén lút cầm những hộp cơm nhà đến trường.

Nhưng, những phụ huynh này, họ dường như không có lựa chọn khác khi sự đối thoại với nhà trường rơi vào vô vọng.

Chị Th. kể lại, từ khi con chị vào trường THCS Lương Định Của, sau một tháng ăn cơm ở trường, con chị đã chịu không nổi, năn nỉ mẹ mang cơm nhà đi học.

Chịu đựng hết năm lớp 6, đến năm lớp 7, chị Th.quyết định cho con mang cơm theo và vẫn đóng tiền suất ăn 35 ngàn đồng.

Mặc dù điều kiện kinh tế không dư giả, phụ huynh vẫn phải đóng tiền ăn bán trú trong khi không có sự linh hoạt từ phía nhà trường.

“Bé mới vào trường 1 tháng thì tôi nấu ăn từ đó tới giờ luôn. Tôi thấy đóng số tiền đó cũng tiếc nên hỏi cô thì cô chủ nhiệm nói trường không giải quyết. Vẫn đang đóng tiền hàng tháng, vẫn mất số tiền ăn đó nhưng con tôi là đem suất ăn theo. Có nghĩa là học bán trú bình thường, cũng không đăng ký ăn cơm vì tính xin cắt tiền đó ra nhưng cô chủ nhiệm nói không giải quyết nên tôi cũng khỏi lên luôn”.

Không chịu nổi những bữa ăn như thế này, nhiều gia đình phải chấp nhận cho con 'bán trú không cơm'

Không chịu nổi những bữa ăn như thế này, nhiều gia đình phải chấp nhận cho con "bán trú không cơm"

Một phụ huynh khác là chị N.A là mẹ của 2 học sinh khối 7 và 9. Mỗi lần nhắc đến cơm trường của con, nỗi đau người mẹ như nhân lên gấp bội.

Chị cho rằng quy định cứng nhắc chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức, ăn cơm trường thì đăng ký bán trú, không ăn cơm thì học 2 buổi, trưa các em về nhà là quá cứng nhắc khi suất ăn của nhà trường không đảm bảo.

Theo chị, không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện đưa đón con vào buổi trưa, hơn nữa, điều này cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ các con. Còn mang cơm theo thì lại là hình thức “không chính quy”. Tiền cơm bán trú chỉ là một phần tách biệt, phụ huynh cũng phải đóng tiền ngủ bán trú, cơ sở vật chất bán trú.

Mặc dù đã khẳng định rằng phụ huynh sẽ tự chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm khi cho các con mang cơm theo, nhưng chị A. cũng không khỏi bối rối trước tình hình: “Lúc hiệu trưởng mới lên, mấy bé mừng lắm, nói hy vọng bữa ăn sẽ cải thiện nhưng mấy bé nói nó càng ngày càng tệ hơn. Lúc trước là canh còn nóng còn giờ canh nguội và đặc biệt đồ ăn có những hôm nuốt không vô, với lại những bạn nói đồ ăn sống.

Tại vì không chỉ mỗi chuyện ăn uống mà còn là sức khỏe lâu dài của con mình. Bé nhà mình nói mẹ phải cố gắng làm sao để con mang cơm ít nhất không được 5 ngày thì 3 ngày chứ con nuốt không nổi, con khóc. nhưng nhà trường lại có quy định nếu không ăn cơm tại trường thì phải đón về buổi trưa chứ không có chuyện ở lại trường.

Trong khi đó phụ huynh cũng đóng tiền bán trú cho con chứ không phải chỉ đóng tiền ăn nên mình cảm thấy bây giờ phụ huynh đang đứng ở giữa cái ngã không biết phải làm thế nào đây?”

Phụ huynh cho rằng quy định bán trú hiện tại của trường là quá cứng nhắc

Phụ huynh cho rằng quy định bán trú hiện tại của trường là quá cứng nhắc

Còn chị T. chia sẻ, với một gia đình, việc “mất không” 9 triệu/năm đóng tiền ăn cho con trong khi con vẫn phải lén lút, sợ sệt khi ăn là điều khó chấp nhận.

Chứng kiến Ban đại diện cha mẹ học sinh các khối lớp nhiều lần có ý kiến với nhà trường, nhưng không được giải quyết thoả đáng, chị T. đành xoay sở tự lo cho con mình: 

“Tôi thấy lực bất tòng tâm. Tôi nghĩ rằng mình tôi không thể thay đổi được và cũng không có thời gian để đương đầu những việc như vậy. Nhưng tôi thực sự bức xúc. Các con khác không có cơm ăn, đói lả người, vì nhiều gia đình không có điều kiện. Nếu tin tưởng nhà trường, tôi đâu mang cơm và tôi bỏ mất 9 triệu bạc của mình đâu. Tiền làm ra cũng vất vả. Thật sự không an tâm”.

Cận cảnh các em học sinh bỏ đi phần cơm thừa của mình. Clip ghi nhận vào ngày 25/11/2024

Nhiều phụ huynh băn khoăn, vậy số tiền suất ăn bán trú 9 triệu/năm của họ sẽ đi về đâu? Điều này cũng đồng nghĩa với việc, khi con họ không ăn cơm trưa ở trường trong thời gian dài như vậy, thì suất ăn cắt đi sẽ được nhà trường “tiết kiệm” như thế nào?

Tại cuộc làm việc giữa phóng viên VOV Giao thông với Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Thủ Đức, khi phóng viên đặt câu hỏi liệu lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo có nắm được thông tin này không, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Thủ Đức nói lần đầu nghe đến khái niệm “bán trú không cơm” và khẳng định nếu học sinh không ăn cơm thì không nhất thiết phải đóng 35.000 đồng/ngày và một năm đóng lên tới khoảng 9 triệu thì hoàn toàn không phù hợp:

“Nếu như tôi phát hiện được, nhận được thông tin chính xác và xác minh rõ hiệu trưởng yêu cầu là phải ăn cơm bán trú mới ở bán trú thì điều đó khác. Tôi nghĩ do cách làm hiệu trưởng có thể chưa khéo léo. Nếu bạn nào không ăn cơm mà vẫn đóng 35.000 đồng/ buổi thì không phù hợp.

Còn lại chúng tôi cũng phải xác minh tại sao cô hiệu trưởng lại làm như vậy? Rồi tại sao đòi chứng nhận dị ứng thực phẩm? Không hề, không hề có cái đó! Chỉ có thông tin con có bị dị ứng gì không để nhà bếp tránh nấu món đó ra!”

Những thùng đồ ăn đổ đi hàng ngày (Ghi nhận ngày 11/11/2024)

Những thùng đồ ăn đổ đi hàng ngày (Ghi nhận ngày 11/11/2024)

Mặc dù Phòng Giáo dục khẳng định không có tình trạng học sinh “bán trú không cơm”, nhưng thực tế đã có phụ huynh chia sẻ rằng họ được nhà trường chấp thuận cho con đăng ký hình thức này từ tháng 11/2024 với bộ hồ sơ đầy đủ:

“Như tôi vừa rồi có làm hồ sơ bán trú không cơm cho con thì có cam kết là về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cho con, phụ huynh là chịu người trách nhiệm. Vì bé nhà mình cũng có dị ứng nên mới xin được đơn của bác sĩ. Mình phải đi 2 lần mới được giải quyết đơn và mình rất là “lì” mặt ngồi  đó mới được chứ không phải đi lần đầu là hợp lệ cho duyệt. Làm khó làm dễ không tạo điều kiện cho phụ huynh”.

Việc quyết định có cho con ăn bán trú hay không đang đặt các bậc phụ huynh vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, họ lo lắng về chất lượng bữa ăn tại trường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Mặt khác, việc tự chuẩn bị cơm cho con lại gây ra nhiều áp lực về thời gian và kinh tế. Dù lựa chọn nào, phụ huynh cũng cảm thấy trăn trở và khó xử.

Nhiều phụ huynh có nguồn lực kinh tế bày rỏ rằng họ sẵn sàng ủng hộ nhà trường từ cơ sở vật chất đến các hoạt động, nhưng vì họ không nhìn thấy trách nhiệm của nhà trường với con cái của họ, ít nhất là thể hiện qua bữa ăn hằng ngày. Còn việc khi có đoàn đến thì các con ăn ngon, đoàn đi thì các con ăn lại dở như thường thì đây là nỗi đau khoét sâu thêm, vì không có tính giáo dục trẻ:

"Ở góc độ tâm lý là đang dạy trẻ dối trá. Thật ra con nít tinh lắm, tụi nhỏ biết chứ không phải không biết như mình nghĩ đâu. Nên việc có đoàn xuống các con được một bữa ngon hơn thường ngày sẽ dạy các con học cách sống đối phó, sống giả dối. Thật sự không chỉ một học sinh mà tận 2.000 học sinh, rất đông luôn. Cứ mỗi lần có đoàn xuống rồi trường làm một video clip thấy các con vui sướng với bữa ăn thế này thực ra phụ huynh không thấy hạnh phúc mà đau lòng hơn”.

Câu chuyện suất cơm bán trú cho học sinh tại ngôi trường THCS Lương Định Của ẩn chứa nhiều vấn đề, ngóc ngách mà có vẻ như phụ huynh lựa chọn đụng ngách nào cũng thành ngõ cụt. Sự tháo gỡ mang tính chất đối phó giữa những “người lớn” với nhau đã đẩy con trẻ mắc kẹt trong những dấu chấm hỏi khi nhìn nhận về cuộc sống.

Bài học về bữa ăn không chỉ đơn thuần là chất lượng dinh dưỡng cho những đứa trẻ đang tuổi lớn mà còn là bài học về lòng biết ơn, tình yêu thương và đạo đức - những giá trị mà chúng ta thường bỏ qua. Và có lẽ, chính những những người chịu trách nhiệm cũng nên cầu thị lắng nghe ý kiến trẻ để có sự thay đổi.

 

Nhóm PV/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn