Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

“Nếu tôi nhận được thông tin trực tiếp từ phụ huynh, chỉ cần 30 phút sau sẽ giải quyết”

Nhóm PV: Thứ ba 26/11/2024, 17:18 (GMT+7)

Sau loạt bài Hành trình phóng viên “Quá nhiều bất ổn ở một ngôi trường chuẩn” của VOV Giao thông, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Thủ Đức lên tiếng rằng, ông cũng tiếp nhận nhiều ý kiến phản ánh từ suất cơm bán trú tại trường THCS Lương Định Của.

VOV Giao thông đã có cuộc trò chuyện trực tiếp ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Thủ Đức vào chiều 26/11.

PV: Nhiều phụ huynh phản ánh, suất ăn bán trú của trường THCS Lương Định Của có vấn đề, cơm và đồ ăn không có định lượng rõ ràng, chất lượng từ khâu tiếp phẩm, nấu cho đến bàn ăn, giá trị của bữa ăn (35.000 đồng/suất) so với hình ảnh phóng viên ghi nhận trưa ngày 25.11.2024 là không tương xứng, không ít học sinh bỏ khay ăn khi còn khá nhiều thức ăn. Quan điểm của ông thế nào?

Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên: Mức giá 35.000 đồng/suất ăn được lấy ý kiến từ cha mẹ học sinh. Về tình trạng học sinh bỏ bữa ăn, theo tôi nắm thông tin, trường có 1.992 học sinh, trong đó 1.798 học sinh tham gia bán trú.

Việc học sinh bỏ lại thức ăn khi còn nhiều thì chỉ rơi vào vài học sinh chứ không phải nhóm lớn học sinh bỏ suất ăn. Vì mỗi học sinh có sở thích, khẩu vị khác nhau, mỗi gia đình cũng ăn uống khác nhau.

Thực đơn áp dụng thay đổi theo từng tuần, từng tháng và vẫn đảm bảo dinh dưỡng, cái này không phải là theo quy định của Phòng Giáo dục và Đào tạo và là Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường học phải đổi thực đơn và đảm bảo dinh dưỡng.

Thậm chí có một số học sinh, giờ ăn trưa hơi sớm, do các em đem đồ ăn theo ăn sáng trễ nên không ăn hết được suất ăn được cung cấp.

Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Thủ Đức

Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Thủ Đức

Về phía ngành giáo dục Thủ Đức, chúng tôi cũng đã có những văn bản chỉ đạo tăng cường phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh để đảm bảo an toàn thực phẩm và triển khai hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Các văn bản chỉ đạo về đảm bảo an toàn thực phẩm vào đầu năm học, mùa nắng nóng và triển khai tập huấn chương trình Bữa ăn học đường do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Nhà trường nào cũng phải thường xuyên giám sát chất lượng bữa ăn và tổ chức cho Ban đại diện cha mẹ học sinh giám sát, có thể tham gia một số buổi nào đó để giám sát chất lượng bữa ăn. Nếu có hiện tượng học sinh bỏ cơm, thì cần có những chấn chỉnh.

10 hay 12 phụ huynh phản ánh về vấn đề cơm và chất lượng bữa ăn thì chúng ta không thể kết luận được bữa ăn đó như thế nào. Kể cả đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm đến kiểm tra trường, cũng không khẳng định bữa ăn ngon hay không ngon mà chỉ khẳng định bữa ăn có đảm bảo chất lượng hay không hay có an toàn vệ sinh thực phẩm hay không?

Chúng tôi có hình ảnh bữa ăn mỗi ngày của các con ví dụ, THCS Lương Định Của hôm nay 26.11 ăn món gì? Hình ảnh đó là hình ảnh do chính các thầy cô phụ trách y tế của trường chụp và gửi cho chúng tôi.

Còn hình ảnh có trên trang tin fanpage thì tôi nhận định là hình ảnh chụp chưa đầy đủ khay thức ăn.

Đương nhiên, qua hình ảnh thì không thể đánh giá hết được cơm khô hay không. Chúng tôi chỉ xem hình ảnh để đánh giá xem bữa ăn có đầy đủ chất và định lượng hay không.

Đoạn clip ghi lại cảnh các em học sinh trường THCS Lương Định Của bỏ thừa rất nhiều thức ăn từ suất ăn của mình

PV: Nhiều học sinh ngay trong ngày 25.11.2024 đã có những lời chia sẻ trung thực về bữa ăn của các con rằng khi có đoàn xuống kiểm tra thì bữa ăn sẽ ngon hơn thường ngày. Vậy thực tế như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên: Thực tế đã có nhiều cải thiện. Nhưng cải thiện chất lượng đó phải được đều tay, chứ không phải một sớm một chiều. Điều này chúng tôi sẽ yêu cầu nhà trường làm cho đúng hơn để đạt chất lượng.

Nhà trường hoàn toàn có thể để Ban đại diện cha mẹ học sinh tham quan bữa ăn, đó là một chuyện hết sức bình thường nhưng phải đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tôi khẳng định phụ huynh muốn giám sát lúc nào cũng được chứ không phải có chuyện sắp xếp trước.

Bữa trưa bán trú của học sinh trường THCS Lương Định Của

Bữa trưa bán trú của học sinh trường THCS Lương Định Của

Vâng, thưa ông, bữa ăn không chỉ là bữa ăn mà còn là câu chuyện về tình yêu thương và niềm tin. Ông cảm nhận thế nào khi nghe những lời chia sẻ của phụ huynh và học sinh về suất ăn?

Sự quan tâm về bữa ăn rất quan trọng với học sinh. Vì chỉ cần một học sinh có vấn đề là tất cả nhà trường cũng sẽ có vấn đề.

Về chất lượng, qua nhiều năm, giá thành bữa ăn không đổi, vẫn 35 ngàn/suất ăn, và còn tuỳ theo mức sống ở từng khu vực, địa phương và điều kiện kinh tế - xã hội mà suất ăn cũng khác nhau. Giá không đổi mà số lượng học sinh lớn, tôi cho rằng phần nào cũng ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn.

Và đã kinh doanh thì đương nhiên phải có lợi nhuận nhưng không đồng nghĩa với việc giảm chất lượng để giữ uy tín.

Suy cho cùng, nhà trường phải quan tâm đến chất lượng. Nhà trường và đơn vị cung cấp suất ăn phải cùng nhau nghiên cứu để nâng cao chất lượng bữa ăn hơn.

Vậy có nhiều học sinh và phụ huynh đã phản ánh như vậy thì hiệu trưởng đã thực sự lắng nghe từng học sinh chưa?

Giá như học sinh được chọn ăn, mà học sinh không được chọn bữa ăn của mình với giá đó và cách làm hiện nay vì không phù hợp với tháp dinh dưỡng. Đó cũng là những trăn trở của tôi.

Chúng tôi cũng siết chặt vấn đề này để tránh phụ huynh bình luận trên mạng xã hội và không có kênh thông tin để phản hồi.

Dù ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên khẳng định chất lượng bữa ăn đã được cải thiện, nhưng ghi nhận ngày 25/11 cho thấy vẫn còn nhiều em học sinh bỏ dở suất ăn

PV: Tại trường THCS Lương Định Của có hiện tượng “bán trú không cơm” (phụ huynh tự gọi với nhau) nghĩa là học sinh vẫn theo hình thức bán trú và đóng tiền suất ăn bán trú nhưng mang cơm nhà theo. Ông có nắm được thông tin này không?

Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên: Không tồn tại hình thức “bán trú có cơm” và “bán trú không cơm”. Bán trú có ăn cơm thì đóng tiền cơm và ăn cơm tại trường. Bán trú không ăn cơm thì đóng tiền quản lý bán trú. Nếu học sinh đó không ăn cơm thì không nhất thiết phải đóng 35 ngàn/ngày và một năm đóng nhiều tiền như vậy thì không phù hợp.

Tôi phải xác minh rõ tại sao cô hiệu trưởng lại làm vậy và tại sao lại đòi giấy xác nhận dị ứng thực phẩm, chỉ có thông tin là con có bị dị ứng gì không để nhà bếp đừng nấu món đó. Nếu đúng như vậy, thì trường này có quá nhiều vấn đề.

Ý kiến này tôi cũng mong muốn tiếp nhận thông tin trực tiếp từ phía phụ huynh. Nếu tôi nhận được thông tin trực tiếp từ phụ huynh, chỉ cần 30 phút sau sẽ giải quyết.

Thực đơn tuần tại bếp ăn ghi nhận vào 25/11/2024, không có thông tin về định lượng các món ăn

Thực đơn tuần tại bếp ăn ghi nhận vào 25/11/2024, không có thông tin về định lượng các món ăn

PV: Thời gian tới sẽ có những cải thiện như thế nào để lắng nghe học sinh và phụ huynh nhiều hơn, thưa ông?

Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên: Sắp tới, TP Thủ Đức có một phần mềm để quản lý suất ăn bán trú có ý kiến học sinh độc lập. Mỗi học sinh sau khi ăn xong sẽ đánh giá suất ăn của mình theo mức độ từ 1 sao đến 5 sao.

Khi đó, từ phía cơ quan quản lý, nhà trường, đơn vị cung cấp thức ăn sẽ cùng nhau nắm bắt thông tin. Bên cạnh đó, đơn vị cung cấp suất ăn cũng sẽ biết được chất lượng dịch vụ của mình được đánh giá như thế nào.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nhóm PV/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn