Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thứ Tư, 16/4/2025
Sự việc

An toàn nhà cao tầng khi xảy ra động đất

Nhất Hoàng - Huy Hoàng: Thứ sáu 11/04/2025, 17:20 (GMT+7)

Một câu hỏi đặt là làm sao để đảm bảo an toàn tại các nhà cao tầng khi xảy ra động đất? Do đó, việc đầu tư vào các công trình "an toàn trước rung chấn", nhất là các công trình cao tầng vẫn cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

Ngày 28/3 vừa qua, nhiều người dân, đặc biệt ở các tòa nhà cao tầng tại Hà Nội và TP.HCM cảm nhận rung lắc. Hiện tượng được ghi nhận sau khi xảy ra trận động đất 7,7 độ Richter xảy tại Myanmar.

Sau khi dư chấn đi qua, một số chung cư xuất hiện vết nứt khiến nhiều người dân lo lắng. Một câu hỏi đặt là làm sao để đảm bảo an toàn tại các nhà cao tầng khi xảy ra động đất?

Do đó, việc đầu tư vào các công trình "an toàn trước rung chấn", nhất là các công trình cao tầng vẫn cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

Tại chung cư Diamond Riverside (phường 16, quận 8, TP.HCM) sau trận động đất vào chiều 28/3 vừa qua tường của hàng trăm căn hộ tại đây đã xuất hiện nhiều những vết nứt. Có những vết nứt kéo dài nhiều mét, ở phòng khách lẫn phòng ngủ. Tại khu vực trước cửa thang máy của 1 số tầng cũng xuất hiện tình trạng các viên gạch bị bung lên, hư hỏng.

Nhớ lại thời khắc xảy ra vụ việc, bà Hiền (ngụ tầng 15) vẫn chưa hết sợ hãi: “Lúc đó hơn 1 giờ chiều, 2 bà cháu đang ngủthì nghe tiếng lắc lắc. Tôi cứ bảo ai lại đi sửa nhà giữa trưa thế này. Lúc đó tôi chạy ra nhà vệ sinh thì thấy cửa đung đưa, mở cửa thì thấy một số người nói động đất rồi nên tôi ôm con bé chạy thôi, chạy theo cầu thang bộ.”

Nhiều hành lang ở chung cư Diamond Riverside (quận 8) bị bong gạch lát sàn và tường. (Ảnh: Lao động)

Nhiều hành lang ở chung cư Diamond Riverside (quận 8) bị bong gạch lát sàn và tường. (Ảnh: Lao động)

Tương tự như nhà bà Hiền, nhà anh Luân (ngụ tầng 21) cũng xuất hiện nhiều vết nứt sau dư chấn của động đất ngày 28/3. Những vết nứt tường trong nhà anh Luân khá lớn, hình thành theo chiều dọc, có chiều dài trung bình từ 1 – 2 m. Vị trí nứt nằm ở khu vực cửa chính, phòng ngủ và gian bếp. Trong đó, vết nứt trong phòng ngủ thứ 2 như muốn xé đôi bức tường, kéo dài từ trần xuống tận nền gạch.

“Tình hình của tôi cũng khá là nặng, nên tôi cũng muốn Ban quản trị làm việc với chủ đầu tư để có hướng khắc phục tình trạng này cho chúng tôi.”.

Vừa qua, Sở Xây dựng TP.HCM cũng đã có văn bản đề nghị các quận huyện, TP. Thủ Đức rà soát, thống kê các công trình tập trung đông người gồm cao ốc văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, chung cư, trung tâm thương mại có bị ảnh hưởng dư chấn. Đồng thời, các địa phương phối hợp Công an TP.HCM rà soát các trang thiết bị, phương tiện, phương án cứu nạn cứu hộ, phương án xử lý tình huống sự cố, tai nạn tại các công trình, để đảm bảo an toàn cho người dân khi có sự việc phải thoát nạn.

Theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan (chuyên gia khí tượng thuỷ văn) nhiều năm qua, Việt Nam cũng có xảy ra vài trận động đất ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, bà Lan cũng khuyến cáo người dân, nhất là người dân ở tại các nhà cao tầng cần trang bị các kỹ năng cần thiết để khi xảy ra tình huống thiên tai.

“Đối với người dân, chúng ta phải bình tĩnh, khi mà có những rung chấn mạnh hơn, thấy đồ đạc ở trong nhà, nhất là những đèn treo mà cứ lắc qua lắc lại thì đó là có khả năng là một rung chấn và chúng ta bình tĩnh. Nếu có những rung chấn mạnh thì chúng ta phải tìm nơi để nấp xuống dưới, ví dụ như cái bàn thì khi có những vật rơi thì chúng ta cũng sẽ đỡ bị tai nạn hơn.

Nếu mà được cảnh báo có rung chấn mạnh thì chúng ta phải thoát ra khỏi nhà, đặc biệt là đối với những khu chung cư. Một vấn đề nữa là chúng tôi cũng rất mong muốn báo, đài phải có những chương trình tập huấn cho người dân, đưa ra những kiến thức để phòng tránh khi xảy ra những loại thiên tai xảy ra hết sức nhanh như vậy.”

Người dân, nhất là người dân ở tại các nhà cao tầng cần trang bị các kỹ năng cần thiết để khi xảy ra tình huống thiên tai. (Ảnh minh họa)

Người dân, nhất là người dân ở tại các nhà cao tầng cần trang bị các kỹ năng cần thiết để khi xảy ra tình huống thiên tai. (Ảnh minh họa)

Thạc sỹ - Kiến trúc sư Lê Việt Sơn (Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) cho biết, việc thiết kế kháng chấn cho tòa nhà cao tầng tại Việt Nam hiện nay đang tuân thủ theo TCVN 9386:2012 và quy chuẩn QC02:2022 để xác định sự cần thiết của việc tính toán thiết kế kháng chịu động đất. Hiện nay, Việt Nam cũng xây dựng bản đồ về gia tốc nền cho tất cả các khu vực, thể hiện qua ba mức độ động đất mạnh, yếu và rất yếu. Ở mỗi mức độ động đất sẽ có yêu cầu kháng chấn khác nhau. Tùy thuộc vào quy mô công trình, mức độ tầm quan trọng và vị trí địa lý là một trong số các yếu tố quyết định đến việc thiết kế có xem xét đến tải trọng động đất hay không.

“Hiện nay, Viện của Bộ Xây dựng đang có một dự thảo về quy chuẩn xây dựng, quy chuẩn về chống động đất nhưng cũng trên cơ sở tiêu chuẩn cũ để phát triển lên thôi. Các thành phố ở Việt Nam có đỉnh gia tốc nền theo thống kê khoảng 0,1 đến 0,2, tức là nó tương đương cấp 7 tức là khoảng 5,0 đến 6,5 độ Richter.”, Kiến trúc sư Lê Việt Sơn cho biết.

Cùng quan điểm, theo tiến sỹ Nguyễn Tấn Tiên (chuyên gia về cơ học và phân tích kết cấu Trường Đại học Việt - Đức), trước nguy cơ biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng gia tăng, việc đầu tư vào các công trình "an toàn trước rung chấn" vẫn cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Tuy nhiên, việc áp dụng tiêu chuẩn này cũng đặt ra bài toán về chi phí, vì sự khác biệt giữa công trình có thiết kế kháng chấn và không có là rất lớn. Công trình có cấu tạo kháng chấn đòi hỏi chi phí xây dựng cao hơn, trong khi xác suất xảy ra động đất mạnh ở khu vực có địa chất ổn định như Việt Nam được đánh giá là khá thấp:

“Đối với địa chất thì thiết kế chống động đất thì quy chuẩn nó đã có rồi, nó cao lắm rồi. Tuy nhiên, việc áp dụng nó còn là một bài toán khó. Chi phí thiết kế có kháng chấn và không có kháng chấn nó khác biệt rất là lớn. Tùy mức độ, tùy vị trí, tùy quy mô thì nó có thể giao động đến 30% giá trị của công trình.”.

Các chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh có nhiều tòa nhà cao tầng thì các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM cần phải có bản đồ đánh giá động đất chi tiết để từ đó xây dựng những kịch bản đánh giá nguy hiểm động đất, phục vụ cho việc kháng chấn của công trình xây dựng. Bên cạnh đó cũng cần thiết lập một số thiết bị quan trắc ở các nhà cao tầng ở các quận nội thành để đánh giá định lượng mức độ rung lắc do các trận động đất gây ra.

Các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM cần phải có bản đồ đánh giá động đất chi tiết để từ đó xây dựng những kịch bản đánh giá nguy hiểm động đất, phục vụ cho việc kháng chấn của công trình xây dựng. (Ảnh minh họa)

Các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM cần phải có bản đồ đánh giá động đất chi tiết để từ đó xây dựng những kịch bản đánh giá nguy hiểm động đất, phục vụ cho việc kháng chấn của công trình xây dựng. (Ảnh minh họa)

Đừng phó thác cho các chủ đầu tư

Hơn 10 ngày trôi qua kể từ trưa ngày 28/3, tôi vẫn nhớ như in cảm giác chếnh choáng, lắc lư khi đang đứng trong chính căn hộ của mình tại 1 chung cư vùng ven TPHCM. Thứ cảm xúc lạ lẫm xen lẫn hoang mang, lo lắng đó cũng xảy đến với nhiều người trong buổi trưa hôm ấy khi hình ảnh dòng người di tản xuống mặt đất xuất hiện dày đặc trên mặt báo lẫn các trang mạng xã hội.

Đáng lo hơn là đã có hàng trăm căn hộ chung cư thương mại tại quận 8 và một số chung cư cũ khác tại quận 4, quận Bình Thạnh TPHCM xuất hiện nhiều dấu hiệu hư hỏng do ảnh hưởng từ trận động đất 7,7 độ richter cách xa hàng ngàn kilomet. Dù thiệt hại đến nay là chưa thực sự nghiêm trọng song những lo lắng, quan ngại về quy chuẩn kỹ thuật, quy trình cấp phép, chất lượng thi công, nghiệm thu và đưa vào sử dụng các toà nhà cao tầng đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn.

Trong bối cảnh “đất chật người đông” thì việc chọn chung cư để sinh sống là điều khá phổ biến, nhất là tại các đô thị đông đúc như TPHCM hay Hà Nội. Tuy vậy, với hầu bao có phần hạn hẹp, không ít người mua nhà đã phó mặc niềm tin của mình vào tay của các chủ đầu tư xây dựng dự án bởi không phải ai cũng sẵn kinh tế, đủ thông tin hay tường tận kiến thức chuyên môn để đánh giá chính xác lựa chọn của mình. Chỉ đến khi xảy ra một trận rung lắc, nghi vấn về sự an toàn mới được chỉ ra dù chưa thực sự quyết liệt.

Với một quốc gia mà tần suất xảy ra động đất hay ảnh hưởng do động đất không nhiều như Việt Nam thì sự chủ quan của người dân trước hiện tượng tự nhiên này là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, sự chủ quan ấy tuyệt đối không nên xảy ra trong quá trình phê duyệt, cấp phép, triển khai xây dựng các dự án chung cư, nhà cao tầng. Bởi lẽ chỉ cần một sơ suất nhỏ mà bỏ qua hoặc làm ngơ cho các chủ đầu tư “tiết kiệm chi phí xây dựng” thì khi xảy ra sự cố, hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc.

Các bên liên quan cần áp dụng ngay những biện pháp theo dõi, giám sát chặt chẽ, cẩn thận, kỹ lưỡng để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại nếu động đất lớn xảy ra đối với các chung cư, toà nhà cao tầng. Trước mắt cần tăng cường rà soát, đánh giá chính xác đối với các toà nhà đã đi vào sử dụng, còn với các dự án chuẩn bị triển khai cần có chế độ giám sát chặt chẽ ngay từ khâu thẩm duyệt hồ sơ thiết kế, phương án thi công và đặc biệt sát sao khi tiến hành nghiệm thu để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình sau khi đi vào hoạt động.

Thiên tai mà đặc biệt là động đất là điều không dễ để dự báo trước nên người dân sinh sống tại các chung cư, nhà cao tầng cần trang bị một số kiến thức, kỹ năng cơ bản cho mình và người thân để ứng phó cũng như hạn chế được thiệt hại. Thay vì “phó thác niềm tin” cho các chủ đầu tư thì mỗi người dân cần chủ động nhiều hơn cho tính mạng lẫn tài sản của chính mình trước khi quá muộn.

Nhất Hoàng - Huy Hoàng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
vovgiaothong.vn
Đỉnh mới của giá vàng và khuyến nghị từ chuyên gia

Đỉnh mới của giá vàng và khuyến nghị từ chuyên gia

Giá vàng trong nước tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, chính thức chạm mốc kỷ lục 108 triệu đồng/lượng – mức cao nhất từ trước đến nay. Sau khi đi ngang đầu phiên sáng, thị trường vàng đã nhanh chóng tăng tốc, nối dài chuỗi ngày lập đỉnh trong tuần qua.

Check-in ảnh đẹp nhưng đừng để lại rác bẩn

Check-in ảnh đẹp nhưng đừng để lại rác bẩn

Thời gian gần đây, khu vực Hàm Cá Mập (Hà Nội) đang “gây sốt” trên mạng xã hội, sau khi có thông tin sẽ bị phá dỡ. Việc người dân và du khách chen lấn, tụ tập đông người, thậm chí trèo rào, đứng lên đài phun nước để chụp ảnh có lúc khiến giao thông hỗn loạn, mất ANTT và vệ sinh môi trường.

Lộ trình di chuyển vào Nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất

Lộ trình di chuyển vào Nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất

Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) vừa có hướng dẫn về lộ trình giao thông kết nối đến nhà ga hành khách quốc nội T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất).

Nâng trách nhiệm để bảo vệ “tài sản” thông tin cá nhân

Nâng trách nhiệm để bảo vệ “tài sản” thông tin cá nhân

Theo Công ty An ninh mạng Viettel, trong năm 2024, số lượng thông tin cá nhân bị đánh cắp đã tăng 50%, với hàng chục triệu bản ghi bị rò rỉ. Trong đó, dữ liệu khách hàng bị lộ lọt nhiều nhất, thậm chí có cả thông tin nhận diện khuôn mặt.

Từ tinh thần của “Tàu Không số” đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới

Từ tinh thần của “Tàu Không số” đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới

Trong kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh trên biển là hiện thân của lòng quả cảm, ý chí sắt đá; một huyền thoại có thật, một kỳ tích của dân tộc Việt Nam anh hùng; góp phần to lớn làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Người đàn ông gánh phở

Người đàn ông gánh phở

Ở phố Tống Duy Tân, có một người đàn ông vẫn ngày ngày gánh phở – không phải bằng đôi chân di chuyển, mà bằng ký ức được đúc lại trong một dáng hình.

Cốc nước miễn phí, lòng tốt dang dở trên đèo và những điều thú vị khi “phượt” 58 tỉnh thành

Cốc nước miễn phí, lòng tốt dang dở trên đèo và những điều thú vị khi “phượt” 58 tỉnh thành

Những cung đường từ bắc chí nam không chỉ đưa ta đến những khung cảnh thiên nhiên diễm lệ của núi non hùng vĩ, biển cả bao la, mà còn là chiếc gương phản chiếu tâm hồn người lữ khách.