Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

20 năm ngổn ngang cụm, tuyến dân cư vượt lũ (Kỳ 3): Kém hiệu quả, vì sao?

VOVGT: Thứ bảy 02/09/2023, 18:15 (GMT+7)

Những cụm, tuyến dân cư vượt lũ được Chính phủ phê duyệt và xây dựng trước đây giúp cư dân không còn cảnh thấp thỏm lo âu mỗi khi mưa lớn, lũ về. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều cụm, tuyến dân cư đang bị “bỏ quên”.

Nguyên nhân nào khiến các cụm, tuyến dân cư này đã quy hoạch, xây dựng rồi lại bỏ hoang? Vì sao người dân vẫn không mặn mà dù đã được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ?

Thiếu việc làm là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng các căn nhà trong cụm, tuyến dân cư vượt lũ bị “bỏ quên” hàng chục năm nay. Cụm dân cư trung tâm xã Bình Hòa Tây được kỳ vọng sẽ là cụm tuyến dân cư vượt lũ trung tâm của khu vực giáp biên giới với Campuchia. Được quy hoạch từ năm 2005, những nền đất 5x18m, 5x20m lẽ ra sẽ là nhà của 154 hộ dân thì sau 18 năm triển khai thực hiện chỉ thấy cây dại và cỏ mọc hoang.

Ông Phạm Phương Tùng – Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mộc Hóa cho biết, trong quá trình quy hoạch có một số sai sót về mặt giấy tờ ở một số giai đoạn nhất định, nhưng nhìn chung lý do lớn nhất là thiếu sinh kế: “Hồi đó mình tính cụm này là cụm trung tâm của khu vực biên giới, mình sẽ “kéo” dân vào đây. Nhưng người dân không vào... Một phần người dân ở đây khi quy hoạch đất năm 2020 là đất nhỏ (diện tích nhỏ - PV), mà người dân nông thôn ở đất nhỏ thì người ta đâu chịu nổi, phải trồng trọt, chăn nuôi.

Do đó, khi vận động, người ta cũng không muốn lên đây. Chỉ có những ai đầu tư hoặc hộ nghèo mình bố trí thì lên thôi. Điện nước thì có rồi, chỉ có đường sá hạ tầng... Đường sá thông vậy chứ vô mùa mưa thì đi không được. Này mới trả đá sơ cho học sinh đi không à..."

Tại nhiều tuyến dân cư vượt lũ, do quá xa khu trung tâm, buôn bán nên người dân nơi đây phải mua thức ăn, đồ dùng sinh hoạt thông qua những chiếc xe bán hàng rong

Tại nhiều tuyến dân cư vượt lũ, do quá xa khu trung tâm, buôn bán nên người dân nơi đây phải mua thức ăn, đồ dùng sinh hoạt thông qua những chiếc xe bán hàng rong

Đồng tình với quan điểm này, dưới góc nhìn từ tập quán sinh sống, thói quen của người dân vùng sông nước Nam Bộ, PGS TS Lê Anh Tuấn - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, các dự án cụm, tuyến dân cư vượt lũ mang một ý nghĩa rất lớn. Nhưng vấn đề bất cập trong việc quy hoạch cụm, tuyến là vấn đề an toàn nhưng lại không gắn với an sinh. Những người dân vùng lũ quen sống theo con nước lớn, ròng, thu nhập chính của họ dựa vào nguồn lợi thủy sản.

Thế nên, khi vào cụm, tuyến dân cư vượt lũ, họ không thể sống được. PGS TS Lê Anh Tuấn phân tích: "Bởi vì thứ nhất, bây giờ lũ lớn không còn nhiều nữa. Các năm gần đây, ở ĐBSCL đa số là lũ nhỏ và lũ trung bình. Đồng thời, người dân nhận thấy “khó sống” trên những cụm dân cư như vậy, khó kiếm sinh kế trong mùa lũ... Mùa lũ người dân sẽ đi bắt cá, chim, rùa, rắn, hái rau... Còn khi đi lên những chỗ đó (cụm, tuyến dân cư – PV) thì sinh kế sẽ khó khăn hơn.

Đồng thời, ở những cụm dân cư đó, điều kiện cư trú không được thoải mái như ngày xưa, nhà cửa tương đối chật hẹp, nóng bức... Ở những chỗ đó thì hầu như cái gì họ cũng phải trả tiền, từ nước, điện, đổ rác,.v.v... mà đa số người dân nghèo. Do vậy, người dân ở trong những tuyến dân cư đó lần lượt bỏ những nhà được cấp hoặc bán lại cho người khác. Họ quay trở về chỗ ở cũ hoặc qua nơi khác làm thuê làm mướn”

Một nguyên nhân khác cũng phải thừa nhận đến từ việc đầu tư, quy hoạch của địa phương trên cơ sở nguồn lực và nhu cầu thực tế. Tâm lý nóng vội dẫn đến việc quy hoạch quá nhiều cụm, tuyến dân cư vượt lũ trong một thời gian ngắn đã dẫn đến việc đầu tư dàn trãi, thiếu tầm nhìn. Vị trí quy hoạch không hợp lý; xa đường đi, xa trung tâm, nằm cheo leo giữa “đồng không mông quạnh”.

Trong khi cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đảm bảo đầy đủ cho nhu cầu cuộc sống của người dân là một rào cản lớn khiến người dân không mặn mà vào các cụm, tuyến dân cư.

Ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa trăn trở: "Hạ tầng, điện nước đầy đủ, còn riêng hạ tầng giao thông thì dừng lại ở đá cấp phối thôi. Hệ thống cấp thoát nước cũng đã xây dựng mà lâu rồi, nay cũng đã xuống cấp. Hiện nay, hạ tầng gặp rất nhiều khó khăn ở địa phương. Sau khi chia tách địa giới hành chính từ năm 2013 thì Mộc Hóa thu ngân sách rất thấp, hàng năm đạt khoảng mười mấy - hai mươi tỷ, những năm đầu tách ra thì chỉ khoảng vài ba tỷ, 3 - 4 tỷ/năm thôi.

Đến năm 2022, chúng tôi thu đạt khoảng 50 tỷ. Để đầu tư cho tất cả 17 cụm tuyến dân cư trên địa bàn huyện Mộc Hóa thì chúng tôi phải có vốn đầu tư ngoài 200 tỷ thì chúng tôi mới đầu tư nổi được hết tất cả hạ tầng."

Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An, chủ trương của Chính phủ về xây dựng những cụm, tuyến dân cư vượt lũ bắt đầu từ những năm 2000 là một việc làm hết sức ý nghĩa và hợp lòng dân trong thời điểm đó. Đến hiện nay, hiệu quả còn rất tốt vì nếu tập trung được người dân vào cụm, tuyến thì địa phương rất dễ đầu tư về hạ tầng.

Hiện nay ở quê, bà con thường “ruộng ở đâu, người ở đó”, bà con sống rải rác, từ chỗ sống rải rác như thế mà chuyện đầu tư hạ tầng giao thông, lưới điện, nước sạch, internet... thực sự rất khó khăn. Chính vì nguồn lực có giới hạn, đầu tư dàn trải, theo từng giai đoạn nên cụm, tuyến dân cư vượt lũ không thể hoàn chỉnh như kỳ vọng.

"Nguyên nhân chủ quan, thứ nhất là do địa phương chưa cân đối được nguồn vốn hàng năm để đầu tư, nâng cấp hạ tầng thiết yếu. Các cụm tuyến đa phần chưa được bố trí đầu tư các điểm sản xuất kinh doanh, nhằm tạo việc làm cho người dân sinh sống. Việc xác định vị trí một số cụm tuyến còn chưa thực sự phù hợp, một số cụm tuyến chưa kết nối được với hạ tầng giao thông bên ngoài. Về trách nhiệm thuộc về các sở ngành có liên quan và các huyện có cụm tuyến dân cư vượt lũ", ông Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Tâm lý nóng vội dẫn đến việc quy hoạch quá nhiều cụm, tuyến dân cư vượt lũ trong một thời gian ngắn đã dẫn đến việc đầu tư dàn trãi, thiếu tầm nhìn

Tâm lý nóng vội dẫn đến việc quy hoạch quá nhiều cụm, tuyến dân cư vượt lũ trong một thời gian ngắn đã dẫn đến việc đầu tư dàn trãi, thiếu tầm nhìn

Thống kê cho thấy, từ khi có chủ trương đến nay, các địa phương ĐBSCL đã thực hiện hàng ngàn cụm, tuyến dân cư vượt lũ theo từng giai đoạn khác nhau. Trong bối cảnh, ĐBSCL không bị lũ hung hãn uy hiếp như những năm 2000, khi lũ không về thì chuyện “chạy lũ” của dân miền Tây không còn là chuyện bức thiết. Thế nhưng vấn đề “chạy lở” của cư dân ven sông thì vẫn đang nóng tính ngày.

Chính vì vậy, để đảm bảo an dân, các địa phương vẫn đang tiếp tục triển khai chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ với tổng kinh phí lên đến hàng ngàn tỷ đồng để từ đó có cơ sở bố trí hàng ngàn hộ dân vùng có nguy cơ sạt lở vào ở.

Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để tháo gỡ những điểm nghẽn của các cụm, tuyến dân cư vượt lũ đang bỏ hoang, những công trình đã tiêu tốn hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng ngân sách nhà nước, tiền của nhân dân nhưng lại đang kém hiệu quả, gây lãng phí rất lớn?

Những khuyết điểm, hạn chế về xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ của giai đoạn trước sẽ là bài học đắt giá để các địa phương sát sao hơn trong việc thực hiện và giám sát thực hiện các dự án hiện nay. 

Mời độc giả đón xem kỳ 4: Lời giải nào cho cụm, tuyến dân cư vượt lũ bỏ hoang?

VOVGT/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn