Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Diễn đàn

Vỉa hè đáng giá bao nhiêu?

Kênh VOV Giao thông: Thứ sáu 13/12/2024, 10:42 (GMT+7)

Việc TP.Hà Nội tiến hành khảo sát, nghiên cứu cho thuê vỉa hè ở 123 tuyến phố để phục vụ kinh doanh được nhiều người dân mong chờ và ủng hộ, nhưng vẫn còn đó nhiều băn khoăn về công tác quản lý, giá thuê và đối tượng thuê vỉa hè…

Diễn đàn 91 với chủ đề: Vỉa hè đáng giá bao nhiêu? vào lúc 12h30, thứ Sáu (13/12), trực tiếp trên VOVGT FM91 và vovgiaothong.vn.

Với sự tham gia của các vị khách mời: PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính và Luật sư Hoàng Đạo, Phó giám đốc Văn phòng Luật sư Nhiệt tâm và cộng sự.

Cho thuê vỉa hè: Người bảo được, người bảo không

Thường xuyên đi bộ qua khu vực 30A Lý Thường Kiệt, một trong 4 điểm đang được UBND quận Hoàn Kiếm thí điểm cho thuê vỉa hè, chị Bùi Kim Thu (ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) cảm nhận rõ sự gọn gàng, ngăn nắp hơn. Những chậu cây xanh được dùng làm tường bao, phía trong kê bàn ăn nhanh, hoặc cà phê cho khách, khiến khu vực này sạch sẽ hẳn. Tuy vậy, chị Thu vẫn băn khoăn khi vỉa hè cho người đi bộ bị lấn chiếm:

"Nếu cho thuê thì cũng phải lựa chọn chỗ để thuê, bởi hầu như mọi người đều đi bộ trên vỉa hè, nên nếu cho thuê sẽ không có chỗ cho người đi bộ đi nữa. Theo em, em không thích việc này lắm."

Một số người dân cũng không đồng tình với việc cho thuê vỉa hè, bởi có thể ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị:

"Cho thuê vỉa hè thì tôi phản đối. Bởi vì không hiểu chính quyền về tài chính công thì như thế nào, mà cái gì cũng muốn cho thuê."

"Vừa mất vỉa hè cho mọi người đi lại, vừa mất mỹ quan cho Hà Nội."

Một số đoạn vỉa hè tại số 30 Lý Thường Kiệt, số 15 Ngô Quyền... đã được thí điểm cho thuê từ năm 2021. Ảnh: Minh Hiếu

Một số đoạn vỉa hè tại số 30 Lý Thường Kiệt, số 15 Ngô Quyền... đã được thí điểm cho thuê từ năm 2021. Ảnh: Minh Hiếu

Thống kê của TP Hà Nội cho thấy, có khoảng 6,2% tuyến đường có tình trạng lấn chiếm lòng đường, khoảng 22,4% tuyến phố có tình trạng hè phố bị khai thác, sử dụng trái phép để kinh doanh hoặc trông giữ xe.

Bởi vậy, anh Trần Lưu Bình (ở Hà Đông, Hà Nội) ủng hộ việc cho thuê vỉa hè, nhưng ưu tiên cho phần vỉa hè cho người đi bộ, chỉ những vỉa hè đủ rộng mới cho thuê:

"Nếu đã kinh doanh trên vỉa hè, thứ nhất phải đảm bảo an toàn đi lại, ví dụ ông trông giữ xe máy trên vỉa hè, ông chỉ được giữ trên diện tích một nửa vỉa hè. Giả sử cùng một việc cho thuê vỉa hè thì có sự giám sát, quản lý để đảm bảo vỉa hè có thể vừa để giúp người dân mưu sinh, kiếm sống, nhưng cuối cùng vẫn phải quay lại, vỉa hè dành cho người đi bộ."

Theo đánh giá của UBND quận Hoàn Kiếm về kết quả thí điểm cho thuê vỉa hè tại 4 vị trí, gồm: số 15 phố Ngô Quyền; Số 11 Lê Phụng Hiểu; Số 30A phố Lý Thường Kiệt; số 94 phố Lý Thường Kiệt cho thấy, các vị trí thí điểm nêu trên đã góp phần nâng cao mỹ quan đô thị, cảnh quan tuyến phố, tình hình trật tự đô thị tại các vị trí được đảm bảo, đồng thời nâng cao được hiệu quả trong công tác quản lý vỉa hè, đóng góp một nguồn thu để tái đầu tư cải tạo hạ tầng kỹ thuật hiện có trên địa bàn.

Bởi vậy, khi Hà Nội đưa ra đề xuất nghiên cứu, khảo sát mở rộng địa bàn cho thuê vỉa hè sang 123 tuyến phố, đã thu hút sự hưởng ứng của nhiều địa phương. Hầu hết các quận trung tâm đều tiến hành khảo sát, lập danh sách các tuyến đường đủ điều kiện, tiêu chí để thực hiện thí điểm.

Tình trạng lộn xộn, lấn chiếm vỉa hè của 1 quán cafe tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Hải Bằng

Tình trạng lộn xộn, lấn chiếm vỉa hè của 1 quán cafe tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Hải Bằng

Ông Nguyễn Đình Thu, Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay, dù trên địa bàn có nhiều tuyến đường đáp ứng đủ các tiêu chí do TP. Hà Nội đặt ra, song, hiện phường Trần Hưng Đạo mới đề xuất thí điểm cho thuê vỉa hè trên tuyến phố Quang Trung:

"Trên tuyến phố này chúng có 42 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, và thực tế là nhu cầu và mong muốn của người dân là có. Chúng tôi cũng đã khảo sát thì nhận thấy vỉa hè của tuyến phố Quang Trung phần hẹp nhất là 5,7m, phần rộng nhất là 6,5m. Với mong muốn của người dân như thế, kết hợp với những quy định pháp luật mà có thể cho phép thì việc cho thuê vỉa hè cũng phải nên nghiên cứu."

Một số ý kiến người dân mưu sinh trên vỉa hè cũng bày tỏ sự tán thành khi Thành phố Hà Nội nghiên cứu, mở rộng địa bàn cho thuê vỉa hè sang 123 tuyến phố:

"Chắc chắn là khả thi vì trên phố cổ tứ xứ người ta đi về, đi lại rất đông, được bán như thế nhân dân vừa có thu nhập, vừa vui vẻ. Tốt quá."

"Nó khuôn khổ, nề nếp hơn thì sẽ đảm bảo lợi ích của nhiều bên. Người đi bộ có chỗ đi bộ, hàng quán có chỗ để xe, có chỗ bán hàng được."

Căn cứ nào xác định giá cho thuê vỉa hè?

Sở Xây dựng Hà Nội đang phối hợp với 16 quận, huyện khảo sát, nghiên cứu để cho thuê vỉa hè ở 123 tuyến phố với mức giá từ 20.000 đến 40.000 đồng/m2/tháng. Vậy căn cứ nào để xác định giá cho thuê vỉa hè? 

VOV Giao thông đã có cuộc trò chuyện với Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội: 

Ông Đoàn Hữu Đạo, một trong những người dân phản đối chính sách cho thuê vỉa hè. Ảnh: Quách Đồng

Ông Đoàn Hữu Đạo, một trong những người dân phản đối chính sách cho thuê vỉa hè. Ảnh: Quách Đồng

PV: Thưa ông, vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã đưa ra Đề án quản lý, khai thác, sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP. Hà Nội. Quan điểm của ông như thế nào về đề xuất này?

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh: Trong Đề án này có nhiều thông tin, nhưng về cơ bản, nó có 3 cái bất cập. Thứ nhất, nó là một cái vi phạm về pháp lý. Theo Luật Đường bộ, Điều 8, cấm sử dụng lòng đường, vỉa hè vào bất cứ mục đích phi giao thông. Cho nên dùng cho đỗ xe hay kinh doanh mua bán hay bất cứ việc gì đều là vi phạm pháp luật cả. Cho nên về mặt pháp lý, đây là một cái bất ổn.

Bất ổn thứ hai, là về mặt đạo lý. Vỉa hè lòng đường vốn là công sản và về mặt đạo lý, lấy cái của công mà thành của cá nhân sử dụng, cho dù là mục đích đỗ xe thì cũng là nhu cầu cá nhân và thu tiền đỗ xe cũng là cho cá nhân, còn việc thu lại cho Nhà nước thì thống kê cho biết là nó không đáng kể. Thành ra là Nhà nước thu ngân sách ngặt nghèo để có nguồn lực đầu tư, rồi cuối cùng lại lấy cái sản phẩm đầu tư của xã hội để cho thuê, còn ngân sách nhà nước lại thất thoát. Chưa nói là việc tranh chấp.

Ảnh: Minh Hiếu

Ảnh: Minh Hiếu

Thứ ba là về vật lý là vô cùng bất ổn, bởi vì khi đầu tư làm đường sá thì kết cấu đường dành cho xe cộ thì chi phí nó khác, người ta phải có nền đường rất đắt. Trong khi đó nếu chỉ đỗ xe thì chỉ cần san phẳng, xếp mấy viên gạch là xe có thể đỗ được, tức là chi phí của nó khác hàng chục lần. Cho nên làm đẹp ra để làm gì trong khi chỉ để đỗ xe từ sáng đến tối?

Cho nên một Đề án mà về mặt pháp lý không ổn, đạo lý không ổn, vật lý không ổn thì lý do gì lại phải lập đề án đó.

PV: Ông có ý kiến như thế nào về căn cứ xác định giá cho thuê, cũng như mức giá cho thuê như vậy có phù hợp với thị trường hay không?

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh: Bây giờ phải làm rõ, đây là giao dịch công sản, được đầu tư bằng công sản. tức là lấy công sản để làm lợi cho người được sử dụng nó, cho dù là đỗ xe thì cũng là lợi ích cá nhân và cái người thay mặt cho Nhà nước để thu cái giá ấy thì chúng ta phải xem cách tiếp cận cái giá này có kẽ hở gì về mặt luật pháp hay không.

Bởi vì xét về mặt kinh tế thì rất rõ ràng, ví dụ giải phóng mặt bằng thì rất tốn kém, đầu tư xây dựng cũng tốn kém thời gian, tài sản của xã hội như vậy, nếu cho thuê với một mức giá thấp như vậy thì nó sẽ tạo ra một sự chênh lệch rất lớn, tức là người ta mua đắt, rồi bán rẻ.

Đoạn vỉa hè tại phố Võ Thị Sáu trước và sau khi xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè làm nơi trông xe

Đoạn vỉa hè tại phố Võ Thị Sáu trước và sau khi xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè làm nơi trông xe

Vậy chênh lệch ấy, ai được hưởng? Và việc ấy cũng nảy sinh ra một cơ chế xin - cho, bởi vì không phải ai cũng được thuê cả. Việc xây dựng giá như thế, chưa nói là cao hay ít như thế, anh phải lập luận đủ, việc cho thuê đấy nó đủ chi phí để đầu tư xây lắp, đủ chi phí để duy trì, bảo vệ, thậm chí đủ thu hồi vốn trong một khoảng thời gian hấp dẫn, thì cái đấy mới gọi là giá, chứ còn một cái giá bịa ra, một cái giá tượng trưng, thì đây chính là mồi ngon của tham nhũng, lãng phí.

Thế thì việc cho thuê vỉa hè này mà chúng ta xây dựng hệ thống giá mà nó không bám sát quy luật của kinh tế thị trường thì nó sẽ tiếp tục nảy sinh ra một thị trường điên đảo nữa trong việc đấu giá để được thuê tất cả những cái tài sản một cách vô lý về mặt kinh tế như vậy.

PV: Xin cảm ơn ông.

Kênh VOV Giao thông/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn