Xuất hiện tình trạng mạo danh xe buýt, cách nào phân biệt?

Trên địa bàn Hà Nội đang xuất hiện một số xe ô tô mạo danh xe buýt chính thống hoạt động công khai đón khách, thậm chí còn lấn át ở nhà chờ, điểm dừng đón trả khách.

Xe buýt nhái thuộc nhà xe "HT" diễu qua  khu vực BX Mỹ Đình đón trả khách. Ảnh: Tạp chí GTVT

Theo ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở GTVT Hà Nội), đúng là hiện nay trên địa bàn thành phố vẫn tồn tại một số trường hợp xe ô tô buýt mạo danh đi đón khách và chạy cùng tuyến với xe buýt chính thống. Qua đây ông Thái Hồ Phương khuyến cáo tới người dân cách phân biệt xe buýt chính thống và xe buýt giả mạo:

"Mặt bên ngoài là thông tin trước, trong và hai bên xe và cái giá vé được niêm yết, chất lượng xe nhìn qua là biết chất lượng xe của chúng tôi đảm bảo ̃ quan xanh – sạch – đẹp. Tuổi đời phương tiện thấp, Xe buýt mạo danh thường có tuổi đời trên 10 năm và chất lượng phương tiện rất là xấu. Trên xe chúng tôi niêm yết thông tin bằng âm thanh và hệ thống đèn led nếu người dân lên xe thì có thể nhận biết rất dễ.  Những người đi xe buýt có thể sử dụng đi vé tháng nhưng những chiếc xe này không sử dụng vé tháng được và giá vé của chúng tôi thì rất rẻ,  từ 7-8.000, cao nhất là 9.000"

Cũng theo ông Thái Hồ Phương, qua nắm bắt thực tế hoặc từ hình ảnh người dân gửi về sẽ tổng hợp, báo cáo lực lượng chức năng gồm Thanh tra Sở GTVT, Cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương để sử phạt loại xe buýt mạo danh này theo đúng quy định. Chỉ có những tuyến buýt được thành phố Hà Nội quyết định và được Sở GTVT phê duyệt lộ trình, điểm đầu điểm cuối thì mới được phép chạy trên các tuyến đường và dừng đón trả khách tại các vị trí đã được cắm trên các điểm dừng.

Một chiếc xe buýt nhái chạy tuyến Mỹ Đình – Ba Vì được Đội CSGT số 6 kiểm tra, xử lý. Ảnh: Tạp chí GTVT

Liên quan đến tình trạng này, trả lời Tạp chí Giao thông Vận tải, Đại úy Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT số 6 (PC08, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, qua tuần tra kiểm soát trên địa bàn, đơn vị đã kịp thời phát hiện bắt giữ nhiều xe chở khách sơn màu sắc giống như xe buýt; nhiều xe khách đeo phù hiệu giả gắn với các sự kiện, mạo danh các hợp đồng đám cưới, đám ma để đón trả khách tuỳ tiện. Các trường hợp này đều bị xử phạt nghiêm khắc.

Nhiều trường hợp khi bị lực lượng CSGT đội 6 kiểm tra, tài xế đã không xuất trình được hợp đồng vận chuyển hành khách hợp lệ và thừa nhận gắn “mác” xe buýt để tiện dừng đỗ trong nội thành. Sau khi kiểm tra, lực lượng CSGT nhận định, hầu hết trường hợp giả xe buýt hoạt động chở khách đều không đảm bảo an toàn, được cải tạo lại từ các dòng xe đã cũ kỹ, thay đổi màu sơn so với đăng ký ban đầu, để đánh lừa hành khách.