Vụ sạt lở đất khiến 11 người tử vong tại Hà Giang, công tác khắc phục ra sao?

Liên quan đến vụ xe khách bị sạt lở đất vào 4h sáng ngày 13/7 tại km 10+900, thuộc địa bàn thôn Tạ Mò, xã Yên Định, Bắc Mê, lực lượng chức năng đã hoàn tất công tác rà soát số lượng người trên xe khách gặp nạn.

Theo đó có 11 người tử vong, 4 người bị thương và 1 người may mắn thoát chết. Đến nay, công tác khắc phục hậu quả vụ sạt lở đang được thực hiện như thế nào?

PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Huệ, Phó Chánh văn phòng Ban an toàn giao thông tỉnh Hà Giang về nội dung này.

Chiếc xe ô tô 16 chỗ bị mắc kẹt trong đất đá

PV: Thưa ông, đến nay công tác khắc phục vụ sạt lở tại km 10 quốc lộ 34 trên địa bàn huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang thực hiện như thế nào?

Ông Hoàng Văn Huệ: Đến sáng ngày 14 /7, lực lượng công an và quân đội, lực lượng của Sở Giao thông vận tải cùng với các công ty đơn vị quản lý đường bộ, sử dụng máy móc, thiết bị thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, khắc phục điểm sạt lở đất, tìm thấy 11 người chết 4 người bị thương.

Số người tử vong hiện nay đưa vào bệnh viện,  cơ quan chức năng cũng đã làm thủ tục chuyển về cho các gia đình nạn nhân thực hiện mai táng. Đối với 4 người bị thương hiện đang nằm trong bệnh viện cơ bản ổn định và chiều nay có thể cho về với gia đình.

PV: Theo dự kiến, khi nào công tác khắc phục vụ sạt lở sẽ hoàn thành và các phương tiện giao thông có thể tham gia lưu thông được bình thường, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Huệ: Tuyến đường hiện nay tạm thời được thông xe. Các đơn vị, lực lượng sử dụng máy xúc, máy ủi san gạt đất khi nào đảm bảo an toàn cho xe đi, sau đó lại tiếp tục thi công, khi tuyến đường được đảm bảo an toàn mới tiếp tục cho đi tiếp.

PV: Đến nay, lực lượng chức năng đã xác định được nguyên nhân ban đầu của vụ sạt lở này hay chưa, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Huệ: Đối với khu vực Hà Giang trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ hiện nay có rất nhiều khu vực nguy hiểm. Trên tuyến quốc lộ 34 này cũng rất nhiều vị trí thường xuyên xảy ra sạt lở, thậm chí sạt lở gây tắc đường 1-2 ngày liền.

Tuyến quốc lộ 34 nằm trên đồi cao, taluy cao, chủ yếu là đất, chứ không phải núi đá nên cứ mưa to gió lớn đất sụt và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nguy cơ xảy ra mất an toàn rất cao.

Dù rằng tuyến đường này được Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục đường bộ Việt Nam quan tâm nâng cấp, mặt đường rộng 5m, hộ lan cứng, hộ lan mềm. Về hệ thống an toàn cơ bản đạt yêu cầu nhưng với thời tiết khắc nghiệt như thế này thì vẫn có thể xảy ra sạt lở bất cứ lúc nào. 

Tuyến quốc lộ 34 từ Hà Giang- Cao Bằng, đoạn tuyến này đất đá rời rạc, trong khoảng một tuần trở lại đây mưa liên tục, cứ đêm là mưa, mưa to gió lớn. Hà Giang thời gian vừa qua, toàn bộ khu vực phía Bắc và phía Tây, lượng mưa rất lớn có thể đến 500mm.

Trong thời gian như thế đất ngấm, taluy cao nguy cơ sạt lở là rất lớn. Vụ việc xảy ra do nguyên nhân là sạt lở từ trên cao xuống chắn hết đường thì xảy ra vụ tai nạn rất nghiêm trọng.

Lực lượng cứu hộ nỗ lực tìm kiếm nạn nhân

PV: Thưa ông, để đảm bảo cho các phương tiện có thể lưu thông an toàn qua khu vực này. Ông có khuyến cáo gì đối với cả những người tham gia giao thông?

Ông Hoàng Văn Huệ: Ở Hà Giang, tại một số đoạn khu vực có nguy cơ sạt lở cao, lực lượng cảnh sát giao thông và Công an huyện, tỉnh cùng với các đơn vị quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải, Ban An toàn giao thông tỉnh Hà Giang thường xuyên chỉ đạo các đơn vị cắm biển cảnh báo những khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đặc biệt là tuyến quốc lộ 34. Hà Giang đi Cao Bằng dài 73 km.

Chúng tôi đã cắm biển cảnh báo rất an toàn hai bên tại các vị trí sạt lở để mọi người tham gia giao thông có thể nhìn thấy.

Khuyến cáo người tham gia giao thông, đặc biệt là người ở các địa phương khác đi du lịch qua địa bàn, khi đi qua các khu vực sạt lở thì cần chú ý tới khu vực có nguy hiểm và có thể hỏi thăm các người dân ở đấy có nên đi qua hay không. Đặc biệt trong điều kiện thời tiết mưa gió, không nên đi đêm, người tham gia giao thông cũng nên kiểm tra kỹ lưỡng phương tiện, đảm đủ điều kiện mới lưu thông để an toàn hơn.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông