Vì sao thanh niên Đức không còn tha thiết sắm ô tô riêng?

VOVGT - Thanh niên Đức đang ngày càng không mặn mà với việc sắm cho mình một chiếc xe riêng.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Ảnh nh họa

Theo kết quả khảo sát từ Trung tâm nghiên cứu ô tô độc lập của Đức (CAM), hiện nay những người trẻ tuổi, đặc biệt từ 18 tới 25, sống tại các thành phố lớn ngày càng không muốn sở hữu riêng một chiếc xe hơi.

Trong khi 73% người Đức nói chung cho rằng, việc mua ô tô là “quan trọng” hoặc “rất quan trọng” thì tỷ lệ này ở giới trẻ chỉ còn 57%. Thậm chí, giảm xuống 36% đối với những thanh niên sống tại các thành phố có hơn 100 nghìn dân.

Ông Stefan Bratzel, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô tô cho biết, thế hệ trẻ gần như không còn tha thiết với việc có ô tô riêng. Bởi họ cho rằng xe hơi không còn là biểu tượng của sự thành đạt hay địa vị xã hội như trước đây; mà chỉ đơn giản như một vật dụng chúng ta sử dụng hàng ngày.

Nghiên cứu cũng cho thấy, trong nhóm dưới 25 tuổi, chỉ 27% sẵn sàng hủy một chuyến du lịch xa để dành tiền mua mua ô tô, trong khi tỷ lệ này là 46% vào năm 2010.

Một lý do khác khiến thế hệ 9X tại Đức không muốn sở hữu ô tô riêng, bởi giao thông công cộng phát triển rất tốt. Bên cạnh đó, giới trẻ cũng ngày càng chuộng hình thức di chuyển bằng xe đạp, đi bộ, đi chung xe hoặc gọi taxi thông qua các ứng dụng di động.

Anh Mike sống tại Berlin cho biết: “Nếu bạn đang có kế hoạch mua một chiếc ô tô ở Đức, đặc biệt là tại Berlin (Béc-lin) thì lời khuyên của tôi là đừng làm vậy. Thứ nhất, hệ thống giao thông công cộng rất tốt. Thứ hai dịch vụ chia sẻ ô tô cũng rất tiện lợi. Ngoài ra, nếu cần đi đâu đó gấp bạn có thể gọi taxi một cách nhanh chóng chỉ bằng một chiếc di động”.

Tuy nhiên, theo ông Stefan Bratzel, việc thay đổi thói quen cũng như quan niệm của người dân về phương tiện cá nhân còn đến từ nỗ lực của chính quyền. Bên cạnh việc khuyến khích người dân sử dụng nhiều hơn giao thông công cộng, giới chức nước này còn áp dụng nhiều chiến lược làm nản lòng những người đi lại bằng ô tô riêng trong thành phố.

Anh Mike chia sẻ thêm: “Tôi có thể kể ví dụ đã xảy ra với chính bản thân mình. Tôi có một chiếc ô tô. Vài tháng trước, tôi nhận được thư của cảnh sát nói rằng hiện xe của tôi không an toàn. Tôi sẽ phải nộp phạt nếu lưu thông trên đường. Tôi biết chắc có sự nhầm lẫn nào đó nên gọi cho cả công ty bảo hiểm và sở cảnh sát. Tuy nhiên, trình tự để giải quyết việc này lại mất rất nhiều thủ tục và tốn quá nhiều thời gian. Gọi điện thoại, gửi email, lại gọi điện, rồi chờ đợi. Vậy nên theo tôi, nếu không muốn mệt mỏi thì tốt nhất bạn đừng nên sắm ô tô”.

Về lâu dài, chính sách giao thông ở những thành phố lớn đang được đề xuất theo hướng, hạn chế phương tiện cá nhân và gia tăng vận tải công cộng. Nhiều chuyên gia cho rằng, chính quyền không thể để giao thông tiếp tục phát triển như hiện nay bởi nếu có quá nhiều ô tô riêng sẽ gây ra tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng. Do đó, chiến lược là làm sao để ngày càng có ít xe cá nhân lưu thông trong thành phố càng tốt.

Giới trẻ Đức đang là những người đi tiên phong và được kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa nhằm thay đổi quan niệm, thói quen của những người xung quanh về việc sở hữu phương tiện cá nhân.

Mặc dù thu nhập bình quân chỉ ở mức trung bình tại Đông Nam Á nhưng người Việt lại rất “chịu chơi” khi chi hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm cho ô tô. Coi đây như một cách thể hiện đẳng cấp bản thân.

Trung tâm Nghiên cứu Người tiêu dùng và Khách hàng thuộc Công ty Tư vấn Boston Consulting Group (Mỹ) cho biết, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang tăng lên mạnh mẽ, với mức thu nhập khoảng 714 đô la (hơn 16 triệu đồng)/ tháng. Dự kiến, tầng lớp này sẽ chiếm khoảng 1/3 dân số vào năm 2020.

Đây là điều kiện tốt cho các hãng xe hơi. Tuy nhiên, điều này sẽ gây áp lực lên hạ tầng giao thông; do vậy, chính quyền và giới trẻ Việt Nam nên thay đổi cách suy nghĩ về vấn đề sở hữu phương tiện cá nhân. Hãy chỉ coi ô tô là vật dụng di chuyển, chứ đừng coi nó là cách thể hiện bản thân.