Vì sao nhiều người bỏ cầu vượt, liều mạng băng qua đường

Theo thống kê từ Sở GTVT Hà Nội, hiện có 46 cầu vượt đi bộ được xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2009; tuy nhiên, phần lớn vẫn chưa được sử dụng một cách hiệu quả...

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ảnh nh họa

Ghi nhận tại nhiều tuyến đường có cầu vượt đi bộ, đặc biệt tại các cầu vượt ở trước cửa các bệnh viện, trường học hằng ngày có hàng nghìn lượt người qua lại. Tuy nhiên, chỉ có một bộ phận nhỏ người dân sử dụng cầu vượt đi bộ, còn lại phần lớn người dân ngang nhiên, bất chấp nguy hiểm băng qua lòng đường.

Điển hình là tại cầu vượt Giảng Võ – Ngọc Khánh (quận Ba Đình), dù cầu vượt được xây dựng hiện đại nhưng do thiếu đồng bộ với hạ tầng xung quanh nên rất ít người sử dụng. Bên cạnh đó, cầu cũng đã xuống cấp và hoen gỉ…

Hay tại cầu vượt trước cổng Bệnh viện Thanh Nhàn (Q, Hai Bà Trưng). Bà Nguyễn Thị Hoa, một người dân sống gần khu vực này cho biết, do cầu đi bộ quá cao nên việc đi lên, đi xuống khá bất tiện: “Cô cảm thấy lên xuống cầu không an toàn, đi lên thì mệt mà đi xuống thì chóng mặt, rất là sợ. Không phù hợp với người già nên hiện tượng người ta đi băng qua đường rất là nhiều là vì thế”

Còn tại cầu vượt khu vực trường Đại học Khoa học, Xã hội- Nhân văn, mặc dù cầu được đặt ngay sát điểm quay đầu xe và trước cổng trường, nhưng hạ tầng xung quanh phục vụ người dân lại chưa được đồng bộ. Mỗi ngày có hàng trăm sinh viên lên xuống xe buýt ở hai bên đường, nhưng điểm chờ xe buýt hướng từ Ngã Tư Sở về Hà Đông lại cách xa so với đường dẫn lên cầu. Ở hướng ngược lại, lối lên cầu vượt trở thành nơi tập kết rác thải.

Do vậy, nhiều người vẫn băng cắt qua đường vào giờ cao điểm mà không đi lên cầu. Một người dân chia sẻ: “Thực ra lỗi người đi bộ vi phạm thì chỗ nào cũng có hết. Đi cả 1 cây số mới có 1 dải phân cách qua đường thì người ta làm thế nào. Nhưng mà mình cũng chưa thấy phạt bao giờ cả”

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia giao thông Trần Minh Tú, Công ty ALmec, Nhật Bản nhận định: “Mức xử phạt đối với trường hợp vi phạm chưa đủ sức răn đe, do vậy, vi phạm vẫn xảy ra phổ biến.”

Theo chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình, người dân băng qua đường mà không sử dụng cầu vượt bộ hành đang phải chịu những rủi ro tai nạn giao thông rất lớn: “Cầu vượt bộ hành ở nước ta có một nhược điểm rất lớn là không có thang máy. Những người cao tuổi sẽ khó có thể trèo lên số bậc thang tương ứng với một căn nhà 2 tầng để qua cầu vượt bộ hành. Chính vì vậy, không có cách nào khác là họ không sử dụng cầu vượt bộ hành mà phải băng qua đường.”

TS. Phan Lê Bình cũng nhấn mạnh, chúng ta cần nâng cao hơn nữa việc đảm bảo quyền và ưu tiên dành cho người đi bộ khi tham gia giao thông: “Trên thực tế, hệ thống giao thông đường bộ của Việt Nam chưa đặt ra được tính ưu tiên cao cho người đi bộ. Để tạo điều kiện cho người dân qua đường an toàn hơn, với những trường hợp không thể leo lên cầu thang được thì vẫn cần thiết có vạch kẻ đường. Tuy nhiên, chúng ta cần phải làm thêm những gờ giảm tốc để đảm bảo an toàn hơn, đặc biệt là an toàn cho người cao tuổi”

Thực tế, đã có không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra do người đi bộ tùy tiện băng qua đường. Do đó, để tham gia giao thông an toàn, người đi bộ cần thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường bộ.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như tiếp tục rà soát và bổ sung cầu vượt cho người đi bộ trong thành phố để giảm thiểu TNGT; dẹp bỏ các vi phạm lấn chiếm vỉa hè để trả lại lối đi bộ cho người dân; tuyên truyền, phổ biến để người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đi chậm, nhường đường để người đi bộ sang đường đúng luật, an toàn.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: