Vì sao Nepal lại có số vụ tai nạn máy bay cao kỷ lục?

Mới đây nhất, ngày 24/7 vừa qua, một chiếc máy bay đã gặp nạn tại sân bay thủ đô Kathmandu (Nepal) khiến 18 người đã thiệt mạng. Đáng chú ý, theo cơ quan hàng không dân dụng Nepal, đây là vụ rơi máy bay thứ 105 trên bầu trời Nepal kể từ vụ tai nạn hàng không đầu tiên vào tháng 8/1955.

Theo thống kê từ năm 2000 đến nay, đã có gần 360 người thiệt mạng trong 19 vụ tai nạn máy bay tại Nepal. Vậy đâu là lý do khiến Nepal là điểm nóng về các vụ tai nạn hàng không?

Hiện trường vụ tai nạn hôm 24/7. (Ảnh: Getty Images)

“Tôi nghe thấy tiếng động lớn nên đã đi tìm xung quanh và nhìn thấy một chiếc máy bay rơi xuống cánh đồng lớn nằm bên cạnh đường băng. Chiếc máy bay đang bốc cháy, lăn bánh trong ngọn lửa một lúc”.

“Người ta đã tìm thấy các thi thể từ nửa trên của máy bay khi nó vỡ thành hai mảnh sau khi đâm vào container”.

Các nhân chứng nhớ lại khoảnh khắc chiếc máy bay chở khách 50 chỗ Bombardier CRJ 200 của hãng Saurya Airlines ngày 24/7 vừa qua bị rơi sau khoảng 20 giây cất cánh từ sân bay Kathmandu. 18 người đã thiệt mạng.

Đây là thảm kịch hàng không mới nhất trong hàng chục vụ tai nạn hàng không ở Nepal trong thập kỷ qua, khiến quốc gia này trở thành một trong những nước có hồ sơ an toàn hàng không yếu kém nhất thế giới.Tất cả các hãng hàng không Nepal đã bị cấm bay vào không phận châu Âu kể từ năm 2013 do hồ sơ an toàn bay kém.

AirlineRatings.com xếp hạng Nepal Airlines nằm trong số 14 hãng hàng không kém nhất về độ an toàn, chỉ được đánh giá một sao, cùng với các hãng hàng không từ Iran và Suriname.

Nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc bên dãy núi Himalaya đồ sộ bậc nhất thế giới, Nepal là nơi có nhiều ngọn núi cao nhất thế giới, khiến nơi đây trở nên đặc biệt nguy hiểm đối với các phi công.

Các sân bay ền núi thường có đường băng ngắn hơn, đòi hỏi kỹ năng phi công cao hơn và chỉ có thể tiếp nhận các máy bay nhỏ hơn, đôi khi kém tin cậy hơn.

Sân bay Lukla của Nepal, cửa ngõ vào khu vực Everest, trước đây đã được mệnh danh là sân bay nguy hiểm nhất thế giới vì tỷ lệ tai nạn của sân bay này. Đường băng của sân bay chỉ dài 527m và kết thúc đột ngột tại một bức tường gạch.

Sân bay Lukla của Nepal, cửa ngõ vào khu vực Everest, trước đây được mệnh danh là sân bay nguy hiểm nhất thế giới. (Ảnh: Getty Images)

Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết khó lường và thường khắc nghiệt của Nepal đặt ra thách thức lớn đối với an toàn hàng không quốc gia này.

Nhiều hãng hàng không nội địa của Nepal khai thác máy bay cũ, thậm chí, một số máy bay cũ còn không có hệ thống GPS; công tác bảo trì thường không hiệu quả nguồn lực hạn chế để nâng cấp cơ sở hạ tầng hàng không bao gồm sân bay và Hệ thống kiểm soát không lưu, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng này.

Trong vụ tai nạn mới nhất, chiếc Bombardier CRJ 200 của hãng Saurya Airlines, vốn gặp khó khăn tài chính, đang đến sân bay quốc tế Pokhara để bảo trì, do không có chỗ trong nhà chứa ở sân bay Kathmandu và do phí đỗ ở sân bay Pokhara rẻ hơn.

Nói về nguyên nhân vụ tai nạn, ông Badri Pandey, Bộ trưởng hàng không dân dụng Nepal, cho biết: “Về phương diện kỹ thuật, chiếc máy bay trải qua đợt bảo trì C-Check. Theo quy định bắt buộc của hãng Saurya Airlines, máy bay đang đến Pokhara để bảo trì, vì vậy các nhân viên kỹ thuật đã có mặt trên khoang để kiểm tra máy bay. Máy bay còn 50 giờ bay (so với số giờ tối thiểu cần thiết để bảo trì C- check) vì vậy nó không ở trong tình trạng nguy hiểm, hoặc sắp hỏng, hoặc không đủ điều kiện để bay. Các nhân viên kỹ thuật đều đang ở trên máy bay”.

Ngoài ra, nhiều vụ tai nạn máy bay tại Nepal xảy ra có nguyên nhân từ việc phi công đã đưa ra những quyết định không hợp lý.

Đơn cử như vụ tai nạn làm 72 người chết hồi tháng 1/2023, phi công được cho là do thiếu kiến thức và thực hiện không đúng quy trình, gạt nhầm cần điều khiển, gây ra vụ rơi máy bay.

Một chiếc máy bay bay qua đống đổ nát của máy bay Saurya Airlines tại Kathmandu, Nepal. (Ảnh: Getty Images)

Một nguyên nhân khác được các chuyên gia chỉ ra khiến dịch vụ hàng không tại Nepal còn nhiều bất cập là sự chồng chéo của công tác giám sát quản lý.

Dịch vụ hàng không và quy định hàng không thường do các cơ quan riêng biệt phụ trách ở hầu hết các quốc gia. Tuy nhiên, ở Nepal, Cục Hàng không Dân dụng điều hành hàng chục sân bay và cung cấp hầu hết các dịch vụ của họ. Đồng thời, cơ quan này quản lý và giám sát mọi thứ, từ đào tạo và trình độ của nhân viên đến các khía cạnh kỹ thuật của hàng không và điều hướng không lưu.

Các chuyên gia cho rằng đây là xung đột lợi ích khi cơ quan quản lý tự kiểm soát hoạt động của mình, có nguy cơ dẫn đến các vấn đề tiêu cực và quản lý không hiệu quả.

Theo ông Sanjiv Gautam, cựu Giám đốc Cục hàng không dân dụng tại Nepal, hiện đang làm cố vấn an toàn, điều khiến tình hình ở Nepal trở nên tồi tệ hơn là bộ phận quản lý của cơ quan này đang thiếu kinh phí và nhân sự trầm trọng, chỉ có 8% nhân sự của cơ quan được phân bổ cho bộ phận này.

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế đã yêu cầu chính phủ Nepal chia tách cơ quan hàng không dân dụng này. Kể từ năm 2020, đã có một nỗ lực nhằm chia tách cơ quan hàng không nhưng trì trệ do tình hình chính trị hỗn loạn và bất ổn của đất nước.

Còn tại Việt Nam, theo Bộ GTVT, trong 8 năm (từ 2016-2023), ngành hàng không trong nước đối diện với hai vụ tai nạn máy bay.

Về sự cố, 8 năm qua, ngành hàng không ghi nhận 632 sự cố. Trong đó, có 9 sự cố nghiêm trọng (mức B), 63 sự cố uy hiếp an toàn cao (mức C) và 560 sự cố uy hiếp an toàn (mức D).

Mặc dù vậy, nhìn chung, Ngành hàng không Việt Nam được đánh giá có được những kết quả tích cực trong lĩnh vực an toàn và khai thác; đạt chứng nhận của Tổ chức hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) và đạt chứng nhận năng lực giám sát an toàn hàng không FAA CAT 1. Các hãng hàng không Việt Nam đều được Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế đánh giá cấp chứng nhận an toàn khai thác.