Vì sao Malaysia bỏ yêu cầu dán tem phí đường bộ trên phương tiện cá nhân

Bộ Giao thông vận tải Malaysia mới đây quyết định, sẽ từng bước bỏ yêu cầu dán tem thuế đường bộ thủ công trên các phương tiện cá nhân. Đây được xem là nỗ lực mạnh mẽ của chính quyền trong việc số hóa lĩnh vực giao thông.

Giới chức Malaysia cho biết, kể từ ngày 10/2/2023, phương tiện cá nhân sẽ không cần phải dán tem đã nộp thuế đường bộ vào kính chắn gió. Đồng thời, cũng sẽ không yêu cầu các tài xế phải luôn mang theo giấy phép lái xe bên mình.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia Anthony Loke giới thiệu ứng dụng MyJPJ tại cuộc họp báo hôm 10/2 (Ảnh: Facebook/Anthony Loke Siew Fook)

Ông Anthony Loke, Bộ Trưởng Giao thông Malaysia khẳng định, mục 20 của Luật Giao thông đường bộ năm 1987, yêu cầu mọi phương tiện có biển số phải dán tem đường bộ đã chính thức hết hiệu lực: “Bắt đầu từ ngày 10/2, chủ phương tiện cá nhân có thể sử dụng ứng dụng kỹ thuật số để thay thế cho một số loại giấy tờ vật lý. Cụ thể, các tài xế chỉ cần tải ứng dụng di động MyJPJ như một phương tiện để chứng nh các khoản thanh toán thuế đường bộ và giấy phép lái xe của họ là hợp lệ”.

Bộ trưởng Anthony Loke cho biết, ‘sự thay đổi lớn’ này là một phần trong nỗ lực của chính phủ Malaysia nhằm từng bước số hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực giao thông.

Theo đó, tài xế cần đăng ký tài khoản trên cổng thông tin của Cục Giao thông vận tải (JPJ), để truy cập và hiển thị thông tin đã nộp thuế đường bộ và có giấy phép lái xe hợp lệ. Hoặc chỉ cần tải ứng dụng MyJPJ từ App Store, Google Play Store hay Huawei App Gallery.

Theo quy định, thuế đường bộ phải được gia hạn hàng năm. Do đó, theo ông Loke, việc chuyển đổi sang ứng dụng kỹ thuật số sẽ giảm được tình trạng ùn tắc và chờ đợi lâu khi người dân làm các thủ tục hành chính. Mọi người sẽ không cần trực tiếp đến các văn phòng của Cục đường bộ để dán tem thuế theo cách thủ công mà có thể ngồi bất kỳ đâu, thậm chí tại nhà, để gia hạn trực tuyến.

“Tôi biết rằng, mỗi tháng số lượng phương tiện hết hạn và cần gia hạn nộp thuế đường bộ trên cả nước lên tới hơn 1 triệu phương tiện. Với hệ thống số hóa này chúng tôi có thể giảm trên 80% thời gian chờ đợi của người dân. Do vậy chúng tôi rất khuyến khích và hoan nghênh tất cả các tài xế, chủ phương tiện chuyển sang nền tảng kỹ thuật số”, Bộ trưởng Anthony Loke cho biết.

Bộ Giao thông vận tải Malaysia thông báo, những tài xế ‘chưa sẵn sàng’ chuyển sang ứng dụng công nghệ, đặc biệt những người không có điện thoại thông nh, vẫn có thể chọn mang theo bằng lái cứng và giữ tem dán thông tin thuế đường bộ trên xe. Tuy nhiên, ‘giai đoạn tạm thời’ này dự kiến chỉ kéo dài khoảng 1 năm.

Dù việc đơn giản thủ tục hành chính có nhiều ưu điểm, nhưng nỗ lực số hóa của Bộ Giao thông vận tải Malaysia vẫn nhận không ít quan điểm trái chiều.

Các tài xế chỉ cần tải ứng dụng di động MyJPJ như một phương tiện để chứng nh các khoản thanh toán thuế đường bộ và giấy phép lái xe của họ là hợp lệ”.

Ông Musa Hassan, nguyên Tổng thanh tra Giao thông thuộc lực lượng cảnh sát Hoàng gia Malaysia nêu quan điểm: “Theo tôi, Bộ Giao thông vận tải cần nghiên cứu một cách kỹ lưỡng khi quyết định số hóa giấy phép phương tiện cơ giới và thuế đường bộ. Bởi việc thực thi các quy định pháp luật không chỉ mình Bộ giao thông mà còn có các cơ quan chức năng khác bao gồm cảnh sát hoặc chính quyền địa phương. Rõ ràng số hóa thủ tục là điều nên làm nhưng các lực lượng khác cũng cần có quyền truy cập vào dữ liệu của Cục đường bộ để phục vụ nhiệm vụ của cơ quan thực thi pháp luật”.

Trong khi đó, kể từ khi có thông báo của Bộ Giao thông vận tải, nhiều người dùng đã phàn nàn về những bất cập và trục trặc với ứng dụng MyJPJ, nhất là khi số lượng truy cập tăng cao.

Ngoài ra, không ít người cũng bày tỏ nghi ngờ về tính hiệu quả của ứng dụng mới. 

“Làm thế nào để người đi đường xuất trình giấy nộp thuế đường bộ và bằng lái xe kỹ thuật số ở những khu vực hẻo lánh, hay vùng ngoại ô không thể truy cập internet”.

“Mở ứng dụng, truy cập thông tin để trình cảnh sát đôi khi còn mất nhiều thời gian hơn cách làm truyền thống. Theo tôi đây không phải ý tưởng thông nh”.

Tuy nhiên, theo chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Rosli Azad Khan, Phó chủ tịch Học viện Logistics & Transport Malaysia, số hóa là xu hướng tất yếu trong lĩnh vực giao thông và nhiều quốc gia khác cũng đang thực hiện điều này.

Tiến sĩ Khan dẫn chứng, Hà Lan vẫn sử dụng giấy phép lái xe dạng thẻ nhựa nhưng mọi thủ tục khác đều được số hóa để truy cập thông tin phương tiện. Trong khi đó, Singapore đã bỏ việc sử dụng dán tem thuế đường bộ từ năm 2017 và số hóa giấy phép lái xe vào năm 2020.

Tại Việt Nam, phí đường bộ được thu theo năm và mức phí do nhà nước quy định. Sau khi nộp phí sử dụng đường bộ, chủ xe sẽ được dán tem vào kính chắn gió phía trước. Trên tem có ghi rõ ngày hết hạn, và thường dán song song với tem đăng kiểm.

 Nói về nhu cầu số hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực giao thông trong thời gian tới, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy nhận định: “Việc số hóa sẽ giảm bớt vấn đề tiêu cực, giảm bớt nhiêu khê cho người đi làm các thủ tục nộp phí đường bộ hoặc bằng lái xe, nhất là giảm bớt thời gian của người dân, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các cơ quan chức năng thuận lợi hơn và hiệu quả hơn.

Theo tôi Bộ Giao thông vận tải phải có một chủ trương mang tính nhà nước và số hóa đó phải qua cơ quan công nghệ cao, làm thế nào phần mềm đó phải gọn nhẹ và thuận lợi cho người thực hiện”.

Với nỗ lực số hóa thủ tục hành chính của ngành giao thông, hiện người dùng tại nhiều tỉnh thành có thể thực hiện đổi giấy phép lái xe qua mạng.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên VOV Giao thông, mặc dù Hà Nội đã áp dụng hình thức đổi giấy phép lái xe trực tuyến, người dân có thể thực hiện qua mạng, song, vẫn rất ít người thực hiện. Trong khi đó, tại bộ phận một cửa, mỗi ngày có hàng trăm người xếp hàng chờ đợi để đổi giấy phép lái xe, khiến bộ phận này luôn trong tình trạng quá tải.