Vì sao hàng loạt công trình trọng điểm ở TP.HCM bị 'đắp chiếu'?

Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm bị 'đắp chiếu', gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng và khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Đâu là nguyên nhân của thực trạng này và ngành chức năng đã và đang làm gì để… 'tháo gỡ'?

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 
Hiện dự án cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè, TP HCM) vẫn đang dang dở với vài trụ cầu đã xây. Ảnh: NLĐ

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết, hiện đơn vị này quản lý 252 dự án giao thông, trong đó có 75 dự án đang tổ chức thi công, nhưng có tới 43 dự án có vướng mắc liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư. 

Đơn cử như dự án Đầu tư xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy (Quận 2). Hiện dự án đang thực hiện ở giai đoạn 2 với 3 hạng mục chính gồm: cầu Mỹ Thủy 3, cầu vượt rẽ trái từ cảng Cát Lái đi cầu Phú Mỹ và cầu Kỳ Hà 4. Mặc dù đã có kế hoạch và phương án xây dựng nhưng đến nay, tiến độ của dự án này vẫn còn chậm khi điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 504 tỷ đồng lên 1.029 tỷ đồng.

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng (Phó chủ tịch UBND quận 2) cho biết, hiện phát sinh thêm diện tích đất ở cần giải phóng mặt bằng là hơn 7.800 mét vuông nữa: "Sở Tài nguyên Môi trường đã có văn bản thống nhất đề xuất chủ trương đầu tư đối với việc điều chỉnh là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế nữa. Sau đó thì chủ đầu tư cũng có trình lại cho.”

2 dự án khác là cầu Nam Lý và cầu Tăng Long ở quận 9 hiện vẫn dang dở, ngổn ngang sắt thép gần 4 năm vì nhà thầu không có mặt bằng để thi công. Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng, 2 dự án trên do địa phương chưa duyệt xong đơn giá đất bồi thường giá T2 (thời hạn sử dụng đất còn lại) nên tạm thời chưa có mặt bằng để triển khai. 

Bên cạnh đó, công tác bồi thường trong giai đoạn thay đổi chính sách Luật Đất đai cũng là một vướng mắc. Ông Đoàn Phú Đức (Phó Ban điều hành dự án đường bộ 2 - Ban Quản Lý Dự Án đầu tư xây dựng công trình giao thông) cho biết: “Nguyên nhân khó khăn trong công tác thẩm định đơn giá, bồi thường đất cho dự án để triển khai giải phóng mặt bằng. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án do quận 9 thực hiện đến nay vẫn chậm. Khi quận 9 hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và bàn giao cho chúng tôi thì 10 tháng sau chúng tôi sẽ hoàn thành công trình này.”

Dự án cầu Bưng trên đường Lê Trọng Tấn (tiếp giáp giữa quận Tân Phú và Bình Tân, TP HCM) ngưng trệ suốt thời gian qua. Ảnh: NLĐ

Một dự án khác là nút giao An Sương (Quận 12 và huyện Hóc Môn), nhà thầu cùng các đơn vị thi công đã ròng rã đợi mặt bằng trong vòng 1 năm mới thi công trở lại. Dự án Xây dựng cầu Long Kiểng ở huyện Nhà Bè đã triển khai gần 20 năm, đến nay vẫn chưa xong.

Dự án Mở rộng đường Lê Trọng Tấn, nối quận Tân Phú với quận Bình Tân đến nay đã chậm tiến độ 1 năm do UBND quận Bình Tân chưa giải tỏa xong mặt bằng dự án Vành đai 2.

Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM, một vướng mắc nữa của các dự án hiện nay liên quan đến những điểm mới của Luật đầu tư công 2019. Theo quy định, chuyển tiếp vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025 sẽ không quá 20%. Nếu vượt tỷ lệ này sẽ vi phạm luật. Bên cạnh đó, nếu điều chỉnh dự án, phải chuyển cho các cơ quan chuyên môn là các sở ngành lập và trình dự án, chứ các Ban quản lý dự án không được phép lập dự án như trước. 

Mới đây, tại buổi giám sát về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án giao thông trọng điểm, bà Nguyễn Thị Lệ (Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM) yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng đơn giá bồi thường cho phù hợp với tình hình thực tế, có lợi cho người dân. Các sở ngành liên quan như Sở Tài chính, Xây dựng, Quy hoạch Kiến trúc cùng phối hợp giải quyết những vướng mắc còn tồn tại.

“Sở Tài nguyên Môi trường phải rà soát lại các quy định pháp luật, các hướng dẫn, các thông tư, các nghị định của chính phủ, của các bộ ngành; để báo cáo thật đầy đủ cho UBND thành phố, để tháo gỡ cho doanh nghiệp. Bởi vì dự án đã được phê duyệt và đang triển khai thực hiện. Trước khi có luật Đầu tư công mới, mình ký hợp đồng với người ta là khi người ta thi công thì mình bàn giao 6 mặt bằng cho người ta.', Bà Nguyễn Thị Lệ nói.

Bà Lệ cũng yêu cầu Sở Kế hoạch – Đầu tư lập kế hoạch đảm bảo vốn ngân sách thực hiện các dự án của chương trình giảm ùn tắc giao thông, tránh tình trạng công trình chậm triển khai thiếu vốn. Ngược lại cũng phải rà soát khả năng giải ngân vốn ở các dự án và có hướng dẫn, đề xuất xử lý đối với việc đăng ký vốn chưa sát nhu cầu. Bởi vì hiện vẫn còn tình trạng đề xuất, bố trí vốn vượt thực tế.

---

Mời các bạn nghe nội dung chi tiết, đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 16/6 tại đây: