Vì sao cầu vòm sắt vượt hồ Linh Đàm “ế khách”?

Cầu vòm sắt vượt hồ Linh Đàm (dành riêng cho xe máy) đã được thông xe chào mừng Quốc Khánh 2/9 năm ngoái, tuy nhiên, từ khi thông xe đến nay, khảo sát của VOVGT cũng như qua phản ánh của thính giả cho thấy, rất ít phương tiện sử dụng, thậm chí đang được sử dụng sai mục đích.

Cầu vòm sắt vượt qua hồ Linh Đàm có dấu hiệu sử dụng cho mục đích khác. (Ảnh: Lê Tùng)

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

“Mình thấy cũng lãng phí mà, chả có ai đi. Mà nếu theo phản ánh của người dân thì nếu cần thì cho sử dụng làm mục đích khác”.

“Thực ra anh thấy đường này rất hay nhé, đi mát, không nắng không mưa, mà chả thấy ai đi, căn bản đi hết đường này đến kia lại bị nghẽn, không đi được chứ anh thấy nó rất có tác dụng, lại toàn xe máy thì rất thoáng, có điều chưa hợp lý”.

Đó là ý kiến của hai trong số nhiều người dân sinh sống tại khu vực bán đảo Linh Đàm và một vài khu vực dân cư xung quanh cầu vượt dưới gầm vành đai 3, đoạn đi qua hồ Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội.

Người dân cho biết, trái với sự háo hức sau khi thông xe, hiện nay những gì họ cảm nhận được là sự lãng phí:

“Cảm giác để trống này thì phí quá, bản thân em đi qua rất thích vì mát, thoáng, mọi người nên đi nhiều hơn để tránh ùn cho đường bên ngoài”.

“Không đi thì cũng phí quá. Nắng thế này mà loáng thoáng có vài người, giờ cao điểm mà chỉ 5 người đi, công năng và hiệu quả thế này là lãng phí, không hiểu ý tưởng lúc làm thì cũng muốn giải tỏa ùn tắc cho Thanh Xuân, nhưng đi và đây cũng chẳng giải quyết được gì, đi ra kia cũng cấm rẽ trái phải thôi”.

Khu vực đầu cầu được tận dụng trở thành nơi đỗ xe, thậm chí một số phương tiện còn đỗ dưới lòng đường. (Ảnh: Lê Tùng)

Theo quan sát của PV, đoạn đầu cầu (lối giao với phố Hoàng Liệt, đoạn dẫn vào khu chung cư bán đảo Linh Đàm) thường xuyên bị chiếm dụng làm nơi đỗ ô tô, thậm chí có những chiếc xe đỗ cả ngày. Tình trạng này đã diễn ra từ giai đoạn đang thi công, tới nay sau khi thông xe gần 1 năm, tuyến đường này cũng phần lớn bị chiếm dụng để dừng đỗ ô tô trái phép.

Dọc cây cầu vượt qua hồ Linh Đàm, lác đác một số người dân còn sử dụng để làm nơi đi bộ, tập thể dục dù đã có biển cấm người đi bộ và xe đạp lưu thông. Mặt cầu cũng bị xả rác bừa bãi, mất mỹ quan.

Người dân cho biết, một phần lý do khiến tuyến đường này vắng vẻ vì người điều khiến xe máy sẽ phải chuyển làn từ đường bên ngoài, đi hết hồ, vì không thể tiếp tục đi thẳng về bến xe Nước Ngầm, nên các phương tiện sẽ phải nhập lại vào đường Hoàng Liệt. Đoạn đường không dài, lại mất công, nên vắng xe là điều dễ hiểu.

Nhìn bằng mắt thường cũng thấy bụi bám cả mảng trên thành cầu (Ảnh: Lê Tùng)

Thường xuyên ứng trực và làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng tại Ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - Nghiêm Xuân Yêm - điểm bắt đầu của cây cầu vượt trị giá 65 tỷ đồng đang bị bỏ phí – Thượng úy Nguyễn Anh Tuấn, Cán bộ đội CSGT số 14, phòng CSGT Hà Nội cho biết:

“Hàng ngày chúng tôi ứng trực và phân luồng điều tiết tại Nghiêm Xuân Yên - Nguyễn Hữu Thọ, thấy mật độ các phương tiện sử dụng tuyến đường này rất thấp. Đa số các phương tiện từ Nghiêm Xuân Yêm về Hoàng Liệt sẽ đi làn bên ngoài, và nếu muốn đi đường bên trong này thì họ phải chuyển làn, và các xe nếu đã đi vào đường bên trong từ Thanh Xuân về thì họ đa phần là rẽ trái sang Nguyễn Hữu Thọ chứ không đi thẳng tiếp làm gì”.

Mục tiêu của UBND TP Hà Nội sau khi đưa vào sử dụng cầu vượt qua hồ Linh Đàm là giảm lưu lượng giao thông, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc tại nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng cũng như khu vực bán đảo Linh Đàm. Tuy nhiên, đã gần 1 năm trôi qua từ ngày thông xe, giá trị của tuyến đường này chưa được thể hiện tương xứng với số vốn đầu tư.

Thượng úy Nguyễn Anh Tuấn tiếp tục phân tích về yếu tố khiến nhiều người chưa mặn mà với cây cầu vượt này: "Vô hình trung nó làm gia tăng mật độ rẽ trái vào Nguyễn Hữu Thọ, nó tăng mật độ dẫn đến ùn tắc và làm khó khăn cho lực lượng phân luồng. Rất mong người dân đi đúng phần đường, chấp hành hệ thống đường bộ, vạch kẻ đường, lựa chọn các tuyến đường phù hợp để giảm ùn tắc”.

Vị trí đặt cầu nằm dưới đường vành đai 3 với hành trình di chuyển xa hơn đường bên ngoài, khó tiếp cận, chưa kể phía bên ngoài đã có 2 đường nhánh vượt hồ nên người dân càng không mặn mà (Ảnh: Lê Tùng)

Đã không ít lần báo chí truyền thông phản ánh về sự thiếu hiệu quả của dự án này, và được biết sau khi nắm thông tin, Sở GTVT Hà Nội đã cử cán bộ phụ trách khảo sát, rà soát lại phương án tổ chức giao thông để phân luồng, nâng cao hiệu quả sử dụng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy cải thiện.

Chắc chắn không một ai hài lòng khi thấy cảnh bên trên là Vành đai 3 ùn tắc kéo dài, hai bên đường song song cũng thường xuyên xung đột, trong khi tuyến đường dưới gầm Vành đai 3 lại vắng vẻ đến thế!