Vì sao cá chết hàng loạt ở Hồ Tây?

Thành phố nào cũng có những điều bí ẩn, những hiện tượng lặp đi lặp lại không thể tìm ra lời giải đáp. Với Hà Nội, có một điều bí ẩn ở Hồ Tây, đó là hiện tượng cá chết mùa thu.

 

Nếu bạn thường xuyên theo dõi các phương tiện truyền thông báo chí, bạn sẽ dể dàng đọc được thông tin là cứ đến thời điểm cuối tháng 9 tới tháng 11 hàng năm, cá lại chết hàng loạt trên Hồ Tây, số lượng ít thì 5-10 tấn, nhiều thì cả chục, cả trăm tấn.

Còn nếu bạn trực tiếp đến Hồ Tây để quan sát kỹ lưỡng hơn, vào thời điểm cuối thu đầu đông sẽ thấy, có đến trên 90% cá chết trên mặt hồ là cá mè nhỏ bằng bàn tay (cha ông ta thường gọi là cá mè ranh).

Tình trạng cá chết tại hồ Tây đã diễn ra từ đầu tháng 10 năm nay. Ảnh: Hải Bằng)

Thực tế, cá mè thường không tự sinh sản nhiều trong điều kiện tự nhiên, mà do tác động do con người đưa cá nuôi từ nơi khác thả xuống hồ.

Tôi muốn nói thêm một thông tin mà nhiều người không để ý hoặc không biết, đó là ngày 19/9/2017, UBND Thành phố Hà Nội có ban hành văn bản quy định việc nuôi và thả cá trên các hồ ở khu vực nội thành. Trong đó, nghiêm cấm việc nuôi cá, câu cá, đánh lưới và hoạt động đánh bắt tự phát khác tại các hồ do UBND Thành phố quản lý, trong đó có Hồ Tây.

Sau đó, ngày 17/11/2017, UBND quận Tây Hồ cũng có văn bản khẳng định việc cấm nuôi cá kinh doanh, đánh bắt cá tại các hồ trên địa bàn toàn quận, trong đó có Hồ Tây.

Nhưng năm nào cũng vậy, cứ vào thời điểm cuối thu đầu đông, cá trên Hồ Tây lại chết hàng loạt, chủ yếu là cá mè (loại cá được nuôi thả như tôi đã nói ở trên).

Năm ngoái, cũng đã từng xuất hiện những “căn cứ” đánh bắt cá trái phép trên Hồ Tây. Tại đó, từng đêm, thường xuyên xuất hiện một vài nhóm người ra hồ đánh cá.

Việc đã có quy định cấm, nhưng vẫn xuất hiện tình trạng nuôi cá trên Hồ Tây, tôi nghĩ là tình trạng cần phải được đánh giá một cách đầy đủ.

Và điều quan trọng hơn, đó là tình trạng ‘cứ đến cuối thu đầu đông cá trên Hồ Tây lại chết’ thì cũng chưa bao giờ được đánh giá, nghiên cứu một cách đầy đủ.

Cá chết chưa kịp vớt lên xử lý đã bị phân hủy, tạo thêm chất độc, gây ô nhiễm môi trường nước ở hồ Tây, tác động không tốt đến sức khỏe cộng đồng. (Ảnh: Hải Bằng)

Hà Nội là nơi tập trung rất nhiều cơ quan nghiên cứu với nhiều nhà khoa học, nhưng từ trước đến nay, gần như chúng ta chưa nghe thấy, chưa đọc được bất cứ ý kiến đánh giá của một nhà nghiên cứu, hoặc một tổ chức khoa học nào về lí do vì sao cá trên Hồ Tây chết hàng loạt? Và có nên nuôi cá, thả cá trên Hồ Tây hay không?

Rõ ràng, tình trạng cá chết hàng loạt trên Hồ Tây sẽ gây ra những ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và ô nhiễm không khí nói chung.

Một cảnh quan có vị trí quan trọng với Thủ đô như Hồ Tây nên được quan tâm, nên có các nhà khoa học được mời đến để nghiên cứu, đánh giá và tìm hiểu nguyên nhân vì sao xuất hiện những hiện tượng như vậy?!

Liệu đó có phải là một phần đặc tính về môi trường nước của Hồ Tây không? Làm sao để tình trạng đó không lặp lại? Vì nếu tiếp diễn, nó sẽ ảnh hưởng không chỉ đến người dân sinh sống xung quanh hồ, mà còn ảnh hưởng đến cả du khách và môi trường sống của cả khu vực đó nữa.

Hình ảnh bình mình và hoàng hôn trên Hồ Tây với mặt nước hồ phẳng lặng đã đi vào thơ ca, nhưng trên đó lại xuất hiện cá chết nổi la liệt không phải là một điều dễ chịu.

Tôi nghĩ, các cơ quan chức năng nên đề nghị những nhà khoa học có sự đánh giá, nghiên cứu và có ý kiến về hiện tượng này. Để hi vọng rằng, trong những thời điểm cuối thu đầu đông, người dân quanh hồ không phải chịu đựng những sự ô nhiễm do cá chết hàng loạt./.