Vi phạm nồng độ cồn, Bộ trưởng phải từ chức và mục tiêu không người chết vì TNGT

VOVGT - Cách đây không lâu, bà Aida Hadziazlic - Bộ trưởng Giáo dục Thuỵ Điển phải từ chức sau khi bị CSGT phát hiện hành vi lái xe sau khi uống rượu bia

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Bà Aida Hadziazlic mở cuộc họp báo tại Thủ đô Stockholm (Thuỵ Điển) tuyên bố từ chức, sau khi cảnh sát giao thông thành phố TP. Malmo dừng xe, yêu cầu thử nồng độ cồn; và phát hiện trong hơi thở bà Aida Hadziazlic có nồng độ cồn 0,2 gram/lít máu. Chỉ số này vừa vặn chạm ngưỡng vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông tại Thuỵ Điển.

Bà Aida Hadziazlic - Bộ trưởng Bộ Giáo dục Thụy Điển

Cụ thể, bà đã uống 1 ly rượu vang và 1 ly rượu đỏ trong bữa tiệc tối tại Copenhagen (Đan Mạch). 4 giờ sau, bà tự lái xe về thành phố Malmo vì cho rằng thời gian đã đủ để bay hơi rượu.

Trong buổi họp báo, bà Aida Hadziazlic nói rằng đây là sai lầm lớn nhất cuộc đời:

 

“Đây là sai lầm lớn nhất cuộc đời. Tôi sẽ chịu trách nhiệm. Tôi xin thông báo từ chức khỏi vị trí Bộ trưởng. Tôi hiểu, rất nhiều người sẽ thất vọng về tôi. Tôi cũng vô cùng tức giận với bản thân và hối hận sâu sắc… Nhưng tôi chọn quyết định này vì tôi hiểu việc tôi lái xe sau khi uống rượu là quá nghiêm trọng"

Việc từ chức của bà Aida Hadziazlic còn kéo theo nhiều hệ luỵ; vì bà là một trong những Bộ trưởng trẻ tuổi nhất Thuỵ Điển, được người dân đặt niềm tin và hy vọng là thế hệ lãnh đạo tương lai.

Theo Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, trung bình mỗi năm có 272 người Thuỵ Điển thiệt mạng vì TNGT; trong đó liên quan tới rượu bia chỉ chiếm 19%. Là nước có quy định nghiêm khắc nhất thế giới, Thuỵ Điển đang hướng tới mục tiêu không có người thiệt mạng vì TNGT và đưa ra các quy định liên quan tới an toàn giao thông vô cùng nghiêm khắc.

Như đối với nồng độ cồn khi tham gia giao thông, từ hơn 20 năm nay, quy định nồng độ cồn chỉ 0,2 gram/lít máu.. Trong khi ở Anh, Mỹ, nồng độ cồn hạn chế ở 0,8gram/lít máu hay 0,5 gram/lít máu ở phần lớn các nước Châu Âu (Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italy)… Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới, Thuỵ Điển được đánh giá 8 trên 10 điểm trong việc thực thi quy định nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.

Ở nước này, vi phạm nồng độ cồn khi lái xe từ lâu đã trở thành vấn đề thể diện quốc gia và xử phạt rất nghiêm khắc: Vi phạm lần đầu bị phạt tù 6 tháng cộng tiền phạt; Nếu nồng độ cồn vượt quá 10%, bị phạt tù lên tới 2 năm cùng tiền phạt. Và, có nguy cơ bị đình chỉ giấy phép lái xe tới 5 năm.

Thụy Điển hướng tới việc không còn người chết vì tai nạn giao thông trong tương lai. Ảnh nh họa

Trong một số tình huống đặc thù, mức phạt còn tính theo tỉ lệ số tiền người này đang gửi trong ngân hàng. Đã từng có người phải nộp phạt 21.000 USD (tương đương gần 470 triệu VNĐ) vì vi phạm nồng độ cồn.

Như thế chưa phải đã hết, nếu hơn một lần vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, mọi thông tin cá nhân, biển số xe sẽ được đưa vào sổ theo dõi đặc biệt của cảnh sát và họ có quyền dừng xe để kiểm tra bất cứ lúc nào. Vì vậy, tới 99% người Thuỵ Điển không dám ho he vi phạm.

Trong một bài viết trên blog cá nhân, một người Mỹ giấu tên từng đến Thuỵ Điển cho biết:

“Một trong những điều mà tôi tôn trọng nhất ở người Thuỵ Điển là cách họ tiết chế niềm vui trong bữa tiệc, cụ thể là thái độ của họ với việc uống rượu và lái xe, tuyệt đối không nhé! Không có chuyện lái xe sau khi uống bia hay thậm chí chỉ một ly rượu vang. Giới hạn nồng độ cồn trong máu khá thấp, hầu hết mọi người đều đi xe buýt, taxi, xe lửa nếu đã uống rượu bia, thậm chí chọn cách ngủ lại tại chỗ nếu họ uống rượu bia.”

Tại Việt Nam, hồi cuối năm ngoái, trong một khảo sát tại 10 quốc gia cho thấy: 28% người được hỏi cho rằng, lái xe sau khi uống rượu bia là hành vi chấp nhận được. Riêng Việt Nam, con số này là… 37%. Ngoài ra, 86% người Việt Nam được hỏi thừa nhận vẫn tự lái xe sau khi sử dụng rượu bia, một con số rất đáng suy ngẫm.

Lái xe khi đã uống rượu bia có thể gây nguy hiểm không chỉ cho tính mạng của bạn mà còn cho tính mạng của. Dù vậy, nhiều người vẫn cho rằng việc lái xe sau khi uống rượu bia là một hành vi có thể chấp nhận được trong văn hóa Việt Nam. Do đó, các cơ quan chức nằng không chỉ nên tập trung vào tháng hành động mà cần được duy trì thường xuyên, liên tục, lâu dài tạo ý thức tự giác và thay đổi thói quen trong sinh hoạt của người tham gia giao thông.