Ứng dụng gọi xe phải chi trả quyền lợi cho tài xế như những nhân viên chính thức?

VOVGT - Chính quyền thành phố New York (Mỹ) vừa ra phán quyết công nhận 3 tài xế taxi công nghệ là nhân viên chính thức của Uber.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Chính quyền thành phố New York (Mỹ )vừa ra phán quyết công nhận 3 tài xế taxi công nghệ là nhân viên chính thức của Uber.

Điều đó có nghĩa, Uber sẽ phải bảo đảm quyền lợi lao động cũng như đóng bảo hiểm đầy đủ cho họ chứ không đơn thuần là các đối tác.

Chính quyền thành phố New York (Mỹ) đang cố gắng bảo vệ quyền lợi cho tài xế taxi công nghệ

Phán quyết được Ủy ban bảo hiểm thất nghiệp thành phố New York đưa ra, công nhận 3 tài xế từng đâm đơn kiện Uber là nhân viên của ứng dụng chia sẻ xe này. Dư luận cho rằng, đây là thắng lợi chung cho các lái xe công nghệ kiếm sống từ những ứng dụng tương tự Uber như Juno, Via hay Lyft.

Trước đó, 3 tài xế đã nộp đơn xin nhận bảo hiểm thất nghiệp nhưng không được chấp nhận, vì Uber không xem họ là nhân viên của công ty mà chỉ là những đối tác. Trong số đó, 2 tài xế bị Uber khoá tài khoản trên hệ thống, không hợp tác nữa. Người còn lại tự động bỏ vì thu nhập dưới mức tối thiểu theo quy định của New York. Do không nhận được bảo hiểm thất nghiệp, họ đã đưa đơn kiện Uber.

Ủy ban bảo hiểm New York khẳng định, có đầy đủ bằng chứng cho thấy Uber đã thực hiện việc kiểm soát thời gian và hoạt động của 3 tài xế này; vì vậy phải coi họ là nhân viên. Hơn nữa, việc công nhận này không chỉ áp dụng với 3 tài xế nêu trên mà còn cho tất cả các lái xe đang hợp tác với Uber.

Sau nhiều lần đòi hỏi quyền lợi bất thành, chiến thắng này được xem là bước tiến quan trọng của các tài xế taxi công nghệ.

Bà Bhairavi Desai, chủ tịch Liên nh Taxi New York bày tỏ: “Điều này thực sự rất có ý nghĩa. Nó là bước tiến quan trọng với các tài xế taxi công nghệ. Giờ đây chúng tôi đã có phán quyết chính thức từ cơ quan nhà nước. Phán quyết này cần được bảo vệ và thực thi”.

 

Còn theo người phát ngôn Bộ Lao động Mỹ, Jill Aurora, Uber có quyền đưa ra kháng cáo. Trong trường hợp không có phản ứng nào, thì kể từ nay, Bộ Lao động sẽ xem tất cả các lái xe hợp tác là nhân viên chính thức của Uber. Điều đó có nghĩa, Uber sẽ phải đảm bảo quyền lợi cho họ, khai báo rõ ràng và đóng bảo hiểm đầy đủ.

Theo thống kê, New York hiện có khoảng 65.000 tài xế đang hợp tác với Uber. Nếu phải đóng bảo hiểm, Uber sẽ phải tiêu tốn rất nhiều.

Đại diện công ty cho biết đang làm việc với ban pháp lý để đưa ra hướng giải quyết. Ban lãnh đạo đang xem xét sự việc và sẽ không đồng ý với phán quyết của Ủy ban bảo hiểm thất nghiệp New York. Uber cho rằng phán quyết chỉ áp dụng với 3 người khiếu kiện chứ không áp dụng cho tất cả các tài xế.

Nhiều tài xế công nghệ cho biết làm không đủ sống

Một nghiên cứu mới đây của Ủy ban Limousine và Taxi New York cho thấy, trong khi thu nhập của các tài xế không ngừng lao dốc thì thị trường gọi xe lại ngày càng phát triển. Không ít người than phiền, dù làm ngày làm đêm, họ cũng không kiếm đủ tiền để trả các hóa đơn hay hỗ trợ gia đình. Thậm chí, 6 lái xe chuyên nghiệp đã tự sát chỉ trong vài tháng gần đây vì gánh nặng kinh tế.

Sự khốn khó của các tài xế được thể hiện qua số liệu: Khoảng 40% có thu nhập thấp đến mức được đưa vào diện trợ cấp y tế của tiểu bang và khoảng 18% thuộc diện cần hỗ trợ thực phẩm. Một số tài xế mua xe vì tưởng rằng có thể kiếm khoảng 5.000 USD (hơn 100 triệu) ngay trong tháng đầu tiên; nhưng cuối cùng bị mắc kẹt trong nợ nần.

Một lái xe bày tỏ: “Đời sống của nhiều tài xế công nghệ hết sức khó khăn. Tôi tin, nếu tình cảnh này tiếp tục sẽ rất nhiều người bỏ cuộc để làm công việc khác”.

 

Để tìm lối thoát, chính quyền New York đang xây dựng quy định về mức lương cơ bản của tài xế hợp tác với các ứng dụng gọi xe qua điện thoại. Nếu thu nhập của tài xế dưới 17,22USD/h trong vòng một tuần thì công ty phải tìm cách giải quyết. Cụ thể, có thể hỗ trợ bằng cách hạ phần trăm mà họ thu lại từ tài xế (hiện đang ở khoảng 10-25% của chuyến xe).

Quy định về vấn đề lương tối thiểu mà New York đặt ra sẽ áp dụng với 4 ứng dụng gọi xe qua điện thoại lớn là: Uber, Lyft, Via và Juno - tất cả các hãng này đang cung cấp hơn 100 nghìn chuyến/ngày tại New York.

Hồi cuối tháng 3 vừa qua, Grab đã công bố việc mua lại toàn bộ hoạt động và tài sản của Uber ở khu vực Đông Nam Á. Theo đó, quyền lợi của các tài xế là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm, trong bối cảnh thị trường chỉ còn lại mình Grab.

Ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam nhận định về tài xế taxi công nghệ và đặt câu hỏi: Họ có phải là người lao động không? Họ có phải là người làm thuê không? Họ có nằm trong diện bảo vệ của Bộ Luật Lao động không? Đó là những câu hỏi cần được các cơ quan chức năng giải đáp trong quá trình sửa đổi Bộ Luật Lao động.