Trường học phải là nơi an toàn

Năm học mới chỉ vừa bắt đầu, nhưng liên tiếp xảy ra các sự cố nghiêm trọng, khiến học sinh thương vong đã dấy lên lo ngại về vấn đề an toàn trong các trường học.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Hiện trường vụ sập cổng trường khiến 6 học sinh thương vong. Ảnh: Tiền Phong

Tiếng trống khai trường giòn giã, mở ra một năm học mới với những niềm vui, sự kỳ vọng. Thế nhưng, chỉ trong tuần nhập học đầu tiên đã xảy ra rất nhiều sự cố nghiêm trọng.

Trước tiên phải kể đến trường hợp thương tâm tại điểm trường Bản Phung thuộc Trường Tiểu học - Mầm non Yên Khánh Thượng (huyện Văn Bàn, Lào Cai) khi cổng trường đổ sập khiến 3 học sinh bị thương và 3 em khác thiệt mạng.

Bên cạnh công tác điều tra nguyên nhân vụ tai nạn, nhà chức trách địa phương đã và đang hỗ trợ gia đình các nạn nhân, đồng thời rà soát tất cả các điểm trường.

Ông Phí Công Hoan, Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn, Lào Cai cho biết: "Huyện đã họp khẩn và sẽ nhanh chóng cho đánh giá lại tất cả 85 điểm trường, rà soát đánh giá lại để cho các cháu yên tâm học tập”.

Thông tin từ Phòng GD-ĐT huyện Bảo Thắng (Lào Cai), mưa lớn những ngày qua gây sạt lở đất làm hơn 4 trường học xuất hiện các vết nứt dài, đất đá tràn vào lớp học.

Mới đây tại Nghệ An, lại một nam sinh lớp 5 thiệt mạng vì sập tường rào trước trường học. Hay một học sinh lớp 2B trường Trường TH Kim Đồng (TP Lào Cai – Lào Cai) bị chấn thương vì cánh quạt văng vào trán…. đã làm tăng thêm mối lo ngại về việc đảm bảo an toàn tại trường học.

Không chỉ các sự cố nghiêm trọng liên quan cơ sở vật chất, một vấn đề khác xảy ra khiến phụ huynh xót xa và hoảng sợ, đó là vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong bối cảnh vụ Minh Chay với độc tố botulinum gây chết người vẫn đang trong quá trình điều tra và số người ngộ độc vẫn có nguy cơ tăng… thì mới đây tại Hà Nội đã xảy vụ ngộ độc thực phẩm ở trường Tiểu học Tiên Dương và trường Tiểu học Lê Hữu Tựu khiến 33 học sinh bị rối loạn tiêu hóa, có 4 em phải  nhập viện sau bữa ăn trưa bán trú. 

Không dừng lại ở đó, hơn 53 giáo viên, học sinh, bảo mẫu tại trường Tiểu học Bình Trưng Đông, Quận 2, TPHCM cũng phải nhập viện cấp cứu nghi bị ngộ độc thực phẩm do dùng bánh su kem trong bữa xế từ một đơn vị thực phẩm cung cấp.

Hiện Trưởng phòng Y tế quận 2, TP.HCM đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ việc này, vấn đề hỗ trợ các bệnh nhân và xử lý sai phạm sẽ được nghiêm túc thực hiện.

Ông Nguyễn Phúc Huy Tùng Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 2, TP HCM khẳng định: "Giáo viên chủ nhiệm theo dõi sát tình hình, một số em khác không nhập viện cũng không đến trường vì nhiều lý do cũng cập nhật số lượng đó..... Ổn định, động viên học sinh nhà trường an tâm. Tôi cam đoan khi phát hiện sai phạm đến đâu sẽ xử lý nghiêm đến đó".

Nhiều vụ học sinh nghi ngộ độc thực phẩm phải nhập viện trong thời gian qua. Ảnh: Dân Việt

Thực tế, có nhiều trường hợp đáng tiếc khác được ghi nhận trong sự bất ngờ và bức xúc của dư luận: Nghi vấn cô giáo tát học sinh; trẻ 21 tháng tuổi đi học bị nhiều vết cắn tím người, một học sinh lớp 3 tại Hà Nội đã bị bỏ quên trên xe...

Các vụ việc trên sẽ còn chờ kết luận từ cơ quan điều tra, nhưng chắc chắn xuất phát từ nguyên nhân nào cũng không thể chấp nhận.

Vì tất cả các trường hợp này đều có thể sớm ngăn chặn nếu công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như chất lượng bữa ăn, việc quản lý, giảng dạy học sinh được tiến hành nghiêm túc.

Trước các sự cố và rủi ro hoàn toàn có thể tiếp diễn, đặc biệt trong mùa mưa bão, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các địa phương về việc rà soát lại toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất, trường, lớp học. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến cơ sở vật chất để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh: "Cơ sở vật chất trường lớp mà phải được đảm bảo và vai trò đấy thuộc trách nhiệm của các địa phương. Tôi hy vọng rằng là các địa phương mà quan tâm vào cuộc quyết liệt và thực hiện nghiêm túc các quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với các công trình trường học thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên theo quy định thì hạn chế được tối thiểu các sự cố không mong muốn xảy ra".

Phải khẳng định, năm học 2020-2021 là năm học thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, với không ít khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid 19 vẫn chưa “chùng xuống”.

Tuy nhiên, để thầy và trò an tâm dạy tốt – học tốt, trường học trước tiên phải an toàn, đảm bảo cơ sở vật chất thiết bị.

Có như vậy, mới từng bước thực hiện hiệu quả chương trình sách giáo khoa để Chương trình GDPT mới được áp dụng thành công. Rõ ràng, vấn đề này không chỉ thuộc về nhà trường, mà cơ quan hữu quan sở tại các địa phương phải có trách nhiệm liên đới.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 16/9 tại đây: