Trẻ dưới 10 tuổi có thể không được phép ngồi ghế trước trên ô tô

Tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dự kiến góp ý lần đầu vào kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Theo đó, tại Điều 9 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có quy định: Trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 mét được chở trên xe ô tô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ.

Trên thực tế, khi tham gia giao thông tại Việt Nam, nhiều gia đình vẫn có thói quen để con nhỏ ngồi cùng hàng với ghế lái hoặc chồng lái xe, vợ bế con nhỏ ngồi ở bên cạnh. Vậy nên nếu dự thảo Luật trên được chính thức thông qua, thì thói quen này sẽ phải thay đổi.

Để hiểu rõ hơn về nội dung này, phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với chuyên gia nghiên cứu về giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy.

Ảnh nh họa: Shutterstock

PV: Thưa ông, ông có quan điểm như thế nào về quy định, trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 mét sẽ không được phép ngồi ghế trước trên ô tô, được nêu trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo đề xuất của Bộ Công an?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy: Về quy định này thì cá nhân tôi hoan nghênh và ủng hộ, và có thể sớm luật hóa để đảm bảo an toàn, vì các nguyên như sau. Thứ nhất là khi chúng ta đi ô tô, người lái xe phải tập trung, nếu mà để các cháu bé dưới 10 tuổi ngồi bên cạnh thì do bé nó không biết, nó có thể làm những động tác mà làm ảnh hưởng đến người lái xe.  Nó có thể hiếu động, sờ tay vào nút bấm hoặc là tay lái làm mất an toàn.

Cái thứ hai là trẻ em ngồi trước xe, nếu mà không may xảy ra tai nạn, thì thường thường khi xảy ra tai nạn, cái người lái xe và người ngồi trước bị nặng hơn, thế nên các cháu có thể bị tổn thương nặng hơn. Thứ ba nữa là các cháu mà nó ngồi như vậy, do người lái xe phải tập trung nên cửa nó có thể là mở ra và gây ra mất an toàn.

Còn nguyên tắc ở nhiều nước, thường thường nếu mà các vợ chồng trẻ là con phải ngồi đằng sau và có ghế riêng, nếu mà còn bé, và vợ chồng người ta ngồi cạnh nhau ở phía trước, thì nó hợp lý hơn, theo tôi là như vậy.

PV: Có ý kiến cho rằng, nếu quy định này được ban hành thì việc xác định các trường hợp trẻ em dưới 10 tuổi hoặc dưới 1,35m cũng rất là khó cho việc xử lý vi phạm. Ông nghĩ sao về điều này?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy: Theo tôi những đôi vợ chồng ở Việt Nam phải quen với cái quy định này và đừng có cho rằng là mình là gia đình thì mình muốn gì mình muốn. Xe của tôi tôi muốn gì thì tôi muốn, thế là không được đâu. Nếu cái này đi vào luật thì tất cả người lái xe gia đình phải thực hiện nghiêm túc, và trong cái quy định đó thì nó cũng phải có vấn đề xử phạt.

Khi người ta kiểm tra đột xuất có, thể là xác suất thôi thì người ta có thể xử phạt để đảm bảo tính răn đe, nghiêm túc của cái luật này. Và tôi cũng kêu gọi các gia đình nên tuân thủ quy định này và đừng có cho rằng như vậy là mất tự do. 

PV: Xin cảm ông.