Tranh cãi với đề xuất truy tố tài xế ngủ gật gây tai nạn

Lái xe khi buồn ngủ không chỉ gây nguy hiểm cho chính bản thân mình mà cả những người xung quanh. Tuy nhiên, việc xác định và đưa ra mức xử phạt một tài xế mệt mỏi lái xe là thách thức không nhỏ đối với các nhà chức trách.

Theo nghiên cứu của Tổ chức từ thiện An toàn đường bộ và Môi trường (AA's Charitable Trust),  2/5 số tài xế tại Anh cho biết, từng cảm thấy mệt mỏi đến mức sợ rằng sẽ ngủ gật khi lái xe.

Cứ 8 người thì có 1 người thừa nhận ít nhất 1 lần ngủ gật sau vô lăng. Nghiên cứu cũng chỉ ra, tỷ lệ nam giới ngủ gật khi lái xe cao gấp 3 lần phụ nữ.

Lái xe khi buồn ngủ không chỉ gây nguy hiểm cho chính bản thân mình mà cả những người xung quanh - Ảnh brake

Giáo sư Clare Anderson, chuyên gia Tâm lý tới từ Đại học Monash chia sẻ: “Khi nhìn vào những yếu tố gây tử vong hàng đầu trên đường, có thể dễ dàng nhận ra đó là rượu, bia hay chạy quá tốc độ nhưng thực tế mệt mỏi cũng là một trong số đó”.

Dữ liệu của Chính phủ Anh cho thấy, có tới 1/5 số vụ tai nạn trên đường cao tốc là do tài xế ngủ gật. Trong đó, nam giới tuổi từ 18-30 gặp rủi ro cao nhất khi lái xe vào đêm khuya.

Theo ông Sonya Hurt, Giám đốc điều hành Quỹ An toàn đường bộ (Road Safety Trust), cần nhìn nhận yếu tố mệt mỏi ở lái xe là vấn đề nghiêm trọng. Bởi thống kê chỉ ra, năm 2021, riêng tại Anh có tới gần 500 người thiệt mạng hoặc bị thương trong các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sự mệt mỏi của tài xế. Còn trên toàn thế giới, ước tính tỷ lệ này là từ 10-20%.

Các chuyên gia phân tích, hầu hết các vụ tai nạn liên quan đến giấc ngủ thường xảy ra trên đường cao tốc. Điều này có thể một phần do môi trường đường xá đơn điệu, thiếu sự kích thích quan sát đối với tài xế.

Giáo sư Peter Eastwood, Giám đốc Trung tâm Khoa học về Giấc ngủ tại Đại học Tây Australia cho biết: “80% những vụ va chạm giao thông liên quan đến mệt mỏi là trên những con đường ngoại ô. Để đảm bảo an toàn, tài xế cần ngủ ít nhất 7,5 tiếng trước khi lái xe, nghỉ ngơi 2 giờ mỗi lần và đổi lái thường xuyên”.

Nghiên cứu, được tài trợ bởi Tổ chức An toàn đường bộ thuộc Chính phủ Australia, mới đây đưa ra bằng chứng, lái xe không ngủ đủ 5 tiếng có thể gây nguy hiểm ngang với việc chạy quá tốc độ hay sử dụng đồ uống có cồn.

Giáo sư Peter Eastwood phân tích thêm: “Thiếu ngủ sẽ gây cảm giác buồn ngủ dẫn tới mệt mỏi, làm chậm phản xạ của bạn khi lái xe. Chẳng hạn thiếu ngủ từ 17-19 giờ trong một tuần tác hại tương đương với nồng độ cồn ở mức 0,05 mg/1l khí thở. Thiếu ngủ 21 tiếng sẽ ở mức 0,08 và 24 tiếng thì ở mức 0,1. Điều này dẫn đến việc tài xế theo dõi làn đường kém đi, giảm sự tỉnh táo và khả năng duy trì tốc độ. Nó cũng gây ra trạng thái ngủ quên đột ngột, đây là nguyên nhân chính dẫn tới các vụ tai nạn giao thông”

Tại Anh, một tài xế mệt mỏi gây tai nạn chết người có thể bị kết tội rất nặng vì hành vi lái xe nguy hiểm. Những tài xế chuyên nghiệp chở hàng, chở khách phải thường xuyên duy trì sổ nhật ký, ghi lại giờ làm việc và nghỉ ngơi mỗi ngày. Nhiều đội xe thương mại sử dụng máy ghi dữ liệu để cảnh sát có thể điều tra. Nhưng thực tế, việc chứng nh một vụ tai nạn giao thông có liên quan đến yếu tố mệt mỏi của tài xế vẫn là nhiệm vụ khó khăn, không giống như rượu hoặc ma túy.

Giáo sư Clare Anderson, chuyên gia Tâm lý tới từ Đại học Monash cho biết: “Giải pháp cho sự mệt mỏi khá đơn giản đó là nghỉ ngơi, nhưng khả năng giám sát nó thì chưa nhiều, bởi chưa có công cụ kiểm tra như với nồng độ cồn”.

Ảnh nh họa theaa

Để giảm thiểu tình trạng nhiều người cố tình lái xe dù biết cơ thể có dấu hiệu buồn ngủ, các nhà khoa học đang nghiên cứu phương pháp xét nghiệm máu mới, cho phép cảnh sát xác định tài xế gây tai nạn có mệt mỏi hay không.

Phương pháp này hiện đang được phát triển và thử nghiệm ở Australia, dự kiến sẽ được giới thiệu tại Anh trong thời gian tới.

Theo đó, các nhà khoa học đã tìm thấy ‘5 dấu hiệu sinh học’ trong máu có thể phát hiện xem ai đó đã thức trong 24 giờ hoặc lâu hơn hay chưa.

Nhiều ý kiến cho rằng, với sự ra đời của công nghệ này, một khi được chứng nh là chính xác, sẽ giúp các nhà lập pháp xây dựng thành luật để ngăn chặn và xử lý các tài xế trong tương lai. Đây được xem là một ngưỡng chính thức để chỉ ra sự mệt mỏi hoặc giấc ngủ tối thiểu mà tài xế cần có, tương tự như xét nghiệm nồng độ cồn.

Tuy nhiên, quan điểm thử máu để xử phạt tài xế mệt mỏi nhận không ít quan điểm trái chiều. Tiến sĩ Daan van der Veen, Giảng viên cao cấp về giấc ngủ và thời gian sinh học tại Đại học Surrey (Anh) cho rằng, cần đưa ra cách tiếp cận tốt hơn thay vì trừng phạt. Đặc biệt khi xem xét đến yếu tố nhiều người thường xuyên bị mất ngủ hoặc chất lượng giấc ngủ không cao do điều kiện làm việc hoặc hoàn cảnh cá nhân.

Tại Việt Nam, không ít trường hợp tài xế mệt mỏi, ngủ gật gây tai nạn giao thông để lại hậu quả đáng tiếc. Điển hình như vụ tai nạn trên Quốc lộ 1, đoạn qua huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị xảy ra hồi tháng 4 vừa qua. Một tài xế do ngủ gật khiến ô tô mất lái tông vào bồn cây bên đường và lật nhào. Phương tiện này sau đó tiếp tục va chạm với xe máy khiến một người đàn ông 52 tuổi bị thương nặng.

Trước đó, vào tháng 2, cũng xảy ra trường hợp tài xế ngủ gật khiến một ô tô thư báo lao lên dải phân cách rồi lật nghiêng trên đường Trần Đăng Ninh, Cầu Giấy, Hà Nội.

Thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến buồn ngủ khi lái xe như thiếu ngủ trước chuyến đi, tài xế sử dụng rượu, bia hoặc để chế độ gió không hợp lý dẫn đến thiếu ôxy trong xe,…

Theo các chuyên gia, để tránh rơi vào trạng thái ngủ gật, người lái xe cần ngủ đủ giấc, không dùng chất kích thích, đặc biệt không được cố lái thêm mà phải nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt mỏi.

Theo Luật Giao thông đường bộ, thời gian làm việc của người lái xe ôtô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Trường hợp vi phạm quy định về thời gian làm việc của lái xe có thể bị xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.