Tranh cãi bồn vệ sinh nam giới 'lộ thiên' ở Paris

VOVGT-Những bồn vệ sinh được lắp đặt tại những nơi đông người qua lại, được đánh giá là thân thiện với môi trường, giúp ngăn chặn tình trạng đi vệ sinh bừa bãi.

Chính quyền thủ đô Paris (Pháp) lắp đặt trên vỉa hè các bồn vệ sinh cho nam giới, chúng được thiết kế như một chiếc hộp với bồn hoa trồng bên trên

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Trong 6 tháng qua, chính quyền thủ đô Paris (Pháp) lắp đặt trên vỉa hè các bồn vệ sinh cho nam giới, chúng được thiết kế như một chiếc hộp với bồn hoa trồng bên trên.

Nhưng ý tưởng này gặp phải nhiều phản đối từ phía người dân, hầu hết đều cho rằng nó gây mất mỹ quan, không giải quyết triệt để tình trạng vệ sinh bừa bãi... thậm chí phần nào mang thông điệp phân biệt giới tính.

Những bồn vệ sinh dành riêng cho nam giới vừa nêu có tên gọi "Uritrottoirs" đang được triển khai trên khắp đường phố Paris; được "cải trang" thành những bồn hoa và trang trí cẩn thận, người ta kỳ vọng những con phố tại thủ đô nước Pháp trở nên xinh đẹp và quyến rũ hơn. Thiết bị này nối với hệ thống thoát nước và có ống hút làm giảm mùi hôi.

Theo nhà thiết kế, do không dùng nước để xả, nên bên trong có rơm khô cùng các chất khử mùi. Sau đó, phần rơm sẽ được mang đi xử lý thành phân bón cho cây trồng.

Thiết bị này đang được lắp đặt ở những nơi đông người qua lại và được giới truyền thông đánh giá là thân thiện với môi trường và có thể ngăn chặn tình trạng đi vệ sinh bừa bãi trên phố.

Giải thích về việc dựng lên các bồn vệ sinh nam giới, tác giả ý tưởng này Victor Massip nói:

 

"Việc người dân đi vệ sinh bừa bãi trên đường phố Paris nước Pháp đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng và chúng tôi biết cần có một giải pháp nên đã đưa ra ý tưởng này".

Còn thị trưởng Paris Ariel Weil khẳng định thiết bị này cần thiết:

 

“Nếu chúng ta không làm, hằng ngày vẫn có những người vệ sinh bừa bãi. Việc lập các bồn vệ sinh nam giới công cộng chắc chắn sẽ làm giảm bớt tình trạng này. Có thể một vài vị trí chưa phù hợp; nhưng rõ ràng nó không phải là không mang lại hiệu quả”.

Tuy nhiên, người dân và chủ các cửa hàng ở Paris không nghĩ như vậy. Họ đang phản đối và yêu cầu chính quyền phải tháo dỡ những công trình “khiếm nhã và xấu xí”. Vì chúng giống như “trò cười" vào bộ mặt thành phố. Những chiếc bồn này có thể sẽ khiến việc đi vệ sinh ngay trên phố trở nên có lý; và sự biến đổi không gian công cộng cũng gây sự khó chịu cho cộng đồng. Họ chia sẻ:

 

“Tôi nghĩ đây là một ý tưởng điên rồ, nó không thể giải quyết dứt điểm nạn vệ sinh bừa bãi. Trái lại, nó còn gây phản cảm, đôi khi tôi nghĩ nó còn khuyến khích những kẻ biến thái, vì chúng cho rằng mình chỉ đang đứng vệ sinh mà thôi”.

“Nhìn thấy người khác vệ sinh ngay trước cửa nhà bạn thì nó hẳn không phải là điều đẹp mắt”.

Tuy nhiên, những chiếc bồn này lại gặp nhiều sự phản đối của người dân vì mất mỹ quan đô thị, mặt khác các nhóm nữ quyền còn lên tiếng phản đối bởi họ cho rằng đây là hành động phân biệt giới tính

Ngoài ra, các nhóm nữ quyền lên tiếng phản đối, cho rằng đây là hành động phân biệt giới tính. Những chiếc bồn này ra đời dựa trên quan điểm, đàn ông không thể tự kiểm soát bản thân; vì vậy cả xã hội phải thích nghi theo họ. Không gian công cộng bị xáo trộn vì họ không thể kiềm chế nhu cầu của chính họ.

Liên quan đến vấn đề này, hiện nay trên địa bàn thủ đô Hà Nội chỉ có khoảng 370 nhà vệ sinh đang hoạt động còn ở TP. HCM thì có khoảng 208 nhà vệ sinh công cộng. Các nhà vệ sinh công cộng hoạt động theo hình thức có thu phí hoặc không thu phí, đối tượng phục vụ đa phần là khách vãng lai, khách du lịch và người dân trong khu vực.

Thực tế cho thấy, mặc dù đã có rất nhiều nhà vệ sinh công cộng nhưng người dân không biết ở chỗ nào. Để giải quyết nhu cầu, nhiều người phải loay hoay khá vất vả mới giải tỏa được nỗi “bức xúc” tế nhị ở đúng nơi quy định. Cũng có rất nhiều người “giải quyết nhanh” nhu cầu bằng cách tìm đến các gốc cây, bờ tường nơi khuất nẻo cho kịp trước khi “quá tải”.

Mặc dù, chính quyền thành phố cũng đã đưa ra rất nhiều giải pháp, vận động tuyên truyền và xử phạt các trường hợp vi phạm nhưng chỉ là “cưa phần ngọn” – chưa thực sự hiệu quả.

Điều quan trọng là làm thế nào để giải quyết triệt để được phần gốc, nghĩa là tìm ra nguyên do của việc tiểu bậy và xử lý thoả đáng thì mới mong ý thức người dân tốt lên, không cần phạt mà vẫn tuân thủ quy định.