TNGT do rượu bia dịp Tết chiếm tỷ lệ nhỏ

Những thông tin đáng lưu ý từ tổng kết của Ủy ban ATGT Quốc gia về tình hình TNGT dịp Tết vừa qua nằm ở nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia chiếm tỷ lệ nhỏ 2% và người bị tai nạn giao thông chủ yếu trong độ tuổi 27 -35 là nhiều nhất.

Nguyên nhân và cơ cấu độ tuổi bị tai nạn giao thông cho thấy điều gì, vì sao có những thay đổi này so với trước đây?

Ảnh nh họa: Công an nhân dân

Ngay trong những ngày Tết, tại các bệnh viện, nơi tiếp nhận bệnh nhân tai nạn giao thông đã ghi nhận số bệnh nhân liên quan rượu bia giảm.

Bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội thông tin, các trường hợp tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia chiếm tỷ lệ thấp hơn so với các năm trước: “Phải nói là giảm hẳn so với năm ngoái, Với số lượng trên 70 ca chỉ còn 10% sử dụng nồng độ cồn, trong khi năm ngoái con số này khoảng 30-35%”.

Còn theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia chiếm 2% trong các nguyên nhân gây tai nạn.

Theo ông Lê Văn Đạt, Giám đốc Trung tâm an toàn giao thông, Viện Chiến lược phát triển giao thông vận tải, việc sử dụng rượu bia gây ra tai nạn trong dịp Tết vừa qua chiếm tỷ lệ nhỏ 2% là kết quả của nhiều hoạt động trong công tác bảo đảm an toàn giao thông, trong đó đặc biệt là công tác tuyên truyền và xử phạt vi phạm nồng độ cồn:

“Công xử phạt vi phạm nồng độ cồn được lực lượng CSGT thực hiện với mật độ và tần suất cao đã phát huy tác dụng. Số lượng trường hợp vi phạm bị xử lý tăng cao đến hơn 200% so với dịp Tết Nguyên đán Quý Mão. Người tham gia giao thông không chỉ sợ bị phạt mà đã ý thức được mức độ an toàn cho chính mình và những người tham gia giao thông khác”

Kết quả này cũng được nhiều người cho là tín hiệu đáng mừng khi người dân quen dần với văn hóa đã sử dụng rượu bia thì không lái xe, đặc biệt trong dịp Lễ Tết.

Một con số đáng lưu ý khác từ kết quả phân tích cho thấy, độ tuổi xảy ra tai nạn giao thông nhiều nhất là 27 -35 tuổi.

TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia lý giải, đặc điểm của nhóm tuổi này khi tham gia giao thông là hoạt động đi lại nhiều, trong khi lại có ý thức chủ quan:

“Những người nằm trong độ tuổi này thường điều khiển phương tiện chạy rất nhanh, tính chủ quan nhiều hơn. Nên để đảm bảo an toàn giao thông, ngoài việc kiểm soát sức khỏe thể chất và tâm thần người lái xe thì còn cần kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng đến an toàn giao thông như tốc độ, sử dụng rượu bia, tránh vượt sai quy định, cần phải được giám sát chặt chẽ”.

Độ tuổi xảy ra tai nạn giao thông nhiều nhất là 27 -35 tuổi. Ảnh nh họa

Từ việc phân tích các nhóm nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông dịp Tết vừa qua, TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phòng chống chấn thương, Trường Đại học y tế cộng đồng cho rằng cần có các giải pháp ưu tiên để chủ động ngăn ngừa tai nạn:

“Những nhóm nguy cơ bao giờ cũng có ưu tiên nhất định, chúng ta có biện pháp riêng cho từng lứa tuổi, đặc biệt ở lứa tuổi đi làm, chủ động trong các cuộc nhậu hoặc sử dụng rượu bia thì cần chú ý tuyên truyền hoặc chủ động cưỡng chế thực thi pháp luật. Tôi nghĩ cần có các biện pháp cụ thể hơn vì càng ngày người dân càng thay đổi và các biện pháp triển khai pháp luật cần cụ thể và làm sao đảm bảo hiệu quả tốt nhất”.

Nhóm tuổi 27 -35 chiếm tỷ lệ tai nạn giao thông cao nhất cũng là những người có khả năng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông và hay vi phạm như chạy quá tốc độ, lấn làn…là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn.

Từ việc xác định đối tượng, lứa tuổi bị tai nạn nhiều hơn để chúng ta sớm có các giải pháp tuyên truyền phù hợp giúp thay đổi hành vi, ý thức tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông. Mặt khác, cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, góp phần tạo ra môi trường tham giao thông văn nh và an toàn.