Tìm về bình yên giữa làng cổ Đường Lâm

Làng cổ Đường Lâm yên bình giữa lòng Hà Nội là điểm đến cho những ai mong muốn tìm hiểu về đời sống và văn hóa của con người thủ đô.

Dù đã trải qua biết bao thăng trầm, Làng cổ Đường Lâm vẫn giữ nguyên được nét đẹp thuở đầu của mình và từng được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào năm 2006.

 

Cổng vào làng cổ Đường Lâm (Ảnh: VOV5)

Dọc theo sông Hồng về phía tây, cách trung tâm Hà Nội hơn 40 km làng cổ Đường Lâm là lựa chọn cho những ai yêu thích vẻ đẹp bình dị mộc mạc của làng quê Việt Nam. Cho đến nay làng vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một làng quê bắc bộ. Đó là cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình.

Cổng làng Mông Phụ chào đón du khách bằng nét thanh bình, cổ kính, thể hiện bề dày lịch sử của làng Đường Lâm. Bước chân qua cổng làng, du khách như bước vào không gian vô cùng khác biệt. Một cảm giác yên bình mộc mạc, khác xa với phố xá nhộn nhịp tất bật ngoài kia.

Trong 5 thôn thuộc chương trình bảo tồn thì thôn Mông Phụ là nơi còn lưu giữ nhiều nét văn hoá xa xưa của người làng cổ. Thôn nằm trên một quả đồi thấp. Trên đỉnh đồi là đình Mông Phụ - nơi rất linh thiêng với người làng Đường Lâm từ ngày lập làng tới giờ. Trong tâm thức của người làng cổ, ngôi đình luôn là nơi gắn kết làng xã, là điểm tựa tâm linh của người trong làng.

Chia sẻ của bà Phan Thị Oanh – xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội: "Tôi lớn lên ở Đường Lâm, tôi chỉ nhớ là các cụ làm bấy giờ chúng tôi bé chỉ có đi chơi lên đình, các cụ làm sao biết thế, mỗi làng một lễ. Như ở Mông Phụ là từ mùng 4 tháng giêng đến mùng 10 là hết tiệc. Đến mùng 10 chính tiệc mời các thôn sang dự lễ bên đình mình. Còn các nơi khác, người ta lễ 16 hay rằm thì mới chia ra thế đi lễ hội"

Làng cổ Đường Lâm còn được nhắc tới tên gọi là làng đá ong. Bởi những bờ tường phủ kín rêu phong nơi đây được dựng lên bằng những khối đá ong chắc chắn, tồn tại qua hàng trăm năm vẫn không bị thời gian lay chuyển.

Ghé thăm ngôi nhà cổ của ông Hùng, ngôi nhà cổ lâu đời nhất ở thôn Mông Phụ, được xây dựng từ năm 1649, cho đến nay đã gần 400 năm, với 14 đời cháu con đã và đang tiếp nối gìn giữ gia sản quý giá này.

Đến thăm nhà cổ, nghe chủ nhân đời thứ 12 kể về nét kiến trúc độc đáo trong cách xây nhà của người xưa bằng niềm tự hào, càng làm chúng tôi hiểu thêm về người làng cổ ngày xưa: "Kiến trúc nhà cổ thường làm bằng gỗ, có những nét hoa văn như rồng hoá, đỗ sen hoặc phượng hoá. Những kiến trúc xung quanh ngôi nhà có đá ong là đặc trưng nhất. Nhà cổ 5 gian hai dĩ. Thường các cụ làm 5 gian là 2 gian đầu hồi. Qua bao nhiêu thăng trầm, qua bao thế hệ thì những di tích đó giữ lại để giá trị văn hoá càng tốt hơn. Hai nữa ngôi nhà này năm 2008 các chuyên gia Nhật Bản đến trùng tu bảo tồn, theo các tư vấn của chuyên gia họ cũng nói với chủ gia đình là càng giữ được những cái cũ được bao nhiêu thì càng có giá trị văn hoá bấy nhiêu".

Nhà cổ ông Hùng hiện nay còn thu hút du khách với nghề nấu chè lam truyền thống. Một loại kẹo rất quen thuộc của người Đường Lâm. Hầu như ở làng ai cũng có bí quyết làm chè lam của riêng mình. Bà Lã Thị Thảo theo chồng về làm dâu đất Đường Lâm, được các bà các mẹ truyền dạy nghề truyền thống của gia đình. Đến hôm nay chè lam của nhà bà có tiếng ở làng cổ này.

Bà Thảo chia sẻ: "Bí quyết chỉ có đường gừng lạc và bột nếp thôi. Nấu thì để ý kĩ lúc đun nước đường, mình nấu phải xem lúc nào được. non quá thì nhão, đun quá thì sẽ già chỉ chè lam cứng không cắn được. Những cái này của các cụ để lại, bây giờ làng nhà mình được công nhận là làng cổ thì mình giữ lại những văn hoá xưa của các cụ. Khách du lịch đến thì mình nấu. có những đoàn đến thì mình nấu cho họ trải nghiệm".

Đến Đường Lâm vào một ngày nào đó… được nhấp chén trà nóng, thưởng thức hương vị ngọt ngào của chè lam, nghe người làng cổ kể về cuộc sống nơi đây. Đó chính là những kỷ niệm khó quên của chuyến đi… 

Thịt quay đòn Đường Lâm

Món thịt quay đòn nổi tiếng của Đường Lâm (Ảnh: VTC)

Làng cổ Đường Lâm từ lâu đã là điểm du lịch đi về trong ngày được nhiều người ưa thích ở Hà Nội. Đến làng cổ Đường Lâm du khách không chỉ được những người dân hiền hòa nơi thôn quê đón tiếp, trò chuyện mà còn được thưởng thức món thịt quay đòn gánh.

Được làm từ thịt heo nhưng thịt quay ddòn dặc sắc lại nổi tiếng hơn cả bởi cách chế biến cầu kỳ và độc đáo. Sau đây là chia sẻ của cô Hương – chủ hàng thịt quay đòn nổi tiếng ở Đường Lâm:

Cô Hương: "Các cụ ngày xưa để lại. Tôi làm món này được mười mấy năm nay rồi. Nếu làm đúng thì chỉ mình nhà cô, còn người ta cũng bắt chược nhưng quay bằng lá vịt. Điểm khác biệt là mình quay lá ổi, quay bằng than thủ công, chứ không quay bằng điện được. quay bằng tay bằng giàn tre mùi vị nó thơm. Mùi lá ổi tan ra thơm, lót lá chuối càng thơm"

Sở dĩ gọi là thịt quay đòn vì thịt sau khi tẩm ướp sẽ được bó quanh cây đòn tre rồi nướng trên lửa. Nhưng tại sao thịt quay Đường Lâm lại cần tới 6 tiếng? Điều khác biệt là dùng lá ổi bánh tẻ chứ không dùng lá mác mật như các nơi khác. Lá ổi phải chọn lá ổi đồng, tức là cây mọc tự nhiên.

Cô Hương chia sẻ thêm về sự khác biệt của món thịt này tại Đường Lâm: "Cứ 2 rưỡi sáng tôi dậy đi lấy hàng về là làm. Làm mình phải có tâm huyết. Mình làm ếng thịt ngày nào cũng như ngày nào. Làm ẩu thì sẽ không giữ được nghề của mình. Đặc điểm của nó là trong mềm, bì giòn. Đặc sắc là vị lá ổi khác với các nơi. Mình đi hái lá ổi dại chứ không phải lá ổi vườn. Lá ổi thơm lắm, dại ngoài đồng không dày sùi như lá ổi mình trồng lại khác. Đến Đường Lâm không thưởng thức thịt quay đòn, gà mía, cá kho thì rất phí. Đấy là ba đặc sản. Nếu ở Hà Nội và các nơi có số điện thoại thì họ điện trước. Nếu về muộn thì hết. Có hôm 8-9h là hết. Ít hôm ngồi đến trưa lắm. Mình chỉ bán đến tầm 9h thôi.

Thịt quay đòn Đường Lâm vì chế biến công phu nên thành quả cũng rất xứng đáng. Thưởng thức thịt quay đòn Đường Lâm trong tiết trời se lạnh không chỉ là thưởng thức món đặc sản quê hương mà còn là một cách đón nhận tình cảm nồng hậu của những người dân nơi đây, qua sự chuẩn bị cầu kỳ của món ăn này.