Tìm động lực phát triển mới từ sông Sài Gòn: Cần nhưng chưa đủ

TP.HCM đang tập trung nghiên cứu và lập quy hoạch phát triển toàn diện hành lang sông Sài Gòn để có thể đánh thức được con rồng xanh đang ngủ yên dưới sông Sài Gòn, từ đó có thêm động lực để phát triển nhanh và bền vững hơn.

PV VOV Giao thông đã có trao đổi với ông PGS. TS Nguyễn Hồng Thục – Giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội về vấn đề này.

 

Không gian đô thị dọc sông Sài Gòn được kỳ vọng sẽ là động lực giúp TP.HCM bứt phá phát triển kinh tế, dịch vụ... Ảnh: Thanh niên

PV: Xin chào PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, rất nhiều ý kiến cho rằng sông Sài Gòn là một trong những bản sắc đặc trưng của TP.HCM, nói như vậy đã đủ hay chưa, thưa bà?

PGS. TS Nguyễn Hồng Thục: Sài Gòn vốn là một thành phố sông nước, và tôi nghĩ rằng đến thời điểm này chúng ta có thể trả lại cái bản sắc sông nước cho Sài Gòn. Mà muốn như vậy thì phải bước ra khỏi một cái thành phố đang bị rất nhiều nút thắt như rất đông dân, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không thể nào đáp ứng được.

Tôi cho rằng, TP.HCM có 3 động lực chính đều bắt nguồn từ kinh tế sông biển, và 300 năm qua Sài Gòn luôn luôn sống với huyết mạch kinh tế này, do vậy chúng ta bắt buộc phải kết nối kinh tế sông, biển và những thành phố nước để trở thành động lực phát triển của thành phố.

Thứ hai, chúng ta phải áp dụng mô hình hợp nhất của Châu Á về cảng đô thị và những chân hàng nằm sâu trong nội địa mang tính liên kết vùng giữa Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và Nam Trung Bộ …và chúng ta phải trở lại đô thị biển, hợp nhất với cảng biển để mà cùng cộng sinh phát triển nền kinh tế cảng và đô thị.

Thứ ba là phải có một động lực mới để thiết lập các khu đô thị văn nh, thịnh vượng, tích tụ được nhân lực chất lượng cao và cùng với họ sản xuất thêm nhiều chuỗi giá trị gia tăng cao hơn hẳn cho thành phố bằng công nghệ và đổi mới sáng tạo.

PV: Nhiều đô thị lớn, thành phố lớn trên thế giới cũng phát triển xung quanh những con sông lớn. Vậy việc TP.HCM chọn sông Sài Gòn là động lực để phát triển trong thời gian tới có thật sự là đúng đắn hay là bắt chước xu thế?

PGS. TS Nguyễn Hồng Thục: Rõ ràng là chúng ta không thể nào không xem hành lang sông Sài Gòn là một xương sống quan trọng của quá trình phát triển, bởi vì những đô thị bây giờ rất cần sinh thái. Nhưng nếu chúng ta chỉ nhìn hành lang sông Sài Gòn nằm gọn trong địa giới hành chính của TP.HCM thì thua.

Bởi vì vốn sông Sài Gòn nhánh qua TP.HCM nằm trong hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn là một lưu vực rất lớn, gần như là bậc nhất ở nước mình. Và nếu mà chỉ xoay quanh hành lang sông đấy mà không nghĩ đến không gian kinh tế biển thì tất nhiên là chúng ta không phát triển được.

Hiện giờ, chúng ta đã có công nghệ, có những tư duy chiến lược, học hỏi được rất nhiều trên thế giới mà chúng ta lại tự bó hẹp mình trong cái ranh giới của hành chính ấy thì làm sao chúng ta phát triển được.

Ảnh nh hoạ: Báo Lao động

PV: Theo bà, TP.HCM cần phải phát huy những cái lợi thế về sông nước như thế nào để có thể phát triển một cách bền vững cũng như giữ gìn được cái bản sắc của mình?

PGS. TS Nguyễn Hồng Thục: Tôi nghĩ rằng cái căn bản phải thay đổi lại quan điểm về nhận thức của từng người dân, từng nhà khoa học và của lãnh đạo thành phố rằng cái đầu của chúng ta chính là cái cửa ngõ ra biển. Tự nó có thể cùng cộng sinh với những đô thị biển mà đặc biệt biển cánh Tây từ khu vực của cảng HIệp Phước theo sông Xoài Rạp ra đến cửa biển để phát triển một cửa ngõ cho Sài Gòn và vùng Đông Nam Bộ ra mặt tiền biển giống như vịnh biển Lisbon của Bồ Đào Nha.

Bên cạnh đó, ở cánh Đông, chúng ta vẫn dành cho cảng trung chuyển, cho công nghiệp và của kết nối vùng cho Tây Nguyên, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu cùng phát triển. Nếu làm được như vậy, TP.HCM vẫn sẽ giữ được vị trí đầu tàu và là một trung tâm của vùng Đông Nam Á cũng như bán đảo Đông Dương.

PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!