Tiếng ồn giao thông có thể tạo ra nhiên liệu bền vững?

Thủ đô London (Anh) là một trong những thành phố có mức độ ô nhiễm tiếng ồn giao thông cao. Mới đây, các nhà khoa học đã nghiên cứu một công nghệ tận dụng tiếng ồn để giúp làm sạch môi trường và tạo ra nhiên liệu bền vững.

 

Tiếng ồn giao thông có thể tạo ra nhiên liệu bền vững. Ảnh: Reuters

Ý tưởng có tên 'AlgaeWave', một công nghệ mới sử dụng tiếng ồn giao thông để thúc đẩy sự phát triển của vi tảo, từ đó tạo ra các chất sinh hóa bền vững, bao gồm cả nhiên liệu sinh học sử dụng cho động cơ xe.

Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Nghệ thuật Hoàng gia và Đại học London (Anh) cho biết đã lấy cảm hứng từ tiếng ồn xung quanh khi đi trên tàu điện ngầm London.

Cô Bingqin Yang, Nhà nghiên cứu dự án cho biết: "Ý tưởng này đột nhiên xuất hiện trong suy nghĩ của chúng tôi “có lẽ tiếng ồn của thành phố là thứ mà chúng ta có thể cân nhắc tận dụng”. Chẳng hạn như Hệ thống tàu điện ngầm Thành phố London, có rất nhiều carbon dioxide và các hạt nhỏ, những thứ rất quan trọng đối với việc nuôi trồng vi tảo."

Cô Bingqin Yang, Nhà nghiên cứu dự án. Ảnh: Reuters

Hệ thống canh tác khép kín AlgaeWave có thể chuyển đổi tiếng ồn dải rộng thành các tần số cụ thể có lợi cho sự phát triển của vi tảo.

"Chúng ta có thể nghe thấy âm thanh vì nó làm rung chuyển các hạt vi mô trong không khí, tạo ra sóng cơ học. Bản thân vi tảo sẽ hấp thụ tất cả những bước sóng này để thúc đẩy sinh khối vi tảo và sản xuất nhiên liệu sinh học", cô Bingqin Yang nói. 

AlgaeWave có ba bộ phận chính: loa tweeter hình nón để thu tiếng ồn - một loại loa lớn - đưa âm thanh vào bộ cộng hưởng, bộ cộng hưởng này thay đổi tần số thành 400Hz và sử dụng dây kim loại để làm cho âm thanh to hơn và cuối cùng là đầu nối hình chữ T có màng để cho phép âm thanh đi vào trang trại tảo hình ống ở phía sau.

Hệ thống này dự kiến sẽ được đặt dọc theo hai bên những con đường đông đúc nhất tại Anh, với thiết kế module hình lục giác cho phép xếp chồng lên nhau để tạo ra rào cản âm thanh có tác dụng gấp đôi như một trang trại trồng tảo.

AlgaeWave không chỉ hấp thụ âm thanh mà còn hấp thụ carbon dioxide, các hạt vi mô và ánh sáng mặt trời, tạo ra môi trường lý tưởng cho việc nuôi trồng tảo.

Bên cạnh đó, hệ thống cũng đồng thời lọc carbon dioxide, chuyển hóa thành oxy, góp phần lọc sạch không khí trong môi trường đô thị.

Nhóm nghiên cứu cho biết AlgaeWave tăng sản lượng sinh khối lên 30% và giảm chi phí 27% so với các trang trại trồng tảo truyền thống và sẽ nâng cao tính bền vững của các ứng dụng trong nhiên liệu sinh học, dược phẩm sinh học và sản xuất thực phẩm.

Hệ thống cũng đồng thời lọc carbon dioxide, chuyển hóa thành oxy, góp phần lọc sạch không khí trong môi trường đô thị. Ảnh: Reuters

Các nhà nghiên cứu kỳ vọng, AlgaeWave sẽ là một cuộc cách mạng trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường đô thị, để biến tiếng ồn thành thứ thực sự hữu ích cho cuộc sống con người.

Cô Bingqin Yang cho biết thêm: "AlgaeWave là thứ mà chúng tôi vô cùng tự hào vì nó mang tính cách mạng, biến tiếng ồn thành thứ thực sự hữu ích, để thúc đẩy sản xuất sinh khối của vi tảo".

Nhóm nghiên cứu cho biết AlgaeWave tăng sản lượng sinh khối lên 30% và giảm chi phí 27% so với các trang trại trồng tảo truyền thống và sẽ nâng cao tính bền vững của các ứng dụng trong nhiên liệu sinh học, dược phẩm sinh học và sản xuất thực phẩm.

AlagaeWave được giới thiệu là một trong những 'Nguyên mẫu cho nhân loại' được trưng bày ở Dubai trong COP28 vào tháng 12/2023.

Được biết, không chỉ tại Anh, năng lượng sinh học hiện đang là hướng đi được nhiều quốc gia lựa chọn.

Trước đó, năm 2018, Euglena, một công ty khởi nghiệp của Nhật Bản đã tiên phong trong việc sản xuất nhiên liệu sinh học dùng cho máy bay, xe bus và tàu thủy.

Ưu điểm của công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học sản xuất từ dầu ăn đã qua sử dụng hay dầu chiết xuất từ vi tảo so với các nhiên liệu sinh học sản xuất từ các loại cây trồng như mía hay ngô là không làm tăng phát thải khí nhà kính, đồng thời góp phẩn giảm rác thải khó xử lý ra môi trường.

Mỗi năm, Euglena có thể sản xuất được 125 triệu lít nhiên liệu sinh học, nguồn nhiên liệu sinh học được sản xuất từ nhà máy đã được đưa vào sử dụng thực tế trên các phương tiện công cộng tại Nhật Bản.

Trên thực tế, công nghệ tạo ra nhiên liệu sinh học từ tiếng ồn giao thông hiện vẫn còn rất mới, tại Việt Nam chưa có bất kỳ nghiên cứu nào về công nghệ này.

Hy vọng đây sẽ là những thông tin tham khảo hữu ích để các nhà khoa học quan tâm, tìm hiểu và trong tương lai gần Việt Nam có thể áp dụng vì hiện ô nhiễm tiếng ồn ở các đô thị tại nước ta cũng đang trong tình trạng báo động, ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân.