Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, một người dân sống tại quận Phú Nhuận đã chứng kiến nạn xả rác bừa bãi thành quen. Trong con hẻm nhỏ cạnh nhà bà, lâu lâu lại thấy một vài bịch rác, không biết do ai xả và từ đâu tới. Thậm chí, rác còn bị đổ ngay cạnh biển báo cấm đổ rác.
Từ lúc có hệ thống camera giám sát, bà và các hộ dân đã an tâm hơn về việc bảo vệ môi trường ngay từ hẻm nhà mình.
“Nếu không có biện pháp thì người dân còn xả rác dài dài, dơ lắm. Từ ngày phường lắp đặt camera, người dân có ý thức hơn, thấy hiệu quả. Cũng mong cả thành phố nhân rộng mô hình này”.
Ở khu vực đường ray tàu hoả đi qua phường 10, phường 11, quận Phú Nhuận, trước đây người dân rất bức xúc khi nhìn thấy rác “bủa vây”, chủ yếu là do người đi đường, khách vãng lai ở khu vực đường tàu xả lén. Một số hộ dân lấn chiếm hành lang bảo vệ đường tàu, mang rác đổ “trộm”.
Ông Phan Văn Chánh, quận Phú Nhuận cho hay: “Nếu là người địa phương ở đây xả rác thì có thể coi camera phát hiện ra được, chứ nếu ở nơi khác đến xả, đi ngang vứt một bịch rác thì nhiều khi cũng khó mà xử lý. Nếu mà xử lý nghiêm một, hai trường hợp thì người ta ngại không làm việc đó nữa. Giờ đỡ nhiều, chứ trước thì toàn tiện tay vứt ra đây...”
Bà Trần Thị Diệu Hiền, chủ tịch UBND phường 11, quận Phú Nhuận cho biết, mô hình camera giám sát tại phường thực hiện khoảng gần 4 năm nay. UBND phường đã lắp đặt 30 camera giám sát, xử lý tình trạng xả rác bừa bãi. Trung bình mỗi trường hợp vi phạm sẽ xử phạt từ 1,5 - 2,5 triệu đồng.
“Cứ đêm người ta xả, rồi sáng ra thấy quá trời quá đất luôn. Hỏi lộn quanh thì không ai nhận rác đó là của nhà mình. Chúng tôi cũng phải tra cứu biển số xe xem người ở đâu tới, người khu phố này qua khu phố kia bỏ rác, rất nhiều và đa dạng, đa số người ở địa phương khác, chứ ở địa phương này chỉ có vài trường hợp thôi. Coi camera thấy 1,2 giờ sáng, hai cha con bồng bế nhau ra đoạn Trần Hữu Trang - Hồ Biểu Chánh đổ cả tấm nệm lớn”.
Thông qua các nhóm tổ tự quản, các hình ảnh trích xuất từ camera sẽ được gửi về để người dân và khu phố nhận diện khuôn mặt, biển số xe... và báo lại. Theo bà Hiền, các điểm hay xảy ra nạn xả rác chủ yếu trên đường Trần Hữu Trang, Mai Văn Ngọc,... Đến nay, địa phương đã xử phạt hơn 100 trường hợp vi phạm.
Với 55 camera IP kỹ thuật số ghi hình liên tục và 9 camara được trang bị AI nhận dạng khuôn mặt, biển số xe... cùng với việc luôn có lực lượng công an túc trực để kịp thời nhắc nhở, xử lý vi phạm, phường Tân Hưng Thuận, Quận 12 là một trong những địa phương đầu tiên thử nghiệm thành công mô hình này. Trong năm 2023 phường đã xử lý 13 trường hợp vi phạm về xả rác sai quy định.
Ông Nguyễn Ngọc Ẩn - Phó Chủ tịch phường Tân Hưng Thuận, Quận 12 dẫn phóng viên quan sát hệ thống camera, từ dữ liệu có thể nhìn thấy hình ảnh một phụ nữ nhặt ve chai tiện tay ném lại bịch rác, một người đi bộ thản nhiên thả lại những thứ gì họ cầm trên tay trước cửa một ngôi đình khiến cho đống rác tự phát chất cao thêm....
Ông Ẩn chia sẻ: “Với mô hình này, khi phát hiện từ “mắt thần” những người dân trên địa bàn có dấu hiệu xả rác bừa bãi, không đúng nơi quy định, cán bộ công an trực camera sẽ thông báo ngay đến các chốt trực gần đó để xác nh, xử phạt tại chỗ. Trường hợp lực lượng chức năng chưa tới kịp, UBND phường sẽ cho nhận diện khuôn mặt, biển số xe… để mời lên phường xử lý. Đồng thời với đó, sẽ tiến hành tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân”.
Mô hình này hiện đang nhận được sự ủng hộ từ người dân. Phần lớn mọi người đều cho rằng, trong khi chờ việc nâng mức xử phạt để răn đe thì những camera IP ghi hình kỹ thuật số cần phải được nhân rộng.