Thủ tướng kiểm tra tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Sáng 13/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi kiểm tra tình hình triển khai tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng tại nút giao Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ và nút giao QL61C, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.

Dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng dài 188,2 km (bố trí 18 nút giao, quy mô phân kỳ 4 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng. Tiến độ dự án cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác năm 2027.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà, động viên các công nhân đang thi công tại công trường

Dự án được chia thành 4 dự án thành phần và giao UBND các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP. Cần Thơ là cơ quan chủ quản. Công tác thu hồi đất đã cơ bản hoàn thành (đạt 99%). Tổng nhu cầu cát đắp nền cho dự án khoảng 29 triệu m3. Đến nay đã cơ bản giải quyết đủ nguồn cung vật liệu cát về trữ lượng.

Tại Hậu Giang, Dự án thành phần 3 có chiều dài hơn 36,6km, tổng mức đầu tư hơn 9.600 tỉ đồng, do Sở GTVT tỉnh làm chủ đầu tư. Điểm đầu của dự án giao với dự án thành phần 2 tại xã Trường Long A, huyện Châu Thành A; điểm cuối giao với dự án thành phần 4 tại thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, trên tuyến này có 24 cây cầu, hiện nay đang triển khai 20 cây cầu, cơ bản hoàn thành khoảng 80% còn 4 cây đang triển khai. Giải phóng mặt bằng trên tuyến này là 1.150 hộ, hiện nay đã giao mặt bằng 1.135 hộ. Dự kiến trong tháng 7 sẽ giải quyết xong số hộ còn lại.

Diện tích thu hồi khoảng 260ha, đã giao mặt bằng đơn vị thi công 257ha, còn khoảng 3ha nữa trong tháng 7 sẽ giao xong. Dọc trên tuyến này, tỉnh tiến hành lập quy hoạch khai thác trên tuyến cao tốc. Trên tuyến này có 3 nút giao: Quốc lộ 61C, nút giao với trục dọc và nút giao với tỉnh lộ 927.

Bên cạnh đó, theo quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt thì có 3 khu công nghiệp trên tuyến này. Khi tuyến này hình thành, các khu công nghiệp sẽ tận dụng để phát triển.

Cũng theo ông Hòa, đến nay, sản lượng thi công của cả hai gói thầu xây lắp thuộc dự án thành phần 3 đạt khoảng 14%, chậm 26% so với kế hoạch dự kiến.

Hậu Giang kiến nghị với Thủ tướng Phạm Minh Chính cho chủ trương bổ sung một nút giao tiếp giáp TP. Cần Thơ và phía Bắc kênh Xà No

Góp phần cho việc phát góp phần phát triển kênh Xà No và kết nối với hiệu quả hơn với TP. Cần Thơ, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang kiến nghị với Thủ tướng Phạm Minh Chính cho chủ trương để bổ sung một nút giao tiếp giáp TP. Cần Thơ và phía Bắc kênh Xà No tại khu vực đường tỉnh 929, đóng góp cho sự phát triển kinh tế tỉnh Hậu Giang.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tuyến cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối tuyến cao tốc trục dọc Cần Thơ - Cà Mau đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang, sẽ tạo dư địa cho địa phương phát triển. Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo tỉnh Hậu Giang phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

“Đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao đến thăm, chỉ đạo tình hình, giải quyết khó khăn. Ngoài ra, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Thanh niên, phụ nữ, MTTQ, các đoàn thể,… chăm lo, hỗ trợ anh em công nhân trên công trường về chỗ ăn, ở. Huy động lực lượng nhà thầu “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, làm việc “vượt nắng, thắng mưa”, “ngày không đủ tranh thủ làm đêm”, “làm xuyên lễ, xuyên Tết, chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đang làm các tuyến cao tốc tại địa phương vừa làm vừa hỗ trợ để doanh nghiệp địa phương phát triển hơn nữa. Sau này, với tinh thần 4 tại chỗ, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế để người dânkhông phải đi xa nữa, không ly hương, ly nông”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.