Thu phí tự động không dừng: Cần điều chỉnh để 'gỡ vướng'

Theo báo cáo mới đây của Bộ GTVT, việc triển khai thu phí tự động không dừng trên cả nước đang chậm tiến độ. Nguyên nhân mà Bộ này đưa ra là trong quá trình thực hiện có không ít tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Việc thu phí không dừng đòi hỏi rất đồng bộ, nhưng quan niệm của người Việt là khi chưa thấy lợi ích một cách cụ thể thì khó ép theo tiến độ (Ảnh: baogiaothong)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Trao đổi với PV VOV Giao thông về giải pháp trong việc triển khai thu phí tự động không dừng tại Việt Nam, Giáo sư- Tiến sĩ Từ Sỹ Sùa, Giảng viên cao cấp trường Đại học GTVT chia sẻ: 

PV: Theo Giáo sư, ngoài khó khăn về vốn thì đâu là vướng mắc chính trong việc triển khai hình thức thu phí tự động không dừng tại Việt Nam?

GS-TS Từ Sỹ Sùa: Nghiên cứu thì chúng tôi thấy rằng, lợi ích của việc thu phí không dừng thì ai cũng biết, nhưng đến nay tỷ lệ vẫn rất nhỏ.

Nguyên nhân thứ nhất là do khách quan. Việc thu phí không dừng đòi hỏi rất đồng bộ, nhưng quan niệm của người Việt là khi chưa thấy lợi ích một cách cụ thể thì khó ép theo tiến độ. 

Thứ hai, các nước thì sử dụng quen rồi. Thậm chí nếu phương tiện không đáp ứng được thì không được lưu thông. Nhưng mình dù có những làn đường dành riêng cho thu phí không dừng nhưng vẫn còn những làn đường trả phí bình thường.

Vì thế, mức độ quyết liệt cũng như yêu cầu của Chính phủ và Bộ Giao thông cần xem xét lại để phù hợp với điều kiện, tâm lý của người Việt Nam.

PV: Vậy giải pháp nào để đảm bảo việc triển khai thu phí tự động không dừng tại Việt Nam vừa đồng bộ, vừa hiệu quả, thưa Giáo sư?

GS-TS Từ Sỹ Sùa: Tính đồng bộ thì có nhiều nghĩa. Đồng bộ về mức thu, đồng bộ về công nghệ, đồng bộ về cách tính toán.

Ví dụ, áp dụng công nghệ này thì các trạm khác phải dùng cùng công nghệ, nếu không sẽ vênh nhau. Tất nhiên, tính đồng bộ công nghệ trong việc thu phí không dừng thì người ta đã tính toán hết rồi.

Bây giờ chỉ cần đồng bộ về mặt cơ chế, chính sách. Còn việc không chấp hành, đi sai làn thì theo tôi là chúng ta phải có những quy định rất rắn thì người dân sẽ chấp hành. Nếu quy định mà cứ nửa nạc thì sẽ làm người ta nhờn đi và không có hiệu quả. 

PV: Vâng, xin cảm ơn GS. 

---

Để theo dõi đầy đủ nội dung chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 2/6, mời các bạn lắng nghe tại đây: