Thu phí không dừng: Căn cứ lưu lượng để điều chỉnh mức phí và lên kế hoạch tránh ùn tắc

Câu chuyện triển khai thu phí không dừng tại Việt Nam, tuy không mới nhưng vẫn luôn là đề tài được chú ý bởi tốc độ triển khai ì ạch của hệ thống. Trong khi đó, quốc gia láng giềng Singapore đã triển khai mô hình này từ vài thập kỷ trước và hoạt động vô cùng hiệu quả.

Hệ thống thu phí không dừng ETC ở Việt Nam được triển khai từ năm 2015 với một tốc độ “ì ạch”. Đến nay cả nước mới có 575 làn thu phí không dừng trong 118 trạm thu phí, chiếm 70% tổng số làn cần lắp đặt ETC. Tỷ lệ dán thẻ nhận diện khoảng 57% tổng số phương tiện.

Trong khi đó, được phát triển từ kế hoạch Cấp phép khu vực để phân bổ giao thông, giảm ùn tắc từ năm 1975, Singapore đã cho ra mắt hệ thống Thu phí không dừng ERP vào năm 1998, hay còn gọi là Hệ thống định giá đường bộ điện tử.

Hệ thống này được sử dụng cho đến nay và là hình mẫu được nhiều quốc gia khác trên thế giới học hỏi, nhất là với khả năng điều chỉnh mức phí dựa trên lưu lượng phương tiện qua tuyến đường. Hệ thống sẽ thu thập thông tin về lưu lượng tại các tuyến đường mỗi 30 phút, và cứ mỗi 3 tháng mức giá sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Giáo sư Chin Kian Keong, kĩ sư trưởng của dự án khi đó chia sẻ: “Với hệ thống ERP, chúng tôi có thể điều chỉnh mức thu phí một cách linh hoạt. Ví dụ như mức phí đang ở mức 1 đô-la Singapore, khi đường đông hơn có thể điều chỉnh thành 1,5 đô-la, và trong giờ cao điểm mức phí sẽ là 3 đô-la. Cách thu phí này có thể giúp làm giảm lượng xe cộ qua lại trong giờ cao điểm, từ đó giảm ùn tắc.”

Cách vận hành của hệ thống ERP cũng vô cùng thuận tiện mà không ảnh hưởng đến giao thông. Phương tiện giao thông buộc phải lắp đặt các thiết bị lắp thẻ thông nh. Xe chỉ cần đi qua giàn ERP, hay còn gọi là các giá long môn, được lắp đặt tại các tuyến đường, hệ thống sẽ tự động trừ phí sử dụng từ thẻ thông nh bằng công nghệ liên lạc vô tuyến tầm ngắn chuyên dụng.

Trong khi đó, tại Việt Nam, cách vận hành thu phí không dừng hiện tại vẫn còn nhiều bất cập khi vẫn chưa hoàn thiện, do đó các điểm thu phí vẫn có barrie, việc thanh toán bằng thẻ vẫn còn lỗi và nhiều người vẫn chọn thanh toán tiền mặt. Thoạt nghe thì không có một chút nào có tính “không dừng” cả.

Còn tại Singapore, hệ thống ERP còn có thể kiểm soát các hành vi vi phạm, lách luật. Khi xe đi qua giá long môn, máy ảnh được gắn tại đây sẽ chụp ảnh từng chiếc xe. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, chẳng hạn như xe không có thẻ hoặc thẻ thiếu tiền, hệ thống sẽ gửi hình ảnh của xe đến trung tâm kiểm soát.

Chủ sở hữu đã đăng ký của chiếc xe sau đó sẽ nhận được thông báo thanh toán phí ERP cộng với một khoản phí bổ sung khoảng 10 đô-la Singapore. Đó là nếu chủ xe thanh toán trong vòng 2 tuần kể từ khi thông báo. Quá thời gian này mà vẫn chưa thanh toán, khoản phí 10 đô-la đó sẽ biến thành tiền phạt 70 đô-la Singapore.

Dù hiệu quả là vậy, Singapore vẫn tiếp tục nâng cấp và cải thiện hệ thống. Trong tương lai gần, hệ thống ERP sẽ không còn hoạt động dựa trên camera, mà thay vào đó là hệ thống định vị vệ tinh GNSS.

Định vị toàn cầu sẽ giúp nhận định chính xác xe đang hoạt động trên những con đường tắc nghẽn, do đó sẽ giúp tính phí một cách công bằng hơn cho tài xế.

Sắp tới, Singapore sẽ nâng cấp hệ thống ERP, sử dụng định vụ vệ tinh

Hệ thống ERP sau khi nâng cấp, mỗi chiếc xe sẽ tự động trở thành một bộ cảm biến, giúp cơ quan chức năng có cái nhìn tổng thể, chính xác về tình hình giao thông và can thiệp nếu cần thiết. Thậm chí, các dữ liệu này sau đó có thể truyền ngược trở lại cho lái xe, giúp họ lập kế hoạch cho cuộc hành trình, tránh các con đường tắc nghẽn. Điểm lớn nhất của hệ thống mới, đó là việc dỡ bỏ các giá long môn. Thay vào đó, việc tính phí, truyền đạt thông tin sẽ được thực hiện qua bộ thiết bị mới với tên gọi OBU.

Ông Christopher Tan, nhà báo, chuyên gia giao thông của tờ Strait Times chia sẻ: “Thiết bị OBU sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nhiều so với thiết bị gắn thẻ thanh toán cũ. Về cơ bản, hãy tưởng tượng nó như việc bạn mang theo cả chiếc giá long môn trên xe vậy, từ vai trò cho tới các chức năng. Thông tin về các điểm ùn tắc, thu phí, tính phí, v.v… tất cả sẽ được thực hiện thông qua thiết bị này”.

Ban đầu, hệ thống ERP phiên bản mới được dự kiến đi vào triển khai từ năm 2020. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã khiến việc triển khai phải lùi lại đến cuối năm ngoái. Sau đó, khủng hoảng chuỗi cung ứng dẫn đến tình trạng thiếu chip toàn cầu đã một lần nữa khiến dự án phải lùi sang năm 2023.

Ông Ng Lang, người đứng đầu Cơ quan giao thông vận tải và đất đai Singapore cho biết: “Chúng tôi cần đảm bảo rằng quá trình lắp đặt thiết bị OBU diễn ra suôn sẻ cho tất cả các lái xe, bao gồm cả người sử dụng xe máy. Do đó, chúng tôi quyết định không vội vàng mà chờ cho tới khi tình hình cung cấp chip toàn cầu ổn định trở lại. Ít nhất phải tới nửa cuối năm 2023 việc triển khai mới được tiếp tục”.

Trở lại với Việt Nam, việc triển khai hệ thống thu phí không dừng ETC, theo kế hoạch, từ năm 2023 hệ thống thu phí sẽ bỏ barie. Giai đoạn sau chỉ giữ lại giá long môn gắn thiết bị đọc thẻ, không còn các trạm và nhân viên vận hành. Việc hoàn thiện lắp đặt các làn thu phí ETC còn lại tại tất cả các trạm thu phí sẽ phải hoàn thành trong tháng 6/2022.

Không có lí do gì để tiếp tục trì hoãn, chậm chạp trong việc hoàn thiện lắp đặt hệ thống. Hoàn thiện hệ thống ETC cũng chính là giảm ùn tắc, lại vừa tránh xảy ra tiêu cực giữa nhà thầu với các tài xế và doanh nghiệp vận tải.

Trường hợp đến ngày 30/6/2022, việc triển khai không đáp ứng tiến độ, Bộ GTVT sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền có biện pháp xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan nếu để chậm tiến độ hoàn thành.