Thu phí đường bộ tại Mỹ: Phức tạp, phiền toái, không thống nhất

Là quốc gia có nền kinh tế phát triển bậc nhất cũng như có diện tích đứng thứ ba trên thế giới, vì vậy Mỹ sở hữu hệ thống giao thông vô cùng đa dạng và phức tạp, nhất là với hệ thống đường bộ. Tuy nhiên, hệ thống thu phí đường bộ tại quốc gia này cũng phức tạp không kém.

Mỹ có khoảng 75.000km đường cao tốc liên bang, nối liền 48 bang, 209 thành phố có từ 50 nghìn dân trở lên. Hệ thống đường khổng lồ này được xây dựng và hoàn thành trong 35 năm, bắt đầu từ 1956. Ngoài ra có khoảng 260.000km đường bộ khác bảo đảm 90% dân số Mỹ giao thông được thuận lợi và tiện nghi.

Ở nhiều bang của Mỹ, người dân có thể lựa chọn đi đường thu phí để giảm thiểu tắc đường và chất lượng đường. Thu phí đường bộ tại Mỹ phát triển từ sau Thế chiến thứ nhất, khi quốc gia này bắt đầu tập trung xây dựng, cải thiện hệ thống đường bộ. Sau thành công về mặt tài chính của đường thu phí tại bang Pennsylvania vào năm 1940, các bang khác bắt đầu học theo và hàng loạt đường thu phí ra đời.

Nhưng phải sau thập niên 80, đường thu phí tại Mỹ mới thực sự “tỏa sáng”. Bởi trước đó, từ năm 1956, tiền để xây dựng và bảo trì đường bộ tại Mỹ chủ yếu được lấy từ thuế xăng dầu. Nhưng khoản tiền này dần ít đi theo năm tháng, đòi hỏi cần có giải pháp thay thế.

Mỹ là quốc gia có hệ thống đường bộ đa dạng và phức tạp. Ảnh nh họa: Wikipedia

Ông Richard Auxier, chuyên gia tại Học viện nghiên cứu đô thị Mỹ giải thích: “Nhiều năm trước, lượng người sử dụng phương tiện cá nhân ở Mỹ rất nhiều nên lượng xăng dầu bán ra ổn định, không nhất thiết phải tăng thuế xăng dầu. Nhưng sau này, khi họ bắt đầu sử dụng các phương tiện tiết kiệm nhiên liệu, thay đổi thói quen đi lại, tiền thuế thu được ít đi đồng nghĩa với việc tiền dành cho cơ sở hạ tầng cũng giảm sút”.

Số lượng đường thu phí tính từ năm 1990 đến 2015 đã tăng 29%. Trung bình mỗi năm có gần 100 km đường thu phí mới được xây dựng. Hiện nay, 35 trên 48 bang tại Mỹ có đường thu phí, với tổng chiều dài gần 10 nghìn km. Tuy nhiên, hình thức thu phí đường bộ tại Mỹ, có thể nói là rất “loạn”. 15 bang không thu phí đường bộ, trong khi 5 bang hiện nay vẫn giữ hình thức thu phí thủ công với trạm thu phí, barrie và nhân viên thu tiền mặt. Còn lại hầu hết đã chuyển sang hình thức thu phí điện tử ETC, tuy nhiên lại nảy sinh một vấn đề khác.

Bởi đường thu phí mỗi nơi, mỗi bang được đầu tư bởi chính quyền bang, đơn vị tư nhân khác nhau nên mỗi đơn vị lại có hệ thống thu phí riêng. Với những tài xế thường xuyên đi lại giữa nhiều bang, thì đây là “ác mộng” khi họ phải gắn nhiều thiết bị thu phí khác nhau, hoặc chấp nhận một số nơi sẽ phải đi qua trạm thu tiền mặt thay vì thu phí không dừng. Việc thiếu đi một hệ thống thu phí chuẩn toàn quốc có lẽ là điểm trừ lớn nhất của hệ thống đường bộ Mỹ.

Phổ biến nhất hiện tại là hệ thống Ez-pass, ra đời từ năm 1987. Hiện nay hệ thống này có mặt tại 19 bang dưới sự quản lý, điều hành của 38 tổ chức, tập trung tại khu vực đông bắc nước Mỹ.

Ông Patrick Jones, Người đứng đầu Hiệp hội Quản lý cầu, hầm và trạm thu phí chia sẻ về sự ra đời của hệ thống này: “Vào thời điểm đó, 7 tổ chức tại 3 khu vực New Jersey (Niu Giơ-si), Newyork và Pennsylvania đã tụ họp để tìm ra giải pháp giúp lái xe đi từ bang này qua bang khác mà không gặp nhiều vấn đề về phí đường bộ. Và họ đã tạo nên Ez-pass. Nhóm khách hàng của cả 7 tổ chức đều sử dụng chung 1 loại thiết bị, 1 loại thẻ thống nhất”.

Một làn thu phí sử dụng hệ thống Ez-Pass tại Mỹ

Tuy nhiên, 19 bang chưa phải là toàn bộ nước Mỹ. Thành công của mô hình Ez-pass dựa trên việc các tổ chức tham gia phải tuân thủ một bộ quy tắc gồm 37 điều. Nhưng tại một khu vực khác, liên nh các tổ chức tại Florida, Bắc và Nam Carolina cũng đạt được thành công, nhưng lại dựa trên việc không ràng buộc các tổ chức tham gia. Do đó, thách thức để tạo nên một hệ thống thu phí thống nhất toàn nước Mỹ, chính là làm cách nào để kết hợp nhiều mô hình kinh doanh khác nhau.

Ông Patrick Jones cho biết: “Ví dụ như bạn đang quản lý trạm thu phí ở New Jersey, bạn sẽ không lo nghĩ gì đến đến khách hàng tại nơi khác, như Pennsylvania chẳng hạn. Do đó, bạn sẽ phát triển một hệ thống riêng để phục vụ nhóm khách hàng của bạn, giống như cách mà Starbuck hay Pizza Dono tạo app riêng để khách của họ đặt hàng vậy”.

Vào năm 2012, Quốc hội Mỹ đã đề ra Đạo luật Đi trước tiến bộ trong thế kỷ 21, trong đó có điều khoản yêu cầu tất cả các cơ sở thu phí đường bộ phải có giải pháp cho vấn đề thống nhất thu phí đường bộ.

Tuy nhiên, thời hạn để hoàn thành điều khoản này đã kết thúc từ năm 2016, và tình hình hiện nay vẫn không khá hơn là bao. Theo các chuyên gia, việc thu phí đường bộ tại Mỹ đã bị địa phương hóa sâu sắc, do đó, để khiến họ có tầm nhìn mở rộng ra toàn quốc là điều rất khó, bởi họ thực sự không quan tâm.

Trở lại với Việt Nam, công tác triển khai thu phí không dừng vẫn chưa hoàn tất. Mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh Quảng Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Lâm Đồng chỉ đạo khẩn trương triển khai lắp đặt làn thu phí không dừng tại các trạm BOT trên địa bàn.

Đồng thời, UBND các tỉnh cần có chế tài xử lý các nhà đầu tư không hoàn thành đúng tiến độ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về tiến độ và chất lượng trong quá trình triển khai nhiệm vụ.

Theo Tổng cục Đường bộ, hiện còn 106 làn thu phí thuộc 24 trạm thu phí cần lắp đặt ETC, chưa kể 140 làn do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, để bảo đảm tại mỗi chiều xe chạy chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp.

Hiện Bộ GTVT đang quyết liệt chỉ đạo, hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ mua sắm, lắp đặt thiết bị, để hoàn thành trong quý 2/2022.