Thu hút lao động nữ để giải quyết thiếu hụt tài xế xe tải đường dài

Sự thiếu hụt tài xế xe tải đường dài đang khiến ngành công nghiệp logistics, tại nhiều quốc gia châu Âu lâm vào cảnh lao đao, đe dọa cản trở đà phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Công việc vất vả, thường xuyên phải xa nhà dài ngày là nguyên nhân khiến nhiều lao động tại châu Âu cảm thấy đắn đo khi chọn nghề lái xe tải đường dài. Theo thống kê, các quốc gia châu Âu, trong đó có Anh, Đức, Thụy Điển, Na Uy… hiện đang thiếu tổng cộng tới 400.000 tài xế đường dài chuyên nghiệp.

Trong khi những người trẻ chẳng mấy mặn mà với một nghề khó nhọc, tương lai bấp bênh, thì các doanh nghiệp lại không thích thuê những tài xế lớn tuổi bởi lo ngại chi phí mua bảo hiểm y tế và tai nạn cao.

Ông Keith Taylor, một tài xế xe tải đường dài chia sẻ: “Bạn có thể kiếm được mức lương tương đối khá nhưng công việc đòi hỏi phải làm trong nhiều giờ. Theo tôi, đây là nguyên nhân khiến nhiều người không thiết tha với nghề lái xe tải. Những thanh niên trẻ hiện nay không muốn phải làm việc 70 giờ mỗi tuần như cánh tài xế già vẫn làm trước đây”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để giải quyết tình trạng này, các doanh nghiệp cần cải thiện điều kiện làm việc cho tài xế, bên cạnh đó thu hút thêm lao động nữ trong lĩnh vực vận tải. 

Ăn uống thất thường, giấc ngủ không trọn vẹn cùng nguy cơ tai nạn rình rập trên đường là những khó khăn của nghề lái xe tải đường dài. Bên cạnh đó, điều kiện nghỉ ngơi, sinh hoạt chật hẹp, tạm bợ cũng khiến ngành này khó thu hút lao động.

Jimmy Glovan, tài xế có 40 năm chạy xe tải tại Anh cho biết: “Nhà, phòng làm việc, phòng ăn… tất cả đều gói gọn trong khoang cabin. Nhiều lúc, chúng tôi vẫn long nhong trên đường trong khi mọi người vui vẻ nghỉ lễ Giáng sinh. Tôi cho rằng, nghề lái xe tải vất vả nhưng chưa nhận được sự tôn trọng, đãi ngộ đúng mức”.Theo các chuyên gia, ngành vận tải đường bộ Anh có tối đa 2 năm để cải thiện điều kiện làm việc cho tài xế đường dài, nếu không các doanh nghiệp sẽ đối mặt với mức thuê nhân công đắt đỏ hơn.

Một nhóm nghị sĩ liên đảng Anh mới đây kêu gọi chính phủ nhanh chóng nâng cấp cơ sở vật chất, bao gồm trang bị nhà vệ sinh, phòng tắm có vòi hoa sen sạch sẽ tại các trạm dừng qua đêm. Bên cạnh đó cung cấp những bữa ăn chất lượng với thực phẩm lành mạnh phục vụ tài xế.

Theo báo cáo của Ủy ban giám sát chính sách Giao thông vận tải, thuộc Hạ viện Anh, hiện một số dịch vụ lưu trú tệ đến mức nhiều tài xế thích thuê nhà dân để đậu xe qua đêm thay vì tới các trạm dừng. Hình thức này được gọi là ‘đậu xe ruồi’ và có thể bị phạt nếu cảnh sát phát hiện.

Sự thiếu hụt tài xế xe tải đường dài đang khiến ngành công nghiệp logistics, tại nhiều quốc gia châu Âu lâm vào cảnh lao đao, đe dọa cản trở đà phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 - Ảnh nh họa

Ông Tedayo Akenroye, Giảng viên cao cấp thuộc Đại học Liverpool John Moores nhận định: “Điều kiện làm việc của tài xế là một yếu tố quan trọng khiến công việc này không hấp dẫn đối với những người trẻ. Rất nhiều tài xế xe tải phải ăn, ngủ ngay trên xe và không được nghỉ ngơi. Vì vậy chính phủ cần có chính sách cải thiện điều kiện làm việc, giải quyết các thách thức mà người lao động đang phải đối mặt”.

Để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng do thiếu hụt tài xế xe tải, Chính phủ Anh mới đây công bố khoản đầu tư 20 triệu bảng nâng cấp cơ sở hạ tầng ven đường.

Tuy nhiên, ông Dougie Rankine, chuyên gia giao thông tới từ Tạp chí Xe tải và Tài xế cho rằng, bên cạnh cải thiện điều kiện làm việc, làm sao để thay đổi quan niệm về nghề lái xe tải cũng hết sức quan trọng: “Cần có một số thay đổi cơ bản trong ngành vận tải đường bộ để thu hút lao động, bởi đó sẽ là một cuộc đấu tranh để lựa chọn giữa nghề lái xe với các nghề khác.

Cần làm sao để ngành này hấp dẫn hơn. Dù mức lương khá hấp dẫn nhưng tài xế xe tải vẫn bị gắn với hình ảnh bụi bặm, mùi khó chịu và lái một phương tiện cồng kềnh gây ùn tắc trên đường”.

Còn theo Chủ tịch Ủy ban giám sát chính sách Giao thông vận tải Huw Merriman, có một giải pháp khác cho tình trạng thiếu hụt nhân lực vận tải đó là thu hút tài xế nữ, bởi hiện tỷ lệ phụ nữ làm việc trong lĩnh vực này chỉ từ 1-3%.

Ông Merriman cho rằng, một trong những lý do chính dẫn đến sự chênh lệch giới tính là định kiến lái xe tải chỉ dành cho những người đàn ông to khỏe. Nhưng công việc hiện nay ít đòi hỏi sự nặng nhọc hơn nhiều so với trước đây, có nghĩa phụ nữ cũng có thể thành công như đồng nghiệp nam giới sau vô lăng.

Được biết, nếu có giấy phép lái xe tải hạng nặng, một tài xế tại Anh có thể kiếm trung bình từ 40.000 – 50.000 bảng trong năm đầu tiên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để thu hút lao động, các công ty vận tải nên trả tiền cho khóa học nâng hạng bằng lái xe, hiện vẫn do các tài xế phải chịu.Nhạc cắtQúy vị và các bạn thân mến!

Tại Việt Nam, nghề lái xe tải đường dài vẫn được xem là một trong những nghề vất vả và đòi hỏi sức khỏe dẻo dai, bền bỉ. Bên cạnh đó, cần rèn luyện tính kiên trì, khả năng chịu được áp lực nghề nghiệp hay nói cách khác cần có lòng yêu nghề. Hiện chưa có thống kê, nhưng số lượng phụ nữ làm việc trong lĩnh vực vận tải này cũng không nhiều.

Theo quy định của Luật giao thông đường bộ 2008, để chạy được xe tải, có trọng tải trên 3,5 tấn, tài xế cần có giấy phép lái xe hạng C và từ 21 tuổi trở lên.