Thông xe Vành đai 2 trên cao, áp lực tăng mạnh tại đường Láng, Nguyễn Trãi

Trong ngày đầu thông xe đường Vành đai 2 trên cao, đoạn Cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở (Hà Nội), đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, cả đường trên cao và dưới thấp, giao thông tương đối thuận lợi, song tại đường Láng và đường Nguyễn Trãi, áp lực giao thông gia tăng đáng kể.

Tại thời điểm 7h30’ sáng 11/01, đoạn Trường Chinh - Ngã Tư Sở, lượng phương tiện cả dưới thấp và Vành đai 2 trên cao gia tăng, song người tham gia giao thông không phải mất quá nhiều thời gian dừng chờ tại Ngã Tư Sở như trước. Do không bị giao cắt với dòng phương tiện từ đường Láng rẽ trái đi Tây Sơn nên dòng phương tiện từ đường Trường Chinh được đi thẳng sang đường Láng và rẽ trái sang đường Nguyễn Trãi, nên không bị dồn ứ.

Còn chiều ngược lại, từ Láng sang Trường Chinh cũng khá thông thoáng, các phương tiện di chuyển ổn định. Thêm vào đó, tại điểm xuống đoạn Ngã Tư Vọng có lắp thêm camera cập nhật tình hình giao thông, để trường hợp Ngã Tư Sở có tắc thì người lái xe cũng sớm biết thông tin và lựa chọn thay đổi lộ trình từ trước:

Anh Nguyễn Tiến Phong, ở Đông Anh (Hà Nội) cho biết: "Em đi từ cầu Vĩnh Tuy xuống, đến Ngã Tư Sở, em thấy đi khá là thoáng. Mọi khi em bị kẹt ở Đại La khá nhiều, đi ở dưới đoạn Imperia, dưới chân cầu Vĩnh Tuy khá đông và khá tắc".

Anh Dương Trọng Đạt, ở Long Biên (Hà Nội) cũng phản ánh, sau khi thông xe đường Vành đai 2 trên cao, việc lưu thông từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở khá thông thoáng: "Em đi từ bên cầu Vĩnh Tuy sang, em thấy đi khá tốt, duy nhất khả năng có Ngã Tư Sở này sẽ là điểm khó nhất thôi".

Thời điểm 7h15, lượng phương tiện từ cầu Vĩnh Tuy dồn về Ngã Tư Sở tăng nhanh.

Ở chiều ngược lại, từ đường Láng đi Trường Chinh, ông Phạm Xuân Bình (ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Không bị tắc nữa, vì nó cứ theo dòng chảy thôi làm sao tắc được nữa. Nói chung là hệ thống giao thông của mình như thế là quá tuyệt vời rồi. Bây giờ lưu lượng của mình xe đi lại nhiều mà mình thông được như thế là quá tốt".

Một số người tham gia giao thông cũng bày tỏ, giao thông ngày đầu thông xe đường Vành đai 2 khá thông thoáng:

"Mọi hôm rất là tắc, hôm nay thì thấy thông thoáng hơn rất là nhiều".

"Em nghĩ giao thông sẽ tốt hơn, bởi vì nhiều người sẽ đi được ổn định hơn, tuyến này sẽ không bị ùn lại nữa".

Các phương tiện không phải chờ xếp hàng lâu như trước nữa, nên đoạn Ngã Tư Sở di chuyển ổn định.

Thượng úy Phùng Tuấn Anh, Đội CSGT số 3, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội – cán bộ trực tiếp phân luồng, hướng dẫn giao thông tại Ngã Tư Sở cho biết, giao thông giờ cao điểm sáng nay không bị ùn ứ, dù phương tiện đã đông hơn so với trước: "Để giảm ùn tắc giao thông từ đường Vành đai 2 xuống thì nhịp độ đèn từ hướng Trường Chinh đi Láng được tăng lên gấp đôi bình thường và các phương tiện rẽ trái cũng được ưu tiên nhiều hơn để vào Ngã Tư Sở".

Tuy vậy, sau khi thông xe đường Vành đai 2 trên cao đoạn cầu Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở, áp lực giao thông gia tăng đáng kể trên đường Láng, đường Nguyễn Trãi. Ghi nhận tại thời điểm 8h15’ sáng nay, lượng phương tiện từ đường Nguyễn Trãi ra Ngã Tư Sở vẫn rất đông, nhiều phương tiện leo lên vỉa hè, nhưng cũng chỉ nhích từng chút một. Tại điểm quay đầu dưới gầm cầu vượt Ngã Tư Sở thành một điểm nóng khi hàng trăm phương tiện (cả ô tô lẫn xe máy) đều quay đầu.

Chia sẻ với VOV Giao thông, anh Phùng Văn Hiến (ở Hà Đông, Hà Nội) cho hay: "Ngày xưa khi chưa chặn đường Ngã Tư Sở, nút giao này cũng chỉ tắc cục bộ một thời gian ngắn thôi, nhưng khi chặn thế này, nó lại dồn ách tắc qua một khu vực khác. Nó chỉ thông được đoạn Trường Chinh, còn vòng ngược lại vẫn tắc rất là nhiều".

Thiếu tá Nguyễn Minh Đức, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 7, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cũng cho biết, trước đây, tuyến đường Nguyễn Trãi, nhất là đoạn gần Ngã Tư Sở đã thường xuyên ùn ứ theo hướng vào trung tâm Thành phố.

"Khi thông xe trên tuyến đường Vành đai 2 trên cao, cũng tiếp tục gây thêm khó khăn cho tuyến đường Nguyễn Trãi trên khu vực cầu vượt Ngã Tư Sở. Đội CSGT số 7 cũng đã tăng cường lực lượng, hướng dẫn phân luồng để đảm bảo TTATGT tại khu vực này", Thiếu tá Nguyễn Minh Đức nói.

Điểm quay đầu dưới gầm cầu vượt Ngã Tư Sở khá bé, nên khi cả xe máy lẫn ô tô cùng quay đầu càng khiến cho điểm này bị ùn ứ.

Còn tại đường Láng, do lượng phương tiện đổ dồn về quá đông nên tình trạng ùn ứ kéo dài 300-400m, từ số nhà 222 đường Láng đến ngã 3 đường Láng – Yên Lãng. Theo tính toán của Đội CSGT số 3, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội, đường Láng có công suất lưu thông khoảng 3.000 xe tiêu chuẩn/ngày đêm, nhưng lượng phương tiện thực tế đã hơn 8.000 xe/ngày đêm.

Cùng với việc thông xe đường Vành đai 2 trên cao, chắc chắn tình trạng ùn ứ trên đường Láng sẽ càng thêm nghiêm trọng.

Trước đó, để hạn chế tình trạng ùn tắc trên đường Láng, Sở GTVT Hà Nội đã thông báo phương án điều chỉnh tổ chức giao thông khu vực cầu Yên Hoà – đường Láng (quận Đống Đa) để tăng khả năng lưu thoát cho đường Láng. Theo đó, cấm các phương tiện rẽ trái và quay đầu cả 2 chiều trên đường Láng tại khu vực nút giao đường Láng với cầu Yên Hoà.

Các phương tiện trên đường Láng đi thẳng qua nút giao Yên Hoà và quay đầu tại điểm mở dải phân cách trên đường Láng (cách nút giao khoảng 90m). Đồng thời, Sở GTVT Hà Nội cũng đề xuất Thành phố sớm bố trí kinh phí đầu tư khép kín đường Vành đai 2, đoạn từ Ngã Tư Sở đi Cầu Giấy để tăng lưu thoát cho phương tiện, hạn chế ùn tắc giao thông./.