Thời điểm vàng kích cầu tiêu dùng nội địa

Nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân ở nhiều nơi vẫn ở mức cao, nhất là các dịp lễ, ngày trọng đại trong năm; đặc biệt là dịp cuối năm và Tết nguyên đán 2024 đã cận kề.

Đây cũng là cơ hội để hàng Việt chiếm thế thượng phong nếu thực hiện đúng ý nghĩa người Việt ưu tiên dùng hàng Việt.

Ảnh nh họa. Nguồn: Báo Phụ nữ

Với dân số hơn 100 triệu dân, trong đó tầng lớp trung lưu được đánh giá đang ở mức cao với 20%, Việt Nam thực sự có tiềm năng và thế mạnh lớn cho tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ nội địa.

Điều này đã được chứng nh trong gần 1 năm qua, trong điều kiện xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, nhiều thị trường bị bó hẹp nhưng tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trong nước vẫn chiếm hơn một nửa GDP.

Nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân ở nhiều lúc, nhiều nơi vẫn ở mức cao, nhất là các dịp lễ, ngày trọng đại trong năm; đặc biệt là dịp cuối năm và Tết nguyên đán 2024 đã cận kề. Thị trường hàng hóa Tết vì thế sẽ sôi động và nhộn nhịp. Đây cũng là cơ hội để hàng Việt chiếm thế thượng phong nếu thực hiện đúng ý nghĩa người Việt ưu tiên dùng hàng Việt.

Năm bắt xu thế này, hiện nay, Bộ Công thương đang phát động tháng khuyến mãi với hàng ngàn gian hàng cùng sự đồng hành của rất nhiều doanh nghiệp sản xuất và cung ứng dịch vụ hàng tiêu dùng. Các địa phương cũng tăng cường tổ chức hội chợ thương mại, kết nối cung cầu nhằm kich thích nhu cầu mua sắm của người dân trong nước.

TP.HCM  cũng đã tổ chức kết nối với 38 địa phương thông qua các khuôn khổn hợp tác đa dạng, nhất là hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa ổn định, bền vững cho thị trường hơn 10 triệu dân của mình.

Về mặt vĩ mô, các chính sách kích thích nền kinh tế tăng trưởng thông qua nhiều giải pháp điển hình như khuyến khích đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa của Chính phủ đang thực sự tạo đà cho hàng hóa trong nước được tiêu thụ nhiều hơn, nhất là vào năm tới được nhìn nhận là nhiều cánh cửa hợp tác của Việt Nam với bên ngoài ngày càng sâu rộng và hiệu quả hơn  trên nhiều lĩnh vực, trong đó có dịch vụ tiêu dùng.

Vấn đề lúc này là vai trò  của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thiết kế các điều kiện ưu đãi về thuế, tổ chức kết nối cung cầu và tạo điều kiện để doanh nghiệp lan tỏa hàng hóa sản phẩm doanh nghiệp của mình đến với người dân cả nước.

Theo đó, nhiều tập thể và cá nhân tiếp tục đề xuất tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân; tăng cường xử lý hàng gian, hàng giả, hàng lậu có nguy cơ lấn át hàng chất lượng trong nước.

Ngoài ra, việc giảm chi phí về giao thông vận tải, kho bãi, hình thành các trung tâm logictics trong cung ứng hàng hóa tiêu dùng ở các địa phương cũng rất cần thiết. Tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp và nhà sản xuất giao dịch thông qua các sàn thương mại điện tử để việc mua bán được mở rộng và nhanh chóng.

Kết nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng ngày càng bền chặt và hiệu quả. Riêng ngành ngân hàng cũng nên thực hiện các chính sách ưu tiên cho vay đối với sản xuất hàng hóa của doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu cho vay tiêu dùng của người dân để kích cầu tiêu thụ.

Bản thân các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng dịch vụ cũng tự thay đổi để thích ứng nhằm đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất, giá cả hợp lý và chất lượng cao nhất. Bên cạnh đó là các chính sách về khuyến mãi, hậu mãi thực sự chất lượng để giữ chân người mua hàng một cách lâu dài và tạo uy tín thương hiệu cho doanh nghiệp.

Với một thị trường tiêu thụ được đánh giá là mạnh, rộng mở; việc kết nối cung cầu; khuyến khích  mua sắm và tiêu dùng hàng hóa trong nước sản xuất,  chính là chìa khóa bảm đảm cho nền kinh tế nước ta phát triển ổn định và bền vững trong nhiều năm tới.