Thời điểm này, doanh thu chưa phải là mục tiêu của hàng không

Những ngày gần đây, nhiều tin vui đã đến với ngành hàng không khi một số quốc gia bắt đầu hoặc đẩy mạnh tiến độ mở cửa trở lại như Mỹ, khu vực EU hay Singapore…

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, các quy định bất thường để đối phó với đại dịch COVID-19 vẫn sẽ là cản trở với tiến trình phục hồi đối với hàng không thế giới trong thời gian tới. 

 

Mới đây, trong 3 ngày từ mùng 3 đến mùng 5/10 tại thành phố Boston, bang Massachusetts, Mỹ đã diễn ra Hội nghị hàng năm được tổ chức bởi Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA). Sự kiện cũng đánh dấu lần đầu tiên các lãnh đạo của ngành hàng không toàn cầu trực tiếp tham dự kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020.

Một trong những đề tài chính được các chuyên gia thảo luận tại hội nghị, đó là tiến trình phục hồi của ngành hàng không thế giới trong năm 2022. IATA kỳ vọng hàng không quốc tế trong năm 2022 sẽ tăng gấp đôi, đạt mức 44% so với thời điểm trước đại dịch, trong khi hàng không nội địa sẽ đạt tới mức 93%.

Theo hãng thông tấn AFP, chính phủ Mỹ đã ấn định thời gian mở cửa trở lại dành cho hành khách đã tiêm vaccine vào đầu tháng 11.

Đây là một tín hiệu tích cực với ngành hàng không. Nhưng theo Tổng giám đốc của IATA, ông Wilie Walsh, thống kê cho thấy số lượng người mong muốn hàng không hoạt động trở lại bình thường hiện nay rất cao, tuy nhiên những hạn chế bay quốc tế tại nhiều quốc gia đang cản trở điều này

“Ngành hàng không chắc chắn đang trên con đường phục hồi. Việc Mỹ mở cửa trở lại với các quốc gia Châu Âu là một sự thúc đẩy tuyệt vời, mặc dù chúng tôi khá thất vọng rằng điều đó đã không xảy ra sớm hơn. Ngành hàng không được dự báo vẫn sẽ chịu lỗ trong năm 2022, nhưng mức lỗ sẽ giảm xuống đáng kể, còn khoảng 12 tỷ USD. Khi nhìn vào toàn ngành, chúng tôi thấy hiện Mỹ là khu vực duy nhất sẽ có lợi nhuận trong năm 2022”.

Đại diện nhóm hàng không thương mại, bao gồm hàng chục hãng hàng không quốc doanh cho biết sự khác biệt trong quy định nhập cảnh, xét nghiệm và cách ly là nguyên nhân chính cho sự hạn chế hồi phục hàng không tại khoảng 50 thị trường hàng đầu hiện nay. Do đó, các hãng kêu gọi các quốc gia chấm dứt các hạn chế đối với hành khách đã tiêm đủ liệu trình vaccine.

Ông Wilie Wash - Tổng giám đốc Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho biết: “Chúng ta cần thúc đẩy nhiều hơn việc nới lỏng các quy định, nới lỏng hạn chế đi lại giữa quốc gia để hành khách không còn phải chịu những trải nghiệm vô cùng bất tiện như hiện nay”.

Bên cạnh đó, IATA cũng cảnh báo về nhiều khó khăn mà toàn ngành vẫn còn phải đối mặt trong thời gian sắp tới, đồng thời chia sẻ sự thất vọng với các sân bay và các nhà cung cấp vì thiếu chia sẻ những khó khăn với các hãng hàng không trong thời kỳ đại dịch.

Trong thời gian tới, dự báo hàng không nội địa vẫn sẽ là thị trường chính mà các hãng nhắm tới để có thể “phục hồi một cách an toàn”. Với hàng không quốc tế, theo AerCap, công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới, cần có một cú hích như việc một hãng hoặc một đường bay quốc tế nào đó phục hồi thành công để tạo nên xu hướng toàn cầu.

Đồng tình với quan điểm này, ông Arjan Meijer, giám đốc điều hành tập đoàn hàng không Embraer (Im-bray-ơ) của Brazil chia sẻ: “Chúng ta sẽ thấy một thế giới khác trong thời kỳ hậu COVID, như việc các hãng tập trung hơn vào việc nội địa hóa cả thị trường và hoạt động, hạn chế nhiều hơn các mối quan hệ với những nhà cung cấp có cách biệt quá nhiều về mặt địa lý. Và với xu hướng số hóa, làm việc online, một số thói quen đi lại có thể sẽ dần biến mất”.

Ngày 10/10 vừa qua, các hãng hàng không Việt Nam đã tái kích hoạt nhiều đường bay sau khi Bộ Giao thông Vận tải “chốt” mở lại đường bay nội địa, thí điểm đến hết ngày 20/10/2021. Theo đó, mỗi ngày sẽ có 38 chuyến bay trên 19 đường bay nội địa được khai thác thí điểm.

Một chuyên gia hàng không cho hay, đại dịch làm thay đổi hành vi của khách hàng cũng như tư duy quản lý, điều hành của ngành hàng không, cách khai thác vận chuyển của các hãng hàng không. Vì vậy, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải, các hãng hàng không cùng nhau đưa ra giải pháp để hoạt động hiệu quả, cạnh tranh sòng phẳng với các hãng hàng không nước ngoài.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh nhận định, các hãng khi mở lại chuyến bay thời điểm này chắc chắn không đạt được doanh thu vì phải thực hiện giãn cách ghế, nhưng quan trọng nhất bây giờ không phải là mục tiêu doanh thu mà là tìm ra các giải pháp thực hiện phòng, chống dịch, mở cửa từng bước để tập dượt các đường bay nội địa và dần dần tiến ra quốc tế.