Thoát khỏi nilon và nhựa dùng một lần: Lực bất tòng tâm?

VOVGT - Các nước phát triển không cấm nilon, nhựa dùng một lần, mà ứng dụng công nghệ, phát triển năng lực phân loại, xử lý rác thải và tái chế...

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Túi ni lông được sử dụng phổ biến

 

"Tôi đang có mặt tại một sạp hàng bán rau củ quả ở chợ Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội. Sau đây, tôi sẽ tìm hiểu về thói quen sử dụng các loại túi để đựng thực phẩm khi đi chợ của người dân.

- Cháu chào bác ạ, cháu thấy bác đang dùng một cái túi cói để đựng thức ăn mang về, sao bác không dùng các loại túi nilong thông thường như các chị ở đây ạ?

-Không nên dùng những loại đấy, vì những loại túi đấy là độc hại, hai nữa là nó không thể nào tiêu hủy được. Tất cả những gia đình đang dùng túi nilong bây giờ người ta cũng biết, có cái là bỏ vào đấy thì nó tiện lợi nhanh gọn mà xách được về.

- Mọi người ở đây có dùng cái túi này giống như bác không ạ?

- Nếu vận động chưa chắc đã được toại nguyện đâu. Thế nhưng một số người giác ngộ có thể sẽ bỏ cái túi kia đi và dùng cái túi này, tuy rằng nó đắt hơn một chút nhưng nó đảm bảo vệ sinh cho môi trường.

- Vâng ạ, vậy còn cô ạ, cô nghĩ chúng ta có thể bỏ các túi nilong và chuyển sang sử dụng các loại túi cói, túi tự tiêu hủy được không?

- Phải chuyển đổi dần dần thôi chứ còn ngay một lúc thì khó lắm

- Vậy theo cô thì khó nhất để chuyển đổi là gì ạ?

- Thì thực ra là mọi người không nên sản xuất, chứ còn cứ sản xuất ra thì người ta vẫn phải tiêu dùng thôi.

- Cảm ơn cô và bác ạ!"

Phải mất 500 năm, một túi bóng nilong mới có thể bị phân hủy, tuy nhiên hàng ngày mỗi gia đình vẫn đang thường xuyên sử dụng loại túi này, ít là vài cái, còn nhiều thì lên vài chục cái.Thực tế cho thấy, đa số người dân vẫn ý thức được rằng, sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần sẽ gây ra những hậu quả không tốt đối với môi trường. Tuy nhiên, sự tiện dụng của các loại túi này lại khiến người tiêu dùng khó có thể bỏ. Do đó, túi nilon đang trở thành một mối họa lớn đối với môi trường và tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người".

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 - 7 túi nilon/một ngày. Chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Điều đáng buồn là, chỉ một phần nhỏ trong số này được thu gom, tái chế, còn lại được chôn lấp cùng với rác thải hoặc vứt bỏ khắp nơi. Nước ta hiện được xếp trong Top các quốc gia dẫn đầu gây rác thải nhựa ra đại dương, với khoảng 1,83 triệu tấn/năm.

Trước thực trạng này, từ năm 2018, Bộ TN&MT đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” và được cộng đồng hưởng ứng, quan tâm, đồng thuận cao. Nhận thức của người dân, của xã hội về tiêu dùng cũng như các biện pháp về thu gom, xử lý chất thải nhựa liên tục được tuyên truyền sâu rộng.

Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết, TP đã tổ chức vận động người dân, nhất là những người nội trợ cam kết không sử dụng túi nilon:

 

“Trước mắt, TP. Hà Nội sẽ tập trung vào công tác vận động, tuyên truyền người dân, đặc biệt là phụ nữ, những người nội trợ trong gia đình, thực phẩm mà có dùng túi ni-lông và chất thải nhựa thì họ cũng cam kết là sẽ hạn chế và tiến tới không sử dụng”.

Thế nhưng, có một nghịch lý: Khi được phóng viên hỏi về tác hại của túi nilon, đồ nhựa dùng 1 lần, đa số người dân ở Hà Nội đều trả lời “có”, và sau đó, họ vẫn tặc lưỡi phớt lờ tiếp tục sử dụng như một thói quen khó bỏ.

Lý giải điều này, bà Lưu Thị Thu Hà, Trưởng bộ môn hóa, khoa Khoa học cơ bản, ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải cho rằng, người dân chưa có điều kiện thuận lợi để từ bỏ túi nilon, đồ nhựa dùng 1 lần.

 

“Hiện nay, chính phủ chưa có những chính sách để hỗ trợ cho những sản phẩm có thể thay thế những sản phẩm sử dụng một lần như ống hút bằng cỏ, inox, thủy tinh; những chiếc đĩa làm từ bã mía hoặc những chiếc túi làm từ những vật liệu có nguồn gốc từ xenlulôzơ hoặc Glucôzơ. Hiện nay, chủ yếu là những cá nhân có những ý tưởng tự phát người ta sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường. Cá nhân người ta phát triển là chủ yếu chứ chưa có những giải pháp hỗ trợ”.

Bà Thu Hà nêu nhiều dẫn chứng về việc tận dụng rác thải nhựa, như gạch eco-brick (loại gạch làm từ chai nhựa nhồi kín nilon và nhựa cắt nhỏ) để trang trí hoặc xây công trình công cộng. Mặc dù vậy, những dự án xanh như thế là quá ít ỏi.

Đồng tình quan điểm này, bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Sống và học tập, vì Môi trường và Cộng đồng (Live and Learn) cho rằng, cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, cần được khuyến khích hơn nữa từ góc độ chính sách, để mạnh dạn với những dự án xanh.

Trên thực tế, giá thành của những sản phẩm tái chế còn cao, chưa phổ biến và phù hợp với đại đa số người dân. Do đó, chính phủ và chính quyền các đô thị cần có lộ trình cụ thể trong việc hỗ trợ doanh nghiệp không sử dụng túi ni-lông:

Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội nói:

 

"Chúng tôi cũng đã đưa ra những giải pháp, có những lộ trình cụ thể để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất túi ni-lông xuất phát từ hữu cơ và dễ phân hủy chứ không sử dụng túi ni-lông".

Trên thế giới hiện có 91 quốc gia đã cấm túi nilon do những tác hại lâu dài đến môi trường. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, các quốc gia này chủ yếu là nước đang phát triển. Còn tại các nước phát triển, họ không cấm nilon, nhựa dùng 1 lần, mà ứng dụng công nghệ, phát triển năng lực phân loại, xử lý rác thải và tái chế, tạo ra các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường.

Giảm sử dụng túi nilon: Hãy bắt đầu bằng lợi ích! (bài bình luận của Nhà báo Phạm Trung Tuyến)

 

Một số siêu thị đã sử dụng túi nilon tự hoại hoặc túi vải để bảo vệ môi trường

Xét một cách công bằng thì việc dùng túi nilon, hộp nhựa... là một trong những phát kiến quan trọng của nhân loại trong thế kỷ 20, làm thay đổi hàng loạt những thói quen của con người bởi sự tiện dụng của nó. Tuy nhiên, sự thay đổi tích cực đó, đến lúc này, khi đã trở thành thói quen của nhân loại, khiến nhân loại lệ thuộc vào thói quen đó, thì nó đang quay trở lại để tàn phá môi trường sống của con người. Như một quy luật của cuộc sống.

Người ta bắt đầu sử dụng rộng rãi túi nilon, hộp nhựa để chứa đựng bao gói tất cả mọi thứ từ vài chục năm trước vì sự tiện dụng, vì giá thành, tức là xuất phát từ lợi ích. Vì thế, khi cần phải hạn chế túi nilon, hộp nhựa trong đời sống, cần phải bắt đầu bằng việc triệt tiêu lợi ích khi sử dụng chúng.

Khi việc sử dụng túi nilon không còn quá rẻ tiền, thậm chí là ễn phí như hiện nay, người ta sẽ bắt buộc phải hạn chế vì túi tiền của mình. Thói quen mới sẽ được hình thành dựa trên lợi ích.

Công cụ để thay đổi thói quen bằng lợi ích thường thấy chính là thuế. Nếu tăng thuế đối với các sản phẩm bao gói, chứa đựng bằng nilon, nhựa, giá thành của túi nilon, hộp nhựa sẽ tăng, dẫn đến việc người dùng phải cân nhắc. Tuy nhiên, rủi ro vẫn có khi việc sử dụng túi, hộp nilon, nhựa đã trở thành một thói quen lâu dài, bền vững thì người ta vẫn sẵn sàng tiết giảm chi tiêu khác để sử dụng chúng với chi phí cao, như một cách để mua sự tiện dụng, như con nghiện bán nhà mua ma túy. Vì thế, thuế chỉ nên được nhìn nhận như một công cụ hỗ trợ. Song song với nó là ngăn chặn từ các nguồn cung cấp túi nilon, hộp nhựa thường xuyên.

Đầu tiên, cần phải cấm các cơ sở bán lẻ, cửa hàng, siêu thị, nhà hàng cung cấp túi nilon, hộp nhựa ễn phí cho khách hàng, thay vào đó là bán các sản phẩm bao gói, chứa đựng thân thiện với môi trường. Giải pháp này đã được áp dụng ở rất nhiều nước trên thế giới và nó buộc người tiêu dùng phải từ bỏ thói quen đi mua hàng với suy nghĩ đương nhiên sẽ có túi nilon để chứa đồ.

Để hạn chế túi nilon, hộp nhựa, ở Việt Nam hiện nay mới chỉ áp dụng các giải pháp truyền thông, kêu gọi mọi người tự giác hạn chế. Điều này có những tác dụng nhất định đối với nhận thức của cộng đồng, song để chuyển hóa từ nhận thức tới hành động, truyền thông là không đủ. Đã đến lúc cần có kháng sinh liều cao cho một thứ thói quen đã thành bệnh mạn tính. Đã đến lúc cần giải pháp khiến người dân nhận biết một cách trực tiếp rằng sử dụng túi nilon, hộp nhựa không còn tiện lợi và rẻ tiền.

Chỉ có lợi ích trực tiếp mới có thể trực tiếp thay đổi hành vi.