Thấy gì từ con số 38% tài xế sử dụng điện thoại khi lái xe?

VOVGT – Theo kết quả nghiên cứu vừa công bố, có tới 38% lái xe của Việt Nam thừa nhận sử dụng điện thoại trong khi lái xe…

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Tai nạn có thể xảy ra khi tài xế mất tập trung trong lúc lái xe - Ảnh nh họa

Theo kết quả nghiên cứu về tác hại của việc sử dụng điện thoại khi lái xe của hãng ô tô Ford vừa công bố, có tới 38% lái xe của Việt Nam thừa nhận sử dụng điện thoại trong khi lái xe. Đây là con số đáng báo động khi có trên 80% các vụ tai nạn giao thông là do mất tập trung khi đang lái xe. Tình trạng mất tập trung là nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng tại Việt Nam.

Dưới đây là một số ý kiến về tình trạng sử dụng điện thoại của lái xe: “Sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông tôi thấy rất bất tiện. Nhiều lúc gây tắc đường, ngoài ra còn có thể gây nguy hiểm cho mình và cho người khác”. Một người khác cho biết thêm: “Mình cũng sử dụng điện thoại khi lái xe. Nhưng khi có người gọi, mình thường phải táp xe vào lề đường và xi nhan trên đường để nghe, để nói chuyện. Theo mình, không nên vừa lái xe vừa nghe điện thoại...”.

Nghe các ý kiến tại đây:

 

Thống kê của lực lượng CSGT toàn quốc cho thấy, trong 7 tháng đầu năm, số lượng xe ô tô đăng ký mới trên cả nước đạt trên 200 nghìn xe ô tô, hơn 1,7 triệu xe mô tô; nâng tổng số phương tiện đang quản lý lên hơn 3,2 triệu xe ô tô, hơn 48,3 triệu xe mô tô. Tốc độ gia tăng phương tiện xe ô tô tham gia giao thông tại Việt Nam tăng nhanh trong những năm gần đây, nhưng trình độ nhận thức, kỹ năng của lái xe chưa được trang bị đầy đủ nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về tai nạn, va chạm giao thông. Một trong những nguyên nhân phải kể đến đó là hành vi sử dụng điện thoại trong khi lái xe.

Theo kết quả nghiên cứu của Ford, hơn 1/3 lái xe được hỏi thừa nhận có sử dụng điện thoại khi đang lái xe để gọi điện, trả lời email và để giải trí khi dừng đèn đỏ hoặc khi tắc đường. Nữ giới là đối tượng có tần suất sử dụng điện thoại nhiều nhất khi tham gia giao thông với 49%, trong khi đó họ không sử dụng các thiết bị kết nối rảnh tay và có tới 31% sử dụng điện thoại để vào mạng xã hội.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người thường xuyên sử dụng điện thoại có nguy cơ gặp tai nạn cao gấp 4 lần so với những người tập trung điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Sử dụng điện thoại di động sẽ làm lái xe mất tập trung, do vậy làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe đối với các thao tác phanh xe hoặc dừng đèn tín hiệu, gây khó khăn cho lái xe trong việc đi đúng làn đường và giữ đúng khoảng cách an toàn đối với xe phía trước.

Phân tích về những nguy cơ tiềm ẩn của việc sử dụng điện thoại trong lúc lái xe, giáo viên dạy lái xe Hoàng Quốc Việt, hiện đang công tác tại Trung tâm dậy lái xe VOV cho biết: “Nghe điện thoại, tác động lớn nhất là giác quan thần kinh. Nó là giác quan trực giác nhất là bộ não, bộ não là chỉ huy toàn bộ con người. Não phân tán thì nó chỉ đạo chân tay không chuẩn nữa, vì điện thoại là trực giác của não. Có những cú điện thoại rất nguy hiểm. Có những cuộc điện thoại liên quan đến chuyện nọ chuyện kia, liên quan đến mọi thứ. Những cú điện thoại vui không sao nhưng có những cú điện thoại gây rất nguy hiểm cho suy nghĩ của con người trong lúc lái xe nên theo quan điểm của tôi, tất cả các cuộc điện thoại trong lúc lái ô tô đều bất ổn”.

Anh Hoàng Quốc Việt nói:

 

Việc nghe, trả lời điện thoại khi đang lái xe tác động trực tiếp đến bộ não của người lái xe, khiến cho độ tập trung vào việc điều khiển phương tiện bị ảnh hưởng, đặc biệt khi xe đang chạy với tốc độ cao. Nếu vận tốc xe chạy là 100km/h, chỉ cần lái xe xao nhãng gửi tin nhắn trong 10 giây thì phương tiện đã chạy được một quãng đường lên tới 280 mét. Trong thời điểm đó, lái xe không chú ý đến các tín hiệu của các phương tiện cùng tham gia giao thông nên rất dễ xảy ra va chạm. Ngoài ra, nếu nhìn vào màn hình điện thoại khi trời tối, có thể khiến cho mắt bị nhòa, mờ khi quan sát các phương tiện trên đường.

Sử dụng điện thoại khi lái xe tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn - Ảnh nh họa

Trước những nguy cơ mất an toàn của hành vi sử dụng điện thoại trong lúc lái xe, tại nhiều quốc gia trên thế giới đã có những quy định cấm sử dụng điện thoại. Tại Mỹ, hiện có 14 bang cấm sử dụng thiết bị cầm tay khi đang lái xe; 50 bang cấm nhắn tin khi đang lái xe. Ngoài ra, mức xử phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại cũng rất cao. Tại Ireland, những lái xe sử dụng điện thoại có thể bị phạt từ 1 nghìn đến 2 nghìn ơ-rô và thậm chí có thể phải ngồi tù 3 tháng nếu vi phạm liên tiếp 3 lần trong 1 năm. Trong khi tại Pháp, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm là 214 đô la Mỹ.

Tại Việt Nam, Nghị định số 46 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định, người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường sẽ bị phạt từ 600 nghìn đến 800 nghìn đồng. Tuy nhiên, với mức xử phạt này, có tới 83% lái xe cho rằng mức phạt đối với hành vi này còn chưa đủ tính răn đe và 79% trong số họ thực sự hi vọng những mức phạt nghiêm khắc sẽ giúp họ cầm lái tập trung và an toàn hơn. Mặc dù, quy định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 nhưng đến nay công tác xử phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe còn gặp nhiều khó khăn và chưa triệt để.

Lái xe Nguyễn Văn Tuấn, ở Hà Nội cho biết: “Mức xử phạt của Việt Nam đưa ra không cao và ý thức của người dân cũng chưa tốt lắm. Trong khi đó, từ khi có lệnh cấm không nghe điện thoại khi đang lưu thông trên đường, mình chưa thấy ai bắt bao giờ. Cho nên mình cũng thấy là công an chưa đề cập hết được những lái xe ô tô nghe điện thoại trên xe”.

Lái xe Nguyễn Văn Tuấn nói:

 

Để hạn chế các vụ tai nạn liên quan đến hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe, ngay trong công tác đào tạo lái xe mới cần phải chú trọng đến việc nâng cao nhận thức cho các lái xe về những tác hại của hành vi này, đồng thời yêu cầu các học viên, lái xe tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Các chuyên gia an toàn giao thông cho rằng, với mật độ phương tiện đông đúc như hiện nay, mặc dù không sử dụng tay để sử dụng điện thoại, nhưng việc lắng nghe và trả lời điện thoại thông qua các thiết bị hỗ trợ như Bluetooth hay bật loa trên xe để nghe vẫn có thể khiến lái xe mất tập trung, có nguy cơ xảy ra va chạm. Cách tốt nhất để đảm bảo an toàn, các lái xe không nên sử dụng điện thoại trong quá trình lái xe. Lái xe có thể dừng lại để trả lời các cuộc gọi nhỡ trong lúc nghỉ ngơi sau khi lái xe một quãng đường dài.

Sử dụng điện thoại trong quá trình lái xe dễ dẫn đến tình trạng mất tập trung- là nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng. Hành vi này không chỉ gây nguy hiểm tới tính mạng bản thân người lái xe mà còn đe dọa đến sự an nguy của nhiều người cùng tham gia giao thông. Thay đổi thói quen sử dụng điện thoại khi lái xe không chỉ đảm bảo an toàn cho gia đình, người tham gia giao thông mà còn thể hiện sự văn nh, văn hóa trong cách hành xử của người lái xe.