Thận trọng với sản phẩm “giải cứu” bán tràn lan trên vỉa hè

Hàng hóa bày tràn lan trên vỉa hè, được gắn mác “giải cứu” với giá không hề rẻ - Đây là một chiêu kinh doanh không mới của một số tiểu thương nhằm thu hút sự chú ý, lòng trắc ẩn của khách hàng.

Về tình mà nói, nếu mua và sử dụng các sản phẩm này, có thể bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm, vui trong lòng. Bởi ai cũng có từ tâm và muốn thể hiện lòng tốt khi có điều kiện, đặc biệt với các sản phẩm trái cây, gia cầm dưới danh nghĩa “giải cứu”, “hỗ trợ” bà con nông dân.

Tuy nhiên, về lý, việc ủng hộ các sản phẩm bày bán trái phép trên vỉa hè, lấn chiếm diện tích công sản để lại khá nhiều hệ lụy.

Trong giờ cao điểm, các sạp hàng này là một trong những nguyên nhân làm phức tạp hơn tình hình giao thông. Người đi bộ bị cản trở, trong khi lượng lớn xe tập trung dừng ở một điểm có thể gây hiện tượng ùn ứ.

Bên cạnh đó, những sản phẩm này thường không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tem an toàn vệ sinh thực phẩm, thậm chí có thể là hàng đánh tráo, hàng nhái, hàng giả được mua bán sang tay dưới sự đảm bảo duy nhất là lời nói của người bán.

Trên vỉa hè nhiều tuyến phố tại Hà Nội xuất hiện các điểm bán trứng gà, vịt với băng rôn "Chung tay giải cứu cho bà con nông dân". Ảnh: Dân trí

Không phải ngẫu nhiên, mới đây, Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam đề nghị người dân cảnh giác, không tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kể cả trứng gia cầm được bày bán tràn lan dưới danh nghĩa giải cứu của các tư thương.

Nếu mua phải sản phẩm nhập lậu, không đảm bảo vệ sinh trong quá trình vận chuyển, hoặc loài chăn nuôi ốm chết bất thường, không loại trừ khả năng người sử dụng, tiếp xúc có thể bị lây nhiễm virus cúm gia cầm A/H5N1.

Nhìn rộng hơn, lạm dụng cụm từ “giải cứu” có thể khiến nông sản của các địa phương giảm giá trị, nhất là trong bối cảnh nhạy cảm của thị trường. Việc giải cứu thật sự, nếu có, chỉ xảy ra ở một thời điểm nhất định khi các sản phẩm nông nghiệp bị ứ đọng. Và việc giải quyết “đầu ra” giúp bà con tránh bị lỗ nặng, sẽ do các, đoàn thể ở địa phương như Đoàn thanh niên đứng ra cáng đáng, phụ trách.

Do đó, nếu không phải đích thân bạn hay người thân quen về tận vườn, trang trại thu mua sản phẩm ứ đọng, thì cách tốt nhất để giúp đỡ bà con nông dân là đến các địa điểm truyền thống đã được cấp phép như chợ, siêu thị, hội chợ để mua sản phẩm, góp phần gia tăng nhu cầu tiêu thụ cho thị trường.

Đương nhiên, với các sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan chức năng kiểm dịch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng.