Tham vọng phát triển giao thông năng lượng sạch tại London (Anh)

VOVGT - Đến năm 2050, toàn bộ hệ thống giao thông tại London (Anh) sẽ không phát ra khí thải gây ô nhiễm.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Phương tiện lưu thông tại London (Anh) - Ảnh: The Sun

Thị trưởng London của Anh, ông Sadiq Khan vừa đưa ra chiến lược tham vọng nhằm cải thiện toàn bộ hệ thống giao thông trong thời gian tới. Cụ thể, đến năm 2050, toàn bộ hệ thống giao thông sẽ không phát ra khí thải gây ô nhiễm. Kế hoạch hiện đang được Hội đồng thành phố xem xét trước khi công bố chính thức vào cuối tháng 3 này.

Theo đó, giới chức sẽ cố gắng giảm số lượt người di chuyển bằng ô tô đang vào khoảng 3 triệu lượt/ngày hiện nay. Đồng thời tăng số lượng người đi bộ, đi xe đạp hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng lên 80% vào năm 2041.

Bên cạnh đó, bước đầu London sẽ thành lập khu vực không phát thải tại trung tâm thủ đô, sau đó tiến tới mở rộng ra toàn bộ thành phố vào năm 2050. Theo ông Khan, cần phải loại bỏ hoàn toàn phương tiện phát thải mới có thể xây dựng một thành phố sạch và xanh.

Thị trưởng London cho biết, sẽ tăng cường đầu tư cải tiến hệ thống đường sắt, mở rộng các tuyến đi bộ, đi xe đạp. Đến năm 2033, tất cả taxi và xe cho thuê tự lái bắt buộc không phát thải. Và tới năm 2037, toàn bộ 9.200 xe buýt buộc phải sử dụng năng lượng sạch.

Ông Sadiq Khan nói: “Tôi thực sự quan tâm tới thực trạng không khí của London hiện nay. Nó là nguyên nhân khiến hơn 9.000 người chết sớm mỗi năm. Bên cạnh đó, rất nhiều trẻ em bị viêm phổi bởi thời gian dài sống trong không khí ô nhiễm. Chính vì vậy, chúng ta không thể ngồi yên mà không làm gì cả. Đã đến lúc phải hành động một cách táo bạo và quyết liệt”.

Trước đó, kể từ tháng 10 năm ngoái, giới chức London đã thu phí độc hại 10 bảng Anh (khoảng 300.000 đồng)/lần vào nội đô, đối với các xe chạy xăng và dầu diesel, được sản xuất trước năm 2006.

Như vậy, ngoài phí chống ùn tắc khoảng 11,5 bảng (khoảng 370.000 đồng), những xe có mức phát thải cao sẽ mất 21,5 bảng (khoảng 643.000 đồng) cho một lần vào nội đô. Mỗi tháng có khoảng 34.000 xe thường xuyên ra vào nội đô; Ước tính, số tiền thu khoảng 7 triệu bảng (hơn 225 tỉ đồng) mỗi năm.

Trong chiến lược trên, giới chức cam kết nâng cấp hoàn toàn hệ thống giao thông công cộng. Hàng tỷ bảng sẽ được đầu tư để có “những tuyến đường xanh”. Theo chính quyền thành phố, việc tăng cường đi bộ, đi xe đạp và sử dụng phương tiện công cộng giúp thúc đẩy một lối sống năng động, tích cực hơn.

Nói về lộ trình cải tiến hệ thống giao thông vận tải của thủ đô, bà Val Shawcross, phó thị trưởng London chia sẻ thêm: “Đây có lẽ là chiến lược đầu tiên trên thế giới. Bước đầu, chúng tôi sẽ mang đến cho người dân những tuyến đường trong lành, không ô nhiễm và tốt cho sức khỏe. Sau đó là hướng tới tất cả hệ thống giao thông của thành phố. Bên cạnh đó, chúng tôi muốn đảm bảo người dân có thể tiếp cận những dịch vụ giao thông công cộng tốt nhất, vừa thông thoáng, hiện đại nhưng giá cả lại rất phải chăng. Thêm nữa, một hệ thống giao thông mở rộng còn giúp kích thích kinh tế phát triển, nhiều nhà cửa được xây dựng và tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn”.

Không chỉ ở Anh, tại Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh cũng đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm đưa vào hoạt động ngày càng nhiều phương tiện sử dụng năng lượng sạch, hướng khách du lịch và người dân đi lại bằng phương tiện công cộng nhiều hơn.

Hiện thành phố có 6 tuyến xe buýt điện đang hoạt động ở khu vực trung tâm và quận 7, phục vụ khách du lịch. Để đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng điện vào vận tải khách, Sở Giao thông - Vận tải vừa tiếp tục đề xuất UBND thành phố thí điểm hoạt động xe 4 bánh chạy điện chở khách du lịch. Đồng thời, kết nối với vận tải thủy, nhằm tạo thuận lợi khi di chuyển giữa các loại hình vận tải công cộng trên địa bàn.