Thách thức nào với dịch vụ taxi bay tại Olympic Paris 2024

Một phương tiện bay, hoạt động như dịch vụ taxi đưa đón hành khách, có thể được triển khai tại Olympic Paris sắp diễn ra vào năm 2024 tới đây. Nếu kế hoạch diễn ra suôn sẻ, lịch sử ngành hàng không kỳ vọng sẽ bước sang một trang mới.

Hoạt động dựa trên công nghệ drone với 8 rotor, một phương tiện bay mới, có thể được sử dụng để đưa đón hành khách, cũng như các vận động viên trong kỳ Thế vận hội Olympic 2024 sắp diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp) tới đây.

Một chiếc máy bay điện VoloCity - Ảnh: Volocopter

Mẫu phương tiện, được ví như taxi hàng không này, do Volocopter, công ty cung cấp dịch bay của Đức phát triển. Theo nhà sản xuất, những chiếc Volocopter, chạy hoàn toàn bằng điện, có tốc độ tối đa 90 km/h và tầm hoạt động khoảng 20km.

Ông Dirk Hoke, Giám đốc điều hành Volocopter chia sẻ: “Mỗi chiếc Volocopter có hai chỗ ngồi, một dành cho hành khách và chỗ còn lại cho phi công. Hành khách mua vé có thể bay trực tiếp từ một số nhà ga hàng không quanh thủ đô Paris”

Theo thiết kế, Volocopter có hình dáng giống một chiếc drone khổng lồ, với cơ chế cất và hạ cánh theo phương thẳng đứng như máy bay trực thăng.

Tuy nhiên, theo Paul Stone, một phi công được tham gia trải nghiệm chia sẻ, hệ thống điều khiển kỹ thuật số và thiết kế nhiều rotor giúp Volocopter dễ bay hơn so với trực thăng truyền thống: “Khi lái trực thăng bạn phải thao tác phối hợp cùng lúc nhiều nút điều khiển. Nhưng với mẫu máy bay này, các thao tác chuyển động cũng như nút điều khiển đều rất đơn giản” 

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh giao thông đường bộ ùn tắc nghiêm trọng, mức độ tiện lợi của taxi bay là không phải bàn cãi. Một hành trình trước đây thường kéo dài hàng giờ nay có thể rút ngắn xuống chưa đầy 10 phút. Bên cạnh đó, nhờ chạy điện phương tiện này cũng được xem là hình thức vận tải hàng không phát thải carbon thấp.

Ông Edward Arkwright, Giám đốc cảng hàng không Paris thông tin: “Những cỗ máy điện này hoạt động êm ái hơn gấp 4 lần so với trực thăng truyền thống, trong khi lượng phát thải khí CO2 cũng ít hơn rất nhiều. Có thể nói, lợi ích chúng mang lại là phi thường. Chúng tôi đang nghĩ đến kế hoạch, không chỉ chở người, Volocopter còn có thể ứng dụng để vận chuyển bưu kiện hay vật tư y tế”

Có thể nói, việc ra mắt dịch vụ taxi bay vào năm 2024, đúng thời điểm diễn ra 2 sự kiện lớn Olympic và Paralympic Paris, được xem cơ hội vàng để ngành hàng không đánh dấu cột mốc mới trong lịch sử phát triển.

Volocopter có 1 chỗ cho phi công và 1 chỗ cho hành khách. Ảnh: Volocopter

Theo kế hoạch, Volocopter cũng hướng đến mục tiêu vận chuyển 100.000 hành khách trên khắp thế giới mỗi giờ trong vòng 10 năm tới.

Tuy nhiên, ông Jean Christophe Drai, Giám đốc Kinh doanh của Volocopter vẫn tỏ ra thận trọng: “Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi hiện nay, điều mà tất cả chúng tôi đang nỗ lực hướng tới và dành mọi nguồn lực của mình đó là xin được giấy chứng nhận cho mẫu máy bay này. Đây là mục tiêu hợp lý và thực tế để thực sự tồn tại thay vì những lời hứa mà chúng tôi có thể sẽ không bao giờ thực hiện được”.

Thực tế, những lo ngại của ông Drai là hoàn toàn có cơ sở khi công ty còn cả hành trình dài phía trước để thuyết phục chính phủ các nước phương Tây về độ an toàn của phương tiện bay này.

Trước mắt, Volocopter hy vọng sẽ nhận được sự chấp thuận từ Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu trong thời gian sớm nhất, bên cạnh đó là sự hưởng ứng (hay chí ít là không phản đối) từ phía người dân trước việc xuất hiện của những chiếc máy bay điện.

Nếu tất cả mọi chuyện đều diễn ra ‘thuận buồm, xuôi gió’, các nhà sản xuất hy vọng, Paris sẽ là thủ đô đầu tiên trên thế giới ra mắt dịch vụ taxi bay.

Trước đó, các chuyên gia phân tích tài chính từ ngân hàng Morgan Stanley dự báo, nền công nghiệp xe bay trong đô thị có thể đạt tới 1.000 tỷ USD vào năm 2040. Con số thậm chí sẽ lên tới 9.000 tỷ vào năm 2050, thời điểm công nghệ pin và chế tạo hệ truyền động bay trở nên hoàn chỉnh và hiện đại hơn.

Các nhà phân tích nhận định, trong tương lai không xa, mọi người đều muốn di chuyển trên bầu trời. Tại Việt Nam, có thể một ngày bạn sẽ thấy những chiếc “taxi bay” trên bầu trời Hà Nội hay Tp.HCM.

Tuy nhiên, với việc đang có rất nhiều công ty nhăm nhe nhảy vào thị trường vận tải hành khách cá nhân trên không, nhiều người lo ngại, chẳng mấy chốc bầu trời sẽ lại đông nghịt các phương tiện giống như đường phố dưới mặt đất ở thời điểm hiện tại.

Chính vì việc kiểm soát hoạt động, cũng như cấp phép cho dịch vụ taxi bay cũng cần được cân nhắc một cách kỹ lưỡng.