Tàu điện đầu tuần: Chật cứng khách, 85% dùng vé tháng

Giờ cao điểm sáng đầu tuần, các toa tàu điện từ Yên Nghĩa (Hà Đông) về ga Cát Linh luôn chật cứng hành khách. Đa phần hành khách sử dụng là người đi làm và học sinh, có tới 70% hành khách sử dụng vé tháng.

Tuy nhiên, hiện hành khách vẫn đang gặp khó khăn trong giao thông tiếp cận điểm đầu và điểm cuối chuyến đi, việc tìm chỗ gửi xe cũng không đơn giản.

Giờ cao điểm sáng đầu tuần, anh Đức Văn, ở Văn Quán, Hà Đông hối hả leo cầu thang để kịp bắt chuyến tàu vào lúc 7h30 sáng.

Sau khi khá chật vật tìm được một chỗ đứng ở cuối toa tàu, anh Văn chia sẻ lý do gắn bó với tàu điện trên cao từ 5 tháng nay: "Lúc đầu là thử đi thôi, nhưng sau đi vì thấy nhanh hơn. Vì nhà mình ở Hà Đông nên đi phải giảm được một nửa thời gian. Gần đây tàu cũng đông lắm, nhưng cơ bản mình thấy hiệu quả. Hy vọng có thêm tàu nữa để đi".

Mệt mỏi với tình trạng tắc đường, khói bụi, chị Dung ở Thanh Oai đã chuyển hẳn sang sử dụng tàu điện trên cao từ cách đây 3 tháng để làm phương tiện đi lại hàng ngày. Đến thời điểm hiện tại, dù lượng người đi tàu vào giờ cao điểm tăng cao, nhưng với động thái tăng tàu và rút ngắn thời gian giữa các chuyến, chị Dung thấy hài lòng.

"So với trước kia 10 phút /chuyến, bây giờ 6 phút/chuyến lượng người giảm bớt đi, không còn chen lấn nhiều như trước nữa, đứng sát sát nhau không còn nhiều nữa. Tôi đi từ Yên Nghĩa lên đây mất khoảng 10 phút, so với đi xe máy trước kia mất khoảng 30 phút tắc đường, vừa nóng vừa bụi thì đi trên tàu vừa mát vừa lịch sự vừa văn nh hơn", chị Dung nói.

Một số người mang xe đạp gấp lên tàu để đi lại điểm đầu cuối chuyến đi.

Ghi nhận của phóng viên VOVGT, vào khung giờ cao điểm từ 7h15-7h45, các toa tàu luôn trong tình trạng chật cứng, không còn ghế trống, hành khách đứng san sát nhau. Đa phần hành khách là học sinh và người đi làm ở dọc tuyến tàu điện chạy qua, có khoảng hơn 10 người mang theo các xe đạp gấp.

Sau gần một năm đưa vào vận hành, tàu điện trên cao ngày càng thu hút người dân sử dụng, sản lượng hành khách đi tàu tăng gấp hơn 4 lần.

Hành khách đông đúc tại ga Cát Linh vào giờ cao điểm sáng nay 17/10.

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, điều này hoàn toàn nằm trong dự báo, tính toán ban đầu. Từ đầu tháng 9, để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đơn vị đã điều chỉnh thời gian giãn cách chạy tàu xuống 6 phút/ chuyến vào 2 khung giờ cao điểm sáng từ 7h-8h30, buổi chiều từ 16h30-18h. Tỷ lệ hành khách sử dụng vé tháng tăng cao nhất từ trước đến nay.

"Trong tháng 9, lượng hành khách đi tàu khoảng 26.000-28.000 hành khách/ngày. Bắt đầu sang tháng 10, một ngày trên dưới 32.000 hành khách. Hiện nay vé tháng, bình quân cả ngày chiếm 70%. Vào giờ cao điểm số lượng người đi vé tháng chiếm tới 85%", ông Trường cho biết thêm.

Từ khi sử dụng tàu điện khoảng 2 tháng nay, chị Hương ở quận Thanh Xuân ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực của “nhà tàu” để phục vụ hành khách, nhưng chị cho rằng, vẫn cần cải thiện giao thông kết nối với tuyến đường sắt đô thị:

"Tuy nhiên một số tuyến xe bus kết nối với tàu điện chưa hẳn là ổn, tuyến xe bus 146 phải 15 phút mới chạy. Tàu đã chạy 6 phút/lần, dẫn đến nhiều bạn sẽ phải chờ thêm một nhịp nữa ở điểm cuối Cát Linh. Nếu mà kết nối tốt thì hoàn toàn có thể tăng lên là điều đương nhiên", chị Hương nói.

Một số hành khách phản ánh:

"Với mọi người nói chung, chỗ để xe ở ga, mọi người không phải ai cũng ở ngay sát ga để có thể đi bộ được nên nếu có thể bổ sung thêm để mọi người có thể đi được phương tiện cá nhân đến đấy. Nếu mà cải thiện cái đó cũng khá lý tưởng".

"Tắc đường như thế này, xe có đi lấn lên, nhiều khi có va chạm, đi bộ khá là nguy hiểm".

Phía bên ngoài ga Cát Linh, nhiều xe công nghệ đứng chờ bắt khách.

Để Hà Nội có thể sớm thực hiện được mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân, Thạc sỹ Vũ Anh Tuấn, giảng viên trường ĐH Giao thông vận tải cho rằng, cần cải thiện hệ thống phương tiện giao thông công cộng khối lượng lớn, đảm bảo tính kết nối, tạo sự tiện lợi cho người dân: "Chúng ta cải thiện lại mạng lưới xe bus đến đường sắt đô thị và hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị một cách cơ bản, có khoảng 4-6 tuyến tàu điện để tăng cường kết nối cấp độ vùng, mang diện rộng để đảm bảo thuận lợi".