Tăng lương, cần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh

Sau khi lương cơ sở tăng 30% nhiều người sẽ phải chịu thuế thu nhập. Bởi thế, lương tăng nhưng mức thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh chưa được điều chỉnh kịp thời đang khiến nhiều người lo lắng bởi phải đóng thuế cao hơn, trong khi biến động giá ngày càng lớn.

BỘC LỘ NHỮNG BẤT CẬP

Luật Thuế Thu nhập cá nhân ban hành vào năm 2007, áp dụng từ đầu năm 2009. Lần sửa luật gần nhất cách đây 12 năm, vào cuối năm 2012. Vào tháng 7/2020, do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực nên Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc.

Tới nay, sau gần 4 năm thực hiện, giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ, chi phí sinh hoạt đã tăng khiến thu nhập thực tế của người lao động giảm, trong khi quy định mức tối thiểu phải đóng thuế không tăng, tiền được trừ của người phụ thuộc không tăng. Từ đó, có thể thấy việc điều chỉnh tăng lương cơ sở hay lương tối thiểu vùng mà chưa điều chỉnh đồng thời quy định thuế thu nhập cá nhân là chưa có sự đồng bộ và làm giảm ý nghĩa của chính sách tăng lương. Sau khi tăng lương, rất nhiều có thể trở thành đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân.

Vấn đề tăng lương cơ sở cần tăng mức giảm trừ gia cảnh cũng được các đại biểu nêu lên tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV vừa qua. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Tạ Văn Hạ cho rằng, khi tăng lương cơ sở cần nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân hiện nay. Theo đại biểu, mức sống tăng lên, chi phí đắt lên thì giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng. Ông Hạ đề nghị, mức giảm trừ gia cảnh phải tăng được 30%, thậm chí 50% mới là hợp lý.

Còn bà Nguyễn Phương Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho biết, theo quy định của Luật Ban hành văn bản, một đề nghị xây dựng luật để được xem xét đưa vào chương trình xây dựng của Quốc hội thì phải được Chính phủ thảo luận, có Nghị quyết để xác định những chính sách cơ bản; cần phải được tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng; có đánh giá tác động và các điều kiện đảm bảo tính khả thi.

Do đó, khi nào Bộ Tài chính - cơ quan trực tiếp phụ trách lĩnh vực này - chuẩn bị và tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện hồ sơ để đề nghị đưa dự án này vào chương trình luật, pháp lệnh thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét và báo cáo với Quốc hội về việc bổ sung việc sửa đổi luật này vào kỳ họp gần nhất có thể. 

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025 và thông qua vào tháng 5/2026. Tuy nhiên, hiện nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy thời gian sửa đổi luật này sớm hơn khi những bất cập đã bộc lộ trong thời gian dài. Thậm chí, cần sửa Luật, nâng mức giảm trừ gia cảnh ngay trong năm 2024 thay vì đợi đến năm 2026.

Ảnh nh họa

GIẢM TRỪ GIA CẢNH KHÔNG PHÙ HỢP

Trên thực tế, mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân từ lâu đã không còn phù hợp với giá cả thực tế và chi phí cho nhu cầu cuộc sống. Thuế thu nhập cá nhân đã lạc hậu lại càng lạc hậu hơn khi lương cơ bản chính thức tăng. Bên cạnh đó, cách tính mức giảm trừ gia cảnh vẫn còn nhiều bất cập. Vậy, quy định thuế thu nhập cá nhân cần sớm sửa đổi ra sao?

PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi cùng Đại biểu Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về vấn đề này.

PV: Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, khi tăng lương cơ sở cần nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Ông Phạm Văn Thịnh: Khi tăng lương cơ sở cũng là yếu tố tác động đến việc chúng ta phải giảm trừ gia cảnh bởi nguyên tắc tiền lương được tính trên giá cả sức lao động và được hình thành trên cơ sở giá trị của sức lao động thông qua thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người có sức lao động.

Khi tiền lương tăng lên thì đã bao hàm mức sống của người dân được tăng lên. Vì mức sống tăng lên thì mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân cũng phải tăng lên. Khi tiền lương tăng lên như trong dịp vừa qua thì tôi cho rằng chúng ta cần thúc đẩy điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân.

PV: Trước đề nghị cần sớm sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, theo ông, lộ trình này cần được đẩy nhanh ra sao?

Ông Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn)

Ông Phạm Văn Thịnh: Trong các nội dung thuộc lĩnh vực tài chính là năm 2025 sẽ trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, trong các nội dung sửa đổi có nội dung điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh.

Cái này đã nằm trong lộ trình của Chính phủ và Bộ Tài chính, để có thể phù hợp hơn khi chúng ta thảo luận các nội dung của Luật Thuế thu nhập cá nhân thì có thể những nội dung liên quan đến giảm trừ gia cảnh được Quốc hội chấp thuận trước để áp dụng sớm, đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn hiện nay.

PV: Ông có đóng góp gì về các phương án để sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân về mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp?

Ông Phạm Văn Thịnh: Mức điều chỉnh thì có công thức cơ bản theo tốc độ tăng của chỉ số giá. Ngoài ra, cần phải tính đến điều kiện sống của người dân đã được nâng cao lên nên ngoài việc bù đủ cho chỉ số giá thì chúng ta phải tính đến thêm một phần để làm sao người lao động có điều kiện sống tốt hơn.

Khi chúng ta giảm thuế cũng là kích cầu, mở rộng tài khóa và nếu áp dụng sớm có ý nghĩa kích thích tổng cầu và từ đó tác động đến tăng trưởng kinh tế tích cực hơn. Nó đáp ứng được mong mỏi chính đáng của người lao động vì thực tế chỉ số giá tăng và điều kiện cuộc sống đang đòi hỏi cao hơn so với trước đây. Có những cái tối thiểu mà chúng ta chưa tính vào giảm trừ gia cảnh ở giai đoạn trước nên tôi thấy đây là việc rất phù hợp.

PV: Xin được cảm ơn ông.

NHIỀU QUAN ĐIỂM VỀ MỨC GIẢM TRỪ

Xu hướng mục tiêu của các chính sách mới về thuế là bên cạnh việc bảo đảm nguồn thu ngân sách Nhà nước, thuế thu nhập cá nhân còn thực hiện tái phân phối thu nhập, giảm các hành vi trốn, tránh thuế, tạo động lực để người dân tăng thu nhập, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Với mục tiêu đó, nội dung này cần được sửa đổi trong Luật Thuế thu nhập cá nhân ra sao? PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi cùng chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long về nội dung này.

PV: Thưa ông, ông có đánh giá thế nào về Luật Thuế thu nhập cá nhân và những bất cập cần sớm được sửa đổi?

PGS.TS Ngô Trí Long: Trong bối cảnh hiện nay, thuế thu nhập cá nhân có nhiều bất cập, mà bất cập này đã được đề cập từ vài năm nay là mức siết trừ gia cảnh quá thấp trong điều kiện nhu cầu đời sống ngày càng cao, thu nhập ngày càng tăng mà mức siết trừ gia cảnh là 11 triệu đồng và người ăn theo là 4 triệu thì hoàn toàn bất cập.

Nếu chúng ta không điều chỉnh việc đó mà chỉ tăng lương 30% thì điều đó khiến việc tăng lương không có ý nghĩa với người làm công ăn lương.

Đây là vấn đề bức xúc hiện nay và Bộ Tài chính cũng đã thừa nhận sự bất cập. Trong bối cảnh đó theo tôi nên đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một nghị quyết để sửa những điều bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân

PV: Ông có đóng góp gì với việc nghiên cứu điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân?

PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế (Ảnh: NVCC)

PGS.TS Ngô Trí Long:  Hiện nay mức siết trừ gia cảnh có nhiều quan điểm khác nhau, có quan điểm là mức siết trừ là 14 triệu và mức ăn theo là 6 triệu, có quan điểm là 18, 20 triệu đồng.

Theo Bộ Tài chính tính toán theo thông lệ quốc tế là bằng 0,6 đến 1,5% mức thu nhập bình quân của toàn xã hội nhưng đến nay tính theo công thức đó cũng không hoàn toàn hợp lý.

Để tính mức siết trừ gia cảnh là bao nhiêu thì chúng ta phải tính toán một cách thận trọng dựa vào những căn cứ có ý nghĩa thực tế và trên cơ sở thông lệ quốc tế.  

PV: Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh, theo ông sẽ có những ý nghĩa ra sao?

PGS.TS Ngô Trí Long:  Việc này càng được điều chỉnh sớm bao nhiêu càng có ý nghĩa bấy nhiêu. Nếu chúng ta điều chỉnh Luật Thuế thu nhập cá nhân với mức siết trừ gia cảnh và người ăn theo kịp thời thì đây là động lực quan trọng với người lao động, có tác động thúc đẩy người lao động hăng say lao động.

Thứ 2 là khi điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh hợp lý thì mức lương thực tế được tăng có ý nghĩa là nguồn lực để tái lại sức lao động. Đây cũng là động lực tinh thần để người lao động làm tốt hơn, năng suất, chất lượng tốt hơn và thu nhập cao hơn, góp phần để đóng góp của người ta cũng cao hơn.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân là vấn đề hết sức cấp bách, mang ý nghĩa nhân văn và bảo đảm công bằng cho người lao động. Ðây cũng là cách khoan thư sức dân và nuôi dưỡng nguồn thu. Rất nhiều người lao động đang trông đợi luật được sửa đổi sớm hơn lộ trình dự kiến hiện nay.

Bạn kỳ vọng gì vào Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi với quy định về mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân? Những quy định mới làm sao phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích của người nộp thuế với lợi ích của quốc gia?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” trong khung giờ “FM91 chiều”, thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần trên VOV Giao thông FM 91MHz, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcasts dành cho di động: Spotify, Apple Podcasts và Google Podcasts.