Tăng cường “sức khỏe” doanh nghiệp, điều chỉnh lãi suất là chưa đủ

Kinh tế Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn bao gồm sự trầm lắng của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp cùng với sự suy giảm của hoạt động xuất khẩu trong quý IV/2022.

Mức lãi suất cho vay tăng cao từ tháng 7/2022 và tiếp tục leo cao cho đến tháng 2/2023 làm suy yếu năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp Viện Thương mại kinh tế quốc tế, trường ĐH Kinh tế quốc dân xung quanh nội dung này.

PV: Thưa ông lãi suất cho vay tại Việt Nam đang ở mức cao, điều này ảnh hưởng như thế nào đến các doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp?

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Thông tin về lãi suất mọi người cũng đều biết hết rồi. Bởi vì mình có nguy cơ về lạm phát sau khi chính sách tiền tệ nới lỏng do đại dịch cho nên việc tăng lãi suất tôi cho là không tránh khỏi.

Tuy nhiên, tôi nghĩ ra có ba khía cạnh phải cân nhắc. Khía cạnh thứ nhất là thời điểm này tăng lãi suất kỳ, khía cạnh thứ hai là mức độ tăng lãi suất và khía cạnh thứ ba là cơ cấu lãi suất tăng trong ngắn hạn trung hạn và dài hạn.

Bên cạnh đó, cần phải chú ý là lãi suất là gắn với chính sách tiền tệ thì cần phải hài hòa với chính sách tài khóa.

Theo tôi nghĩ, thời điểm tăng lãi suất hơi sớm, mức độ tăng lãi suất thì lại quá cao so với năng lực chịu đựng của doanh nghiệp và tiếp theo nữa là cơ cấu lãi suất có những điểm bất hợp lý và bên cạnh đó là chưa hài hòa về chính sách tài khóa.

Trong chính sách tài khóa, chúng ta đang nới lỏng, muốn hỗ trợ doanh nghiệp, lãi suất tăng trở thành một đòn rất nặng đánh vào doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp chi phí tăng. Chính giai đoạn phục hồi chưa đến độ cứng thì buộc phải chịu một đòn thứ hai là lãi suất nặng. Điều này làm cho doanh nghiệp rất khó để vận hành, một số doanh nghiệp thu hẹp, thậm chí còn phá sản.

Cho nên, tôi cho rằng, cần phải bình tĩnh nhìn nhận lại việc tăng lãi suất thời gian qua là đúng nhưng mà nó thể hiện nó chưa phù hợp về các khía cạnh như tôi đã phân tích. Do đó, bây giờ tôi nghĩ  chúng ta cần phải khách quan hơn và đánh giá lại những đánh giá tác động của chính sách này.

Ảnh nh họa. Nguồn: Pháp luật TP.HCM

PV: Trong bối cảnh hiện doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách lãi suất cao, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, theo ông trong ngắn hạn thì chúng ta có thể có những giải pháp như thế nào ?

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Tôi nghĩ, nếu mình nói giải pháp mà chỉ liên quan đến lãi suất để gắn với hoạt động của doanh nghiệp hay trạng thái phục hồi nền kinh tế, tôi cho rằng là đúng nhưng chưa đủ. Lãi suất chỉ là một phần gắn với đó là cả chính sách tài khóa hỗ trợ, gắn với đó là cải thiện môi trường kinh doanh và nhìn cả trong bối cảnh quốc tế trong điều kiện bây giờ cả nước khác, người ta cũng khó khăn, tổng cầu suy giảm, xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm. Cho nên, tôi cho rằng bây giờ thì giải pháp căn cơ phía trong chưa nói phía ngoài.

Đầu tiên, chúng ta có thể mạnh dạn giảm lãi suất cho doanh nghiệp, thậm chí như Nhật Bản, người ta còn thực hiện chính sách lãi suất âm, tức là duy trì mức lãi suất còn thấp hơn cả mức lạm phát để doanh nghiệp là được hỗ trợ đến mức tối đa chứ không phải hỗ trợ nửa vời.

Cho nên tôi nghĩ là mình phải nghiên cứu phương án đó và mạnh dạn giảm lãi suất.Tất nhiên là khi đưa ra một chính sách có tính vi mô nên tiến hành đánh giá tác động để lường trước được những bất cập của chính sách để từ đó mới có thể tăng tính hoàn thiện.

Điểm thứ hai, tôi cho rằng sách tài khóa liên quan đến các khoản ễn giảm thuế nên tạo dư địa lớn hơn, giảm thuế có thể là hoàn, ễn hay giảm nhưng thời gian dài hơn, sâu hơn và tiếp nữa là các thủ tục phải nhanh gọn hơn. Ngoài ra,  cũng cần có một chương trình phục hồi kinh tế về hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ tài khóa cho tăng trưởng, triển khai cái đó như Quốc hội đưa ra khoảng 15 tỷ đô la. Tôi cho rằng cái đó mình chưa làm được.

Ngoài ra, một giải pháp cực kỳ quan trọng, đó là đầu tư công của Việt Nam. Đầu tư công Việt Nam thời gian gần đây bị chững lại thì điều đó chứng tỏ môi trường kinh doanh của Việt Nam bây giờ đang khó khăn. Bản thân người Việt Nam làm ăn đã khó, người nước ngoài vào làm ăn còn gặp nhiều khó khăn hơn.

Vậy thì, đầu tư công phải là một lực lượng đi đầu, lực lượng tạo điều kiện đột phá thì lúc đó các doanh nghiệp khác dựa vào đó, nhiều khi chỉ là kết nối, nhưng khi triển mạng lưới, tôi cho rằng sẽ tạo điều kiện về sức mạnh tổng hợp tổng thể hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!