Tạm biệt nhé, liễu rủ Hồ Gươm

Người Hà Nội yêu cây, điều đó khỏi phải bàn, chỉ cần một gốc cây nào đó bất chợt đổ xuống, là dư luận “dậy sóng”. Ai cũng luyến tiếc, bày tỏ sự bất bình về công tác bảo vệ cây xanh của thành phố, cũng như phê phán việc một cá nhân, hay cộng đồng nào đó… góp phần làm chết cây xanh ấy.

Điển hình như cách đây không lâu, một cây sao đen cổ thụ trên phố Lò Đúc bỗng dưng được phát hiện đã chết khô. Hàng cây sao đen trên con phố này vốn rất nổi tiếng và gần như là biểu tượng của con phố. Hai bên đường hàng cây sao đen thẳng tắp, cho bóng mát không chỉ với người dân sinh sống trên phố này mà cả với người đi đường…

Cũng như hàng sao đen trên phố Lò Đúc, Hà Nội có rất nhiều loài cây mang tính biểu tượng, là một phần không thể thiếu trong lịch sử hình thành của đô thị đặc biệt này. Những hàng cây xà cừ cổ thụ, những hàng sấu, bàng, bằng lăng… gắn bó với nhiều thế hệ người Hà Nội.

Thế nên, điều dễ hiểu khi “một cây to đổ xuống, cả bầu trời trống vắng”, ai ai cũng bày tỏ sự luyến tiếc và xót xa.

Ấy thế nhưng, có một loại cây hơn tất cả, là biểu tượng của trái tim Thủ đô - Hồ Hoàn Kiếm - đã đi vào hẳn thơ ca, nhạc hoạ… là một phần không thể thiếu của Hồ Gươm, tưởng như trường tồn với di tích lịch sử đặc biệt này, ngay hôm nay, đã biến mất không còn dấu vết, mà chẳng thấy một ai lên tiếng. Thậm chí là biết đến việc nó đã “đột nhiên biến mất”.

Đó là những hàng liễu được trồng ven Hồ Hoàn Kiếm.

Hình ảnh "liễu rủ mặt Hồ Gươm" đã từng là biểu tượng của Hà Nội, của Hồ Gươm

Cùng với “cụ Rùa”, những hàng cây liễu đã trở thành biểu tượng của biểu tượng, làm nên nét đẹp tinh tế và trầm mặc của một Hồ Gươm thơ mộng.

Dù là người dân địa phương hay du khách, khi đến Hồ Gươm, cũng đều được một lần đứng bên hàng liễu, chụp một tấm ảnh với xa xa Tháp Rùa. Nhiếp ảnh gia nào cũng sở hữu cho mình những bức hình với bóng cây liễu bên Tháp Rùa. Tất nhiên, người Thủ đô, còn thuộc lòng những câu thơ, bài hát về Hồ Gươm, về Tháp Rùa và hàng liễu rủ…

Có hàng trăm loài cây được trồng quanh Hồ Hoàn Kiếm, nhưng có lẽ, không loài cây nào có thể sánh với hàng liễu mang tính biểu tượng ấy. Chỉ cách đây một thời gian ngắn, cây liễu cuối cùng nằm ở góc phố Hàng Khay, ven Hồ Hoàn Kiếm cũng chính thức bị cắt ngọn.

Cây liễu cuối cùng ven hồ Hoàn Kiếm (ảnh được chụp vào tháng 1/2024)

Thế mà giờ đây, sau bao nhiêu năm “cụ Rùa” Hồ Gươm chết đi, thì những hàng liễu cũng không còn.

Qua tìm hiểu thì được biết, cách đây hàng chục năm, người ta đã phát hiện ra hiện tượng sâu đục thân làm những cây liễu chết dần chết mòn. Tuy nhiên, không có một biện pháp hiệu quả nào nhằm cứu sống những cây liễu ấy. Thậm chí là trồng bổ sung thay thế những cây đã chết vì sâu bệnh hay một lý do nào đó. Và hệ quả là đến nay, quanh Hồ Gươm không còn bóng dáng một “cây liễu rủ mặt hồ” nào.

Trong nỗ lực để đạt chuẩn đô thị đặc biệt, thì hiện nay, Hà Nội mới đạt tỷ lệ khoảng 2m2, bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh các thành phố lớn trên thế giới…

Hà Nội nói chung và quận Hoàn Kiếm nói riêng có niềm tự hào khi là một trong những địa phương bảo tồn và gìn giữ, phát triển hệ thống cây xanh tốt nhất trong cả nước.

Vùng lõi của Thủ đô, cụ thể là khu vực Hồ Hoàn Kiếm, thuộc quận Hoàn Kiếm, theo đồ án quy hoạch của thành phố công bố thì đất cây xanh, mặt nước, khu vực công cộng phục vụ thể dục thể thao khoảng 15,79ha (chiếm 24,78%, đạt chỉ tiêu 25,47m2/người). Mặc dù vậy thì chúng ta vẫn còn xa mới đạt tiêu chuẩn thành phố xanh…

Gốc liễu cuối cùng góc ngã ba Hàng Khay - Lê Thái Tổ đã bị cắt ngọn (ảnh chụp tháng 5/2024)

Bây giờ, chỉ một câu chuyện “không đâu” cũng tiêu tốn hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng của “cư dân mạng”, tạo thành một dòng dư luận trên mạng xã hội với những tranh cãi sôi nổi, nảy lửa.

Ấy thế nhưng, những hàng liễu kia, vốn là biểu tượng và là một phần không thể thiếu của Hồ Hoàn Kiếm, biến mất không dấu vết, mà chẳng thấy ai lên tiếng???

Một cây liễu đã chết từ lâu cũng được cắt ngọn nhưng chưa được đánh gốc nằm ở ven Hồ Hoàn Kiếm, đối diện Bưu điện Hà Nội (ảnh chụp tháng 5/2024)

Mấy ngày nay, khắp nơi đâu đâu cũng thấy ảnh người ta chụp với hoa bằng lăng, hoa phượng. Những cô gái áo dài, váy ngắn, đủ kiểu tạo dáng đẹp đẽ bên những hàng cây trổ hoa tím, hoa đỏ rực rỡ, đẹp tuyệt trần... Có lẽ những thế hệ bây giờ, người ta không còn "thích" hình ảnh cây liễu bên Hồ Gươm nữa, nên chúng mất đi cũng chẳng làm ai bận tâm chăng?

Một trong những điều dễ nhận thấy, là chúng ta chỉ “thích” bày tỏ quan điểm và thể hiện trách nhiệm, khi một sự việc đã diễn ra, đã mất đi (?)… Còn chẳng mấy ai hơi đâu mà đi bàn chuyện phòng ngừa, bảo vệ những thứ đang còn tồn tại.

Hy vọng rằng, đến một lúc nào đó, một đơn vị nào đó, có trách nhiệm, sẽ cho trồng lại những hàng liễu quanh Hồ Gươm, để trả lại cho người dân Thủ đô hình ảnh dấu yêu, thân thiết đã gắn bó với họ qua biết bao nhiêu thế hệ...

Chuyện cây liễu Hồ Gươm chết, không chỉ vì hàng cây ấy là hàng cây biểu tượng, mà điều đáng nói ở đây, là công tác chăm sóc, bảo vệ cây xanh, lá phổi của Thủ đô, một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta...