Tài xế xe công nghệ than trời vì thu nhập giảm sút

Tại Singapore, các tài xế Grab, Gojek phản ánh về việc thu nhập của họ bị giảm sút trong 6 tháng qua. Nhưng Grab cho biết là đây là xu hướng theo mùa. Nhu cầu về các chuyến gọi xe dự kiến sẽ tăng vào cuối năm nay với các sự kiện lớn.

 

Tại Singapore, các tài xế Grab, Gojek phản ánh về việc thu nhập của họ bị giảm sút trong 6 tháng qua. (Ảnh: TODAY)

Ông Lee Chin Chye, 56 tuổi, từng kiếm được 230 đến 380 đô la Mỹ khi lái xe 10 giờ một ngày, thế nhưng khoảng 6 tháng nay, thu nhập của ông đã giảm khoảng 10%.

Ông cho rằng dó giá cước thấp hơn trên nền tảng Grab: "Sự cạnh tranh giữa các nền tảng có liên quan rất nhiều đến điều này, nhu cầu giảm của hành khách cũng liên quan đến việc này".

Không chỉ ông Lee mà nhiều tài xế Grab hay Gojek được hỏi đều cho biết giá cước hiện đã thấp hơn và thu nhập của họ cũng giảm.

Một tài xế cho biết: “Như bạn thấy đấy, nếu công ty có thể tăng số lượng đặt xe thì ổn. Nhưng chắc chắn là khó vì có rất nhiều đối thủ cạnh tranh, rất nhiều tài xế xung quanh, bạn cũng cần phải lái xe nhiều giờ hơn để kiếm được số tiền như trước kia”.

Một tài xế Gojek 31 tuổi, cho biết việc giảm 10% thu nhập là điều rất khó để chấp nhận nhưng anh không có ý định nghỉ việc. Anh đã mất việc làm trước đây do chấn thương tại nơi làm việc và đã làm tài xế công nghệ trong 5 năm để nuôi 5 đứa con.

Tương tự, một tài xế Grab khác cũng đang có một khoản nợ phải trả nợ và nuôi một đứa con 5 tuổi.

Người đàn ông này chia sẻ: Anh đã phải cắt giảm chi phí đi lại, ăn uống tại nhà hàng. Giá cả hàng hóa đều tăng nhưng thu nhập của anh lại giảm. Thỉnh thoảng, anh phải vay tiền để trang trải chi phí sinh hoạt

Anh cho biết chi phí sinh hoạt tăng cao, bao gồm cả xăng dầu, đang khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Theo Grab, nhu cầu đặt xe tăng cao do kỳ nghỉ lễ - Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán kéo dài trong tháng 1 và tháng 2 - cũng như một số buổi hòa nhạc lớn trong quý đầu tiên dẫn đến nhu cầu và giá cước cao hơn trong ngành. Nhu cầu thường giảm trong kỳ nghỉ của các trường học vào tháng 6 đối với các trường công lập và từ tháng 7 đến tháng 8 đối với các trường quốc tế khi có nhiều người rời khỏi Singapore hơn.

Trả lời các câu hỏi của Quốc hội liên quan đến vấn đề này vào ngày 10/9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Amy Khor, cho biết:  “Vào những tháng có các sự kiện lớn, chẳng hạn như buổi hòa nhạc của Taylor Swift và Coldplay trong quý đầu tiên của năm 2024 hoặc trong các mùa lễ hội như Tết Nguyên đán… dẫn đến nhu cầu gọi xe cao hơn và giá cước cao hơn. Ngược lại, nhu cầu có xu hướng giảm trong kỳ nghỉ học, khi nhiều người Singapore ở nước ngoài. Những tác động theo mùa này là một nguồn biến động khác trong thu nhập của tài xế”.

Grab cũng cho biết thêm rằng trong những tháng tới, nhu cầu hành khách có thể tăng do nhu cầu tăng sau kỳ nghỉ hè, thậm chí còn cao hơn nữa vào cuối năm, khi nhiều sự kiện đáng chú ý diễn ra, chẳng hạn như Giải đua Công thức 1.

Từ quý 2 năm 2023 đến quý 2 năm nay, số lượng xe thuê tư nhân và taxi đang hoạt động đã tăng 8%. Tuy nhiên, số lượng hành khách chỉ tăng 1% trong cùng kỳ. (Ảnh: iStock)

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Amy Khor, với sự gia tăng gần đây của số lượng xe taxi và xe thuê tư nhân, thu nhập của tài xế công nghệ giảm vì nhu cầu của hành khách không tăng nhiều. “Từ quý 2 năm 2023 đến quý 2 năm nay, số lượng xe thuê tư nhân và taxi đang hoạt động đã tăng 8%. Tuy nhiên, số lượng hành khách chỉ tăng 1% trong cùng kỳ. Điều đó rõ ràng có nghĩa là một số tài xế sẽ thấy thu nhập giảm”.

Thế nhưng, nhiều tài xế cho rằng việc giảm giá cước ảnh hưởng tới thu nhập của họ bắt nguồn từ sự cạnh tranh giữa các nền tảng gọi xe.

Một tài xế Grab 67 tuổi cho biết: “Tôi tin rằng tất cả các công ty công nghệ này đều cố gắng cạnh tranh với nhau, nhưng khi làm như vậy, họ đang đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của tài xế”.

Đồng quan điểm, một tài xế 72 tuổi hoạt động trên cả nền tảng TADA và Grab, cho biết việc có nhiều sự cạnh tranh hơn thì giá cước sẽ thấp hơn là điều tự nhiên.

Một số tài xế cho biết cấu trúc phí mới của Grab khuyến khích đón những hành khách ở xa hơn là 'không đủ', có thể làm giảm doanh thu.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Amy Khor cho biết dịch vụ vận chuyển hành khách taxi hay xe công nghệ là phương thức vận tải “phản ứng theo nhu cầu” và phản ánh “lực lượng thị trường đang hoạt động”.

Mặc dù bà thừa nhận rằng giá cước trung bình đã giảm trong những tháng gần đây, nhưng theo bà, điều quan trọng là tài xế phải “xem xét tổng thu nhập theo thời gian, thay vì chỉ xem xét các giai đoạn giá cước thấp hơn”.

Bà cũng cho biết tài xế có thể “đưa ra quyết định sáng suốt, chẳng hạn như khi nào lái xe và đi chuyến nào”, và sử dụng nhiều nền tảng gọi xe để “tối đa hóa thu nhập dựa trên nhu cầu lái xe của họ”.

Còn tại Việt Nam, một khảo sát do Grab phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam cùng Trung tâm Tư vấn sức khỏe và Phát triển cộng đồng thực hiện, cho thấy thu nhập bình quân (đã trừ phí, xăng…) của tài xế mô tô đang ở mức 318.000 đồng/ngày và 7 triệu đồng/tháng; tài xế xe ô tô là 564.000 đồng/ngày và 12 triệu đồng/tháng.

Thế nhưng, trên thực tế, để đạt được mức lương này, họ phải làm việc từ 8-13 giờ/ngày.

Ngoài ra, việc các ứng dụng đặt xe thu chiết khấu của tài xế ngày càng cao cũng là lý do quan trọng khiến thu nhập của các tài xế xe công nghệ giảm sút.

Được biết, mức chiết khấu của các hãng hiện nay dao động từ 30 – 40%, tăng mạnh so với trước đây. Trung bình, tài xế, shipper chỉ nhận được khoảng 75% giá trị đơn hàng, nhưng trong đó, họ đã phải tự trả thêm 30% cho chi phí phương tiện, khấu hao…