Tài xế bị trừ tiền quá nhiều, các ứng dụng gọi xe bị xiết chặt quản lý

Bên cạnh phải chịu khoản chiết khấu cao, nhiều tài xế còn ‘than trời’ bởi mức phạt quá khắt khe từ các hãng ứng dụng.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Tài xế công nghệ giao đồ ăn tại Trung Quốc - Ảnh AFP

Thở phào sau khi trao gói đồ ăn còn nóng hổi tới tay khách hàng, Zhuang Zhenhua, một tài xế công nghệ cho ứng dụng Meituan ở Trung Quốc nhanh chóng bật app để xác nhận hoàn tất đơn hàng.

Tuy nhiên, chưa kịp vui mừng vì hoàn thành đơn hàng đúng thời gian cam kết, Zhenhua bỗng sững sờ khi thấy số tiền công của anh bị trừ đi một nửa.

Theo thông báo từ ứng dụng, nguyên nhân là do Zhenhua giao đồ ăn cho khách chậm hơn dự kiến, mức phạt 50% tiền công được thực hiện ngay lập tức qua thuật toán tự động.

Zhenhua cho hay, đây là một lỗi trên ứng dụng mà tài xế không thể khiếu nại. Các hãng gọi xe công nghệ đang bóc lột hàng triệu lao động như anh khi ngành này bùng nổ thời gian gần đây: “Cách duy nhất để hoàn thành đơn đặt hàng đúng giờ là đi thật nhanh, vượt đèn đỏ và lấn làn. Trước đây, các ứng dụng quy định phải hoàn thành một đơn hàng trong phạm vi 2km từ 40-50 phút, nhưng bây giờ chúng tôi chỉ còn 30 phút”.

Trường hợp của Zhenhua cũng là tình cảnh mà không ít tài xế công nghệ ở Trung Quốc đang phải ấm ức chịu đựng. 
Nhiều người cho biết, các hãng ứng dụng sử dụng ‘chiêu trò’ thuật toán tính giờ để đánh giá công việc và ăn chặn tiền công của họ.

Bà Kendra Schaefer, chuyên gia tư vấn luật tại Bắc Kinh cho rằng, sự thiếu nh bạch trong quy trình xử phạt mà các nền tảng công nghệ đưa ra đối với tài xế là vấn đề hết sức nghiêm trọng: “Thuật toán sinh ra nhằm tối đa hiệu quả công việc, nhưng thật không may trong xã hội hiện đại này, cái giá phải trả lại chính là quyền lợi con người”.

Theo báo cáo từ Hiệp hội khách sạn Trung Quốc, đại dịch Covid-19 với các đợt phong tỏa kéo dài khiến nhu cầu gọi xe công nghệ và giao đồ ăn tăng vọt. Thống kê cho thấy, lĩnh vực này hiện có trị giá lên tới 664 tỷ Nhân dân tệ (100 tỷ USD). 

Tuy nhiên, sự phát triển ‘nóng’ của thị trường gọi xe cũng khiến nhiều hãng ứng dụng rơi vào ‘tầm ngắm’ của cơ quan chức năng. Đầu năm nay, Alibaba chịu mức phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD sau khi điều tra cho thấy, công ty này có dấu hiệu vi phạm quy định chống độc quyền. 

Một tài xế mở ứng dụng gọi xe Didi Chuxing trên điện thoại ở Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh AFP)

Nhà chức trách Trung Quốc mới đây yêu cầu các công ty như Didi Global, Meituan hay Tencent Holdings phải cải thiện thu nhập, đồng thời đảm bảo thời gian nghỉ ngơi cho tài xế công nghệ và người giao đồ ăn. Bên cạnh đó sửa đổi các thuật toán, hạn chế rút ngắn thời gian nhằm tránh việc nhân viên giao hàng chạy ẩu để hoàn thành đơn hàng đúng hạn.

Trong tháng 12, một bản quy định chi tiết, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của tài xế công nghệ, đã được 8 đơn vị cấp bộ ban hành.

Theo đó, các công ty dịch vụ gọi xe phải thông báo cho tài xế số tiền chiết khấu sau mỗi lần giao dịch; phải trưng cầu ý kiến lái xe, công đoàn và hiệp hội ngành hàng nếu đưa ra bất kỳ kế hoạch điều chỉnh giá cước nào, trước một tháng kể từ khi thực hiện.

Ông Liu Pengfei, người phát ngôn Bộ Giao thông vận tải cho biết: “Các hình thức mới trong ngành giao thông vận tải như đặt xe trực tuyến phát triển mạnh thời gian gần đây hỗ trợ rất nhiều cho cuộc sống người dân. Tuy nhiên, những người làm việc trong lĩnh vực này đang gặp khó khăn, bao gồm thời gian làm việc kéo dài, công việc nặng nhọc, nghề nghiệp không được công nhận và các quyền được bảo vệ kém”.

Theo ông Liu, quy định mới sẽ đảm bảo cho tài xế công nghệ ‘có mức thu nhập hợp lý’ và lương tối thiểu. Bên cạnh đó, cấm các nền tảng ứng dụng đặt ra quy tắc chấm điểm hiệu suất để khuyến khích lái xe kéo dài thời gian làm việc.

Ngoài ra, môi trường và điều kiện làm việc cũng sẽ được cải thiện với yêu cầu các hãng ứng dụng cần thiết lập những khu vực đậu xe tạm thời giúp tài xế có chỗ ăn uống, nghỉ ngơi và phòng tắm.

Một quan chức Bộ Giao thông vận tải cho biết thêm, trong thời gian tới cơ quan này sẽ áp mức trần tỷ lệ chiết khấu nhằm ngăn ngừa chính sách bóc lột người lao động của các ứng dụng gọi xe công nghệ. 

Còn tại Việt Nam, thực tế những năm gần đây cho thấy, lái xe công nghệ hay shipper đang đem lại thu nhập và thu hút nhiều lao động tại các thành phố lớn. 

Tuy nhiên, theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện các lái xe công nghệ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc do chỉ có hợp đồng đối tác với các đơn vị cung cấp ứng dụng, không phải hợp đồng lao động. Điều này đang tạo ra khoảng trống trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội với nhóm trên.

Theo khảo sát, phần lớn lái xe công nghệ hiện nay ở độ tuổi 25 - 35 tuổi. Mức độ tiếp cận các chính sách như BHXH tự nguyện hiện vẫn rất thấp, chỉ dưới 10%. Trong thời gian tới, để nâng cao tỷ lệ này, theo các chuyên gia, những quy định, chính sách an sinh hiện hành cần tiếp tục được sửa đổi, tăng tính hấp dẫn và công bằng hơn.