Tái diễn vi phạm lấn làn buýt nhanh BRT

VOVGT - Làn đường dành riêng cho buýt nhanh BRT đã được quy định rõ, tuy nhiên việc lấn làn lại đang diễn ra phổ biến, bất chấp những quy định của pháp luật.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:  

 

Với điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên tại Hà Nội đến nay đã vận hành ổn định, thu được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, với việc thiết kế một làn đường giành riêng cho buýt nhanh đã tạo ra sự khác biệt, cũng như những ưu điểm vượt trội so với những xe buýt thông thường.

Tuy nhiên, tình trạng lấn làn của buýt nhanh BRT thời gian gần đây lại tiếp diễn một cách phổ biến. Điển hình như vụ va chạm giữa một xe máy và 1 xe buýt nhanh trên tuyến đường Lê Văn Lương ngày 18/7 vừa qua, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho việc vi phạm lấn làn.

Sau hơn nửa năm đi vào hoạt động, đến nay tuyến buýt nhanh BRT số 01 đã thu hút được lượng hành khách đông đảo. Đáng nói, trên 20% người sử dụng phương tiện cá nhân đã chuyển đổi sang sử dụng phương tiện công cộng là buýt nhanh BRT. Tuyến buýt đáp ứng được nhu cầu đi lại nhanh nhất, thuận tiện nhất cho người dân khi sử dụng loại hình phương tiện công cộng bằng xe buýt. Ông Hoàng Trung (59 tuổi, trú tại Hà Đông, Hà Nội) một hành khách thường xuyên của buýt nhanh BRT nhận xét: “Xe buýt BRT nhìn chung là tốt, so với các loại xe buýt khác có nhiều ưu điểm. Tôi thấy BRT nếu phát huy được và giữ được như hiện tại thì chắc chắn sẽ có nhiều người tham gia”.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải – Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội, tuyến buýt nhanh BRT còn tạo ra một trật tự giao thông mới trên lộ trình từ Bến xe Yên Nghĩa – Kim Mã. Với làn đường riêng, buýt nhanh BRT chạy được với tốc độ 20km/h, tần suất 5 phút/chuyến, nhanh hơn hẳn so với xe buýt thông thường. Tuy nhiên, tình trạng các phương tiện khác lấn làn của buýt nhanh lại mang đến những rủi ro về chất lượng dịch vụ cũng như mất an toàn giao thông.

Ông Nguyễn Hoàng Hải nói: “Chúng ta đã tạo ra một hạ tầng với hành lang riêng biệt là một ưu thế khác biệt rõ ràng của xe buýt nhanh so với các phương tiện khác. Hiện nay vẫn còn những vi phạm các xe phương tiện khác đi vào làn giành riêng này, đặc biệt là xe máy, tỷ lệ vi phạm vẫn còn. Chúng ta vẫn phải duy trì lực lượng thanh tra, công an thành phố để xử lý những vi phạm này kiên quyết hơn”.

Vụ va chạm giữa xe buýt nhanh BRT và xe máy trên tuyến đường Lê Văn Lương được phóng viên Kênh VOVGT Quốc gia phản ánh

Điển hình cho những vi phạm này phải kể đến gần đây nhất trên tuyến đường Lê Văn Lương đã xảy ra va chạm giữa một xe buýt nhanh BRT và một xe máy. Theo đó, vào khoảng 8h sáng ngày 18/7, xe buýt nhanh BRT đi từ phía Lê Văn Lương về đường Khuất Duy tiến, khi đến đoạn gần ngã 4 Hoàng Minh Giám đã bất ngờ đâm phải một chiếc xe máy chở hàng hóa đang đi vào làn đường của buýt nhanh.

Trực tiếp ghi nhận thông tin tại hiện trường vụ va chạm, phóng viên Đức Luân – Kênh VOV Giao thông Quốc gia cho biết: “Theo quan sát trực tiếp của tôi tại hiện trường, chiếc xe máy đã đi vào làn đường của buýt nhanh, người điều khiển xe buýt đã không phanh kịp và xảy ra va chạm. Đáng nói, sau khi xảy ra va chạm 2 chủ phương tiện đã tranh cãi khiến giao thông gặp cản trở. Tình trạng ô tô, xe máy thường xuyên đi vào làn đường của buýt nhanh BRT hiện nay đang diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông”.

Làn đường giành riêng cho buýt nhanh BRT đã được quy định rõ, thậm chí có những điểm đã được bố trí giải phân cách cứng, tuy nhiên việc lấn làn lại đang diễn ra một cách thường xuyên, bất chấp những quy định của pháp luật. Một số người dân cho rằng, việc giành riêng một phần đường cho buýt nhanh đã thu hẹp lại rất nhiều khoảng trống cho các phương tiện khác, dẫn đến người dân buộc phải lấn làn. Đặc biệt, trong giờ cao điểm, khi quan sát không thấy buýt nhanh di chuyển, không có lực lượng CSGT, người dân đã tranh thủ lấn làn để đi nhanh hơn. Tuy nhiên, chính việc tham gia giao thông một cách tranh thủ, thiếu ý thức chung như vậy sẽ tiềm ẩn những nguy cơ về tai nạn, ùn tắc giao thông như trường hợp đã kể trên.

Thực tế cho thấy, buýt nhanh BRT đi vào hoạt động hiệu quả sẽ góp phần giảm phương tiện cá nhân, hạn chế tai nạn, ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, để làm được điều này, buýt nhanh BRT cần phải có làn đường riêng, đảm bảo an toàn, không bị xâm phạm. Với tình trạng lấn làn buýt nhanh BRT đang diễn ra ngày càng phổ biến, thiết nghĩ ngành chức năng cần xiết chặn hơn nữa, tuần tra, kiểm soát, xử lý những vi phạm này, tạo một môi trường giao thông văn nh, an toàn.