‘Tác dụng ngược’ của biển cảnh báo số liệu thương vong vì tai nạn giao thông

Một nghiên cứu mới đây chỉ ra, những bảng điện tử hiển thị số người thương vong vì tai nạn giao thông không giúp giảm số vụ va chạm mà thậm chí còn gây ‘tác dụng ngược’ khiến tai nạn tăng cao.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Đang lái xe trên đại lộ Illinois, Joshua Madsen, Tiến sĩ kinh tế tại Đại học Minnesota, chợt thấy một tấm bảng điện tử ‘kỳ lạ’, hiển thị số người chết vì các vụ tai nạn giao thông xảy ra gần đây.

Madsen cho biết, cảm giác đầu tiên của ông là ‘sốc’ bởi chưa bao giờ thấy điều gì tương tự trước đây: “Tôi khá sợ hãi. Đây là một trải nghiệm khó khăn khi lái xe. Lúc đó, tâm trí tôi bắt đầu quay cuồng”.Thống kê cho thấy, ít nhất 28 bang tại Mỹ đang cho lắp những bảng báo điện tử, đặt phía trên hoặc dọc các tuyến cao tốc, công bố số người tử vong do tai nạn giao thông. Mục đích của những tấm biển này là để tài xế nhận thức được nguy hiểm từ việc lái xe không an toàn mà thận trọng hơn.

Theo nhà chức trách, thông điệp trên bảng điện tử giống như ‘nhãn cảnh báo nguy hiểm’ có trên vỏ bao thuốc lá, thu hút sự chú ý của người lái xe và khiến họ xem xét lại hành vi của mình.

Một nghiên cứu mới đây chỉ ra, những bảng điện tử hiển thị số người thương vong vì tai nạn giao thông không giúp giảm số vụ va chạm mà thậm chí còn gây ‘tác dụng ngược’ khiến tai nạn tăng cao - Ảnh Jonathan Hall

Tuy nhiên, Tiến sĩ Madsen đặt câu hỏi, liệu việc hiển thị dòng thông tin ‘quá nghiêm túc’ như vậy có thực sự hữu ích? Hay chúng sẽ hướng tâm trí người lái xe theo cách gây tai họa hơn là răn đe: “Theo tôi hiển thị cho tài xế một thông tin ‘gây căng thẳng’ khi đang lái xe không phải là ý tưởng hay”

Chia sẻ quan điểm trên, Giáo sư Jonathan Hall, chuyên gia giao thông tới từ Đại học Toronto cho rằng, những dòng tin cảnh báo này không giúp giảm số vụ tai nạn mà thậm chí còn ‘gây tác dụng ngược’ khiến nguy cơ tai nạn tăng cao: “Thông điệp về số người tử vong dường như đang làm tăng số vụ va chạm, nó khiến các tài xế mắc lỗi mất tập trung và đi chệch khỏi làn đường”.

Ông Hall dẫn chứng, dữ liệu từ các vụ va chạm giao thông đường bộ tại bang Texas thời gian qua cho thấy, số vụ tai nạn tăng trung bình 4,5% trong 10 km sau mỗi tấm bảng thống kê số người tử vong.

Chỉ riêng tại Texas, tỷ lệ này tương đương 2.600 vụ tai nạn mỗi năm và thêm 16 trường hợp tử vong. Còn tính chung trên toàn nước Mỹ, số tai nạn có thể lên tới 17.000 vụ, hơn 100 ca tử vong, với chi phí xã hội khoảng 2,5 tỷ USD mỗi năm.

Theo các chuyên gia, những tấm biển có thể làm nhiều tài xế bị phân tâm, suy nghĩ, lo lắng về cái chết mà bỏ qua các yếu tố cần thiết khác như tốc độ, làn đường và các phương tiện xung quanh

Theo nghiên cứu của các chuyên gia Đại học Toronto, đăng trên tạp chí khoa học Science mới đây, bảng hiển thị ‘thông điệp về số người chết trên đường’ là hình thức gây căng thẳng trực diện. Thay vì làm cho người lái xe tỉnh táo, chúng chỉ đơn giản khiến họ mất tập trung hơn.

Những tấm biển có thể làm nhiều tài xế bị phân tâm, suy nghĩ, lo lắng về cái chết mà bỏ qua các yếu tố cần thiết khác như tốc độ, làn đường và các phương tiện xung quanh. Trong khi, những nghiên cứu tâm lý cũng chỉ ra, mức độ lo lắng cao sẽ gây xáo trộn nhận thức và ảnh hưởng tới phản xạ của tài xế.

Giáo sư Jonathan Hall nêu quan điểm: “Việc dừng thông báo số trường hợp tử vong sẽ là cách tiết kiệm chi phí đồng thời cải thiện an toàn giao thông. Đôi khi một chính sách có mục đích tốt không có nghĩa sẽ mang lại kết quả tốt”

Dù không phủ nhận kết quả nghiên cứu của các chuyên gia Đại học Toronto, nhưng bà Veronica Beyer, Giám đốc Truyền thông Sở Giao thông Vận tải Texas cho rằng, vấn đề thực sự quanh các vụ tử vong do tai nạn giao thông ở Texas là do chạy quá tốc độ, lái xe thiếu kỹ năng và không thắt dây an toàn.

Bà Beyer cho hay, cơ quan này sẽ tiếp tục đánh giá hiệu quả các thông điệp an toàn của mình, nhưng còn quá sớm để đưa ra kết luận về tác dụng ngược của các tấm biển cảnh báo.

Còn theo ông Gilles Duranton, chuyên gia kinh tế giao thông tại Đại học Pennsylvania, các thông điệp truyền cảm hứng lái xe an toàn cần được đầu tư, nghiên cứu một cách nghiêm túc. Ông Duranton chia sẻ, mỗi năm nước Mỹ có khoảng 30.000-40.000 người tử vong vì tai nạn giao thông, nếu các thông điệp an toàn phát huy hiệu quả, chúng có thể cứu sống được nhiều mạng người.Nhạc cắtQúy vị và các bạn thân mến!

Tại Việt Nam, vài năm trước đây, trên một số tuyến đường, hoặc ngã ba, ngã tư cũng xuất hiện biển báo điện tử hiển thị số người tử vong do tai nạn giao thông. Tuy nhiên, những năm gần đây, loại biển báo này hiếm khi xuất hiện.

Chia sẻ quan điểm về ý nghĩa các biển cảnh báo giao thông, anh Nguyễn Duy Nam, quận Thanh Xuân, Hà Nội bày tỏ: “Theo tôi, tại một số điểm đen tai nạn giao thông nên đặt các biển báo như ‘Chú ý quan sát’ hay ‘Đoạn đường hay xảy ra tai nạn’ để mọi người cảnh giác và lái xe cẩn thận hơn. Còn đưa thông tin số người chết trên đoạn đường đó thì tôi nghĩ là không cần thiết vì nó có thể làm nhiều người suy nghĩ, lo lắng”.