Ta chỉ là chiếc lá, việc của mình là xanh

Trước thực trạng rác thải dưới đáy biển ngày càng nhiều, đặc biệt là rác thải nhựa, do ý thức của người dân cũng như là lượng khách du lịch ngày càng tăng, có một người đàn ông ở Đà Nẵng suốt 10 năm qua vẫn luôn miệt mài nhặt rác ở bán đảo Sơn Trà.

Với tâm niệm việc làm của mình sẽ góp phần nhỏ bé vào việc bảo vệ cảnh quan, môi trường cho nơi đây. Đó là anh Đào Đặng Công Trung, sinh năm 1980, hiện đang sinh sống tại quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

Suốt 10 năm qua Đào Đặng Công Trung vẫn luôn ệt mài nhặt rác ở bán đảo Sơn Trà

Anh Trung hiện tại đang làm quản lý cho một khu nghỉ dưỡng 5 sao tại Đà Nẵng. Mặc dù công việc khá bận rộn, nhưng anh vẫn luôn cố gắng dành thời gian cho công việc ý nghĩa này. Những ngày đầu mới bắt tay vào làm, anh chỉ làm một mình, với phạm vi hoạt động là cả trên rừng và dưới biển của bán đảo Sơn Trà. Nhưng sau này, khi việc làm của anh dần dà lan tỏa được đến nhiều người, đã có nhiều nhóm bạn trẻ, nhóm bơi lặn chuyên nghiệp tham gia nhặt rác cùng anh.

Hiện nay, đồng hành với anh Trung trong hành trình nhặt rác có rất nhiều cơ quan, đoàn thể, có học sinh, sinh viên hay các công ty, doanh nghiệp, cá nhân với các chương trình thu gom rác quanh bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng. Còn ở dưới nước thì hiện có các thành viên của Câu lạc bộ bơi lặn quận Thanh Khê và Danang Free Diving, họ đều là những người yêu biển, lại có kỹ năng dưới nước nên đã thực hiện các công việc lặn để nhặt rác dưới đại dương.

Anh Trung cho biết, nhặt rác dưới nước khó gấp nhiều lần trên cạn, do rác dưới đáy biển không chịu đứng yên, chúng cứ liên tục trườn theo con nước. Người lặn buộc phải có sức khỏe tốt, kỹ năng thuần thục, hơi lặn dài, chịu được áp lực nước. Tùy theo độ sâu mà người lặn có thể lặn một hơi, tầm 5-7 mét nước để nhặt rác. Nếu gặp nơi nhiều rác quá mà cứ cố gắng lượm từng cái và không lường được con nước để trồi lên, thì sẽ rất nguy hiểm.

Không những thế, dưới đáy biển cũng có nhiều sinh vật có độc như cá mặt quỷ. Nếu nhặt nhầm cá này sẽ bị trúng độc, bị nặng sẽ bất tỉnh. Với kinh nghiệm nhiều năm lặn biển vớt rác của mình, anh Trung may mắn chưa bị con vật nào tấn công, nhưng bị trầy xước cơ thể thì nhiều do bị va vào rạn đá ngầm.

Anh Đào Đặng Công Trung lặn biển, nhặt rác thải dưới biển

Trong những loại rác thải dưới biển, anh Trung cho biết cắt lưới ma là khó nhất. Muốn cắt sạch phải tìm ra mối của nó, sau đó dùng kéo hoặc dao sắc cắt dứt khoát. Quan trọng nhất là phải đủ kiên nhẫn, nếu thiếu hơi thì phải ngoi lên mặt nước thở, rồi lặn xuống, không được sốt ruột vì chỉ cần lỡ tay kéo mạnh là làm gãy san hô: "Làm rác ở dưới biển thì nó phụ thuộc vào thời tiết, chẳng hạn như là độ trong của nước, độ yên của sóng, và đặc biệt là thời tiết tốt. Đa phần chúng tôi làm là 1 tháng/lần. Huy động tất cả những anh em thợ lặn có kinh nghiệm và có tâm. Bởi vì không phải ai cũng lặn xuống để lấy rác được, mà lặn xuống lấy rác là phải bảo vệ nguyên hiện trạng của san hô. Mình gỡ rác mà mình không tác động tới san hô. Những cái rác mà nó nằm len lỏi trong san hô là rất là khó, cần nhiều hơi, nên hơi phải dài từ 1 phút đến 1 phút 15 giây mới gỡ được. Còn không đủ thì chỉ có lấy được những cái lon, những vật trôi nổi mắc kẹt dưới san hô thôi.

Mình chia ra thành nhóm, nhóm lặn giỏi, nhóm lặn trung bình và nhóm bơi. Nhóm bơi sẽ là tiếp nhận rác để mang vào bờ, hoặc là mình mang thêm những cái sup để đựng rác từ những người lặn giỏi người ta bỏ vào. Nếu một mình mình làm thì nó chỉ được tầm 5-10 cân thôi,  còn nếu mà nhiều người làm như cái đợt vừa rồi mình vừa làm, là 50 thợ lặn đi lặn cùng nhau ở bán đảo Sơn Trà thì mình lấy được khoảng hơn 200 kg rác. Rạn san hô nó trở nên đẹp hơn rất nhiều, và bây giờ san hô nó lại phát triển rất là mạnh mẽ, rất là khỏe".

Những ngày đầu làm công việc này, anh Trung còn bị nhiều người hiểu nhầm là công nhân môi trường. Nhiều người vô ý, có lúc thấy anh nhặt đằng trước, họ lại vứt rác luôn đằng sau. Anh em bạn bè cũng có người chê anh gàn dở.

Nhưng anh không hề nhụt chí vì những lời đàm tiếu: "Lúc đầu mình cũng nhận được những lời nói, ánh mắt không tốt. Người ta thấy mình đi nhặt rác chỗ hoang dã, chỗ này kia người ta bảo thằng này khùng, thằng này điên, thằng này rảnh, làm màu. Nhưng mình không bận tâm lắm vì mục đích của mình là muốn làm cho môi trường sạch hơn, tốt hơn. Mình cứ làm như vậy thì mình thấy cũng là mưa lâu thấm dần, tha lâu cũng đầy tổ, những hành động của mình rồi cũng được cộng đồng ghi nhận, gọi mình những cái tên rất là vui như “thánh rác”, “giám đốc mê nhặt rác”, “người nhặt rác đáy biển”.

Nói chung cũng là việc mình thấy ý nghĩa thì mình làm thôi. Dù đó là việc rất là nhỏ nhưng mà nếu mình thực hiện nó được thường xuyên và mình lan tỏa nó đến cộng đồng thì mình nghĩ là nơi mình sinh sống thì nó sẽ sạch hơn. Đà Nẵng cũng đã sạch rất là nhiều so với nhiều tỉnh thành khác, vì hiện tại cái phong trào nhặt rác nó đã được lan tỏa trong cộng đồng, xã hội. Môi trường biển và môi trường trên cạn cũng đã sạch hơn nhiều".

Những chai, lọ nhựa thu gom được sau mỗi chuyến đi nhặt rác, anh Trung sẽ bán lấy tiền, dồn lại và đem quyên góp cho các hội, nhóm từ thiện, nấu cháo tình thương hay mua quần áo, sách vở cũ cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Việc làm của anh và những đồng đội của mình, không chỉ giúp biển sạch đẹp hơn, bảo vệ được hệ sinh thái tại Sơn Trà, mà còn giúp lan tỏa tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường đến cộng đồng.

Những người bạn đồng hành nhặt rác bảo vệ môi trường cùng anh Đào Đặng Công Trung

Anh cũng có tâm sự vui rằng, nhặt rác lâu dần cũng trở thành một môn thể thao yêu thích và giúp anh giảm strees. Nên anh sẽ cố gắng duy trì công việc này đến khi nào không còn sức lực nữa mới nghỉ. Nhiều lúc cũng buồn hoặc nản vì chỗ mình đã nhặt rác chưa được một tuần lại phải nhặt lại. Nhưng nghĩ đến việc hành động của mình sẽ được lan tỏa đến cộng đồng, góp phần giúp môi trường ngày được sạch hơn thì lại có động lực hơn.

Người vá trời lấp bể

Kẻ đắp luỹ xây thành

Ta chỉ là chiếc lá

Việc của mình là xanh.

---

Các bạn thân mến.

Nếu trong những phút giây của cuộc sống thường ngày hay trên những con đường mà các bạn đi qua, có những câu chuyện khiến các bạn nhớ mãi về tình người, tình yêu cuộc sống, rất mong các bạn hãy chia sẻ với chúng tôi qua fanpage: Thiên lý hữu tình, hoặc email: thienlyhuutinhfm91@gmail.com.

Chương trình phát sóng chiều thứ Ba, phát lại chiều thứ Năm hàng tuần trên kênh VOV Giao thông. Để nghe thêm hoặc nghe lại chương trình trên các thiết bị di động, thính giả có thể truy cập website vovgiaothong.vn, các ứng dụng: Spotify, Apple Podcast (trên hệ điều hành iOS); Google Podcast (trên hệ điều hành Android); rồi sau đó gõ từ khoá: VOVGT, VOV giao thông; hoặc gõ tên các chương trình.