Sử dụng điện thoại khi lái xe: Vì sao càng cấm càng rộ?

Với sự ra đời của các dòng xe hiện đại và thiết bị kết nối rảnh tay, tài xế không còn sử dụng điện thoại bằng tay nhiều như trước. Tuy nhiên, sự chủ quan này cộng với thói quen quá lạm dụng điện thoại khi lái xe đang khiến nguy cơ mất an toàn giao thông bị đẩy lên cao.

Điều đáng nói, Nghị định 123 của Chính phủ đã tăng nặng mức phạt với vi phạm sử dụng điện thoại khi lái xe, tuy nhiên vi phạm vẫn diễn ra rất phổ biến.

Vừa chạy xe máy vừa xem điện thoại ngày càng trở nên phổ biến trên đường phố. Ảnh: Báo Tin tức

Quan sát trong vòng 15-20 phút tại một ngã tư trọng điểm đường 70A, địa bàn giáp ranh Hà Đông với Thanh Trì, Hà Nội, phóng viên VOVGT ghi nhận, từ xa, có hàng loạt trường hợp người tham gia giao thông bằng ô tô xe máy, vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại. Cá biệt, một số người vừa đi xe máy vừa vừa nhắn tin!

Khi được hỏi, anh Nguyễn Như Thanh ở Đông Anh, Tài xế xe dịch vụ thẳng thắn chia sẻ trải nghiệm không vui về chuyện này: “Tôi đã từng bị va chạm do sử dụng điện thoại khi lái xe. Từ đó, tôi rút kinh nghiệm, không nên sử dụng điện thoại khi lái xe, rất mất tập trung, thiếu chú ý quan sát”.

Với anh Nguyễn Thanh Liêm, lái xe đầu kéo tại quận Lê Chân, Tp. Hải Phòng, thường xuyên đi đường đèo dốc, đã có lúc xoay sở không kịp, suýt gặp tai nạn khi đang “trèo đèo”: “Khi mình chưa kịp cắm bluetooth, mình nghe vội một cuộc điện thoại lúc lên đèo thì không dồn được số về đúng số mong muốn để lên dốc. Mà đầu kéo đã dừng xe giữa dốc thì gần như tụt dốc và lên lại”.

Từng vài lần thót tim do dùng điện thoại khi đang lái xe, tài xế Nguyễn Văn Dương, ở Hà  Đông, không dại gì lặp lại: "Em xác định ra đường là để kiếm tiền! Có cuộc gọi là em tấp vào lề đường trước rồi mới dùng điện thoại, cả nghe hay gọi đi, cho an toàn!"

Tuy nhiên, số tài xế ý thức được như anh Dương vẫn còn rất khiêm tốn.

Một kết quả thực nghiệm trên sa hình đối với ô tô và thiết bị mô phỏng trên mô tô xe máy được Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức (TPHCM) tiến hành năm 2017 cho thấy, lái xe trên sa hình sử dụng điện thoại áp tai thì mức độ thực hiện sai các động tác tăng lên gấp 3 lần.

Đối với xe máy, dùng điện thoại rảnh tay vẫn làm tăng nguy cơ cao gấp 5 lần so với không sử dụng điện thoại, nhất là khi gặp nút giao, chuyển làn, tương tác với người đi bộ. Còn nếu dùng điện thoại áp tai, xác suất tai nạn tăng gấp 8 lần; Vừa đi vừa nhắn tin, nguy cơ tai nạn có thể tăng gấp 20 lần!

Kết quả nghiên cứu thực địa: cứ 1000 em học sinh thì có khoảng 190 em sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện giao thông.

TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức (TPHCM) cho biết,  tham khảo các nước trong khu vực và trên thế giới, hành vi sử dụng điện thoại nguy hiểm hơn nhiều so với tài xế vẫn tưởng: "Nó nguy hiểm tương đương uống rượu bia rồi lái xe. Ở Nhật Bản và một số nước phạt rất nặng hành vi sử dụng điện thoại áp tai, nên tất cả tài xế phải cài đặt bluetooth. Nhưng ngay cả kết nối rảnh tay cũng gây ra những sự sao nhãng nhất định. Vì xe tăng tốc lên thì kết nối ngừng hoạt động hoặc kém đi, khi có cuộc gọi thì phản xạ của tài xế là thắc mắc, và thường cầm lên tay để xem ai gọi".

Hành vi sử dụng điện thoại nguy hiểm hơn nhiều so với tài xế vẫn tưởng.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT cho hay, qua theo dõi nắm bắt điều tra xử lý TNGT, lực lượng CSGT cũng ghi nhận, sử dụng điện thoại khi lái xe là một trong các nguyên nhân gây mất tập trung, dẫn đến TNGT. 

 "Vì trong khi lái xe, người lái phải thực hiện rất nhiều thao tác: quan sát, chấp hành báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu vạch kẻ đường, chấp hành tốc độ,… thì anh lại mải mê vào điện thoại. Đến khi gặp tình huống bất ngờ thì không kịp xử lý, dẫn đến tai nạn", Đại tá Nguyễn Quang Nhật nói.

Đại tá Nhật đặc biệt nhấn mạnh sự nguy hiểm cao độ của việc nhắn tin và trả lời tin nhắn khi đang điều khiển xe.

Nghị định 123 của Chính phủ đã tăng mức phạt với người lái xe ô tô vi phạm lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe lên mức từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng, tăng 1.000.000 đồng so với Nghị định 100/2019. Tuy nhiên, vi phạm diễn ra vẫn rất phổ biến.

Theo Đại úy Nguyễn Tuấn Anh, cán bộ Đội Tuyên truyền – Phòng CSGT Công an Hà Nội, việc xử lý vi phạm này thời gian qua cũng gặp khó khăn nhất định, do hành vi diễn ra rất nhanh, người vi phạm thường chối cãi, tài xế dán kính mờ, kính màu, gây khó phát hiện: "Bên cạnh việc tuần tra kiểm soát, trực tiếp phát hiện vi phạm, phòng CSGT CA Hà Nội còn sử dụng các biện pháp nghiệp vụ kỹ thuật để phát hiện xử lý. Ngoài ra, chúng tôi cũng tiếp nhận hình ảnh, video do người dân cung cấp để làm căn cứ điều tra, xử lý vi phạm".

Chia sẻ với những khó khăn này, song TS Vũ Anh Tuấn cho rằng, quan trọng là công cụ. Nhiều nước dùng hệ thống camera để phát hiện, tiến hành phạt nguội khi kiểm định xe, nên có tính răn đe cao. Với sự bao phủ ngày càng rộng khắp của hệ thống camera trên toàn quốc của CSGT và các trung tâm điều hành giao thông địa phương, nếu dữ liệu được tích hợp, khai thác, chia sẻ tốt, Việt Nam cũng hoàn toàn có thể làm được điều này. 

Sử dụng điện thoại khi lái xe là một trong các nguyên nhân gây mất tập trung, dẫn đến TNGT.

Câu chuyện sử dụng điện thoại khi lái xe đang được nhiều tài xế coi là bình thường, với lý do: cuộc sống hiện đại, điện thoại là vật bất ly thân. Hơn nữa, với các công việc đặc thù như lái xe hay người thường di chuyển trên đường, không thể gián đoạn kết nối quá lâu. Và rằng, các thiết bị rảnh tay đã khắc phục nguy cơ mất an toàn.

Tuy vậy, dưới góc nhìn của VOVGT, sự mất an toàn đang nằm ở chính thái độ xem nhẹ này.

Những vụ TNGT gây rúng động do sử dụng điện thoại trong khi lái xe đã từng xảy ra, nhưng độ lùi về thời gian có thể khiến nhiều người quên đi mức độ đáng sợ của nó. Cũng có người cho rằng, các trường hợp này hầu hết đều sử dụng điện thoại cầm tay.

Có lẽ vì thế mà việc sử dụng điện thoại đang dần trở nên “bình thường hóa” trong quan niệm của rất nhiều người tham gia giao thông.

Không chỉ phục vụ nhu cầu kết nối công việc, kết nối quan hệ xã hội trong guồng quay ngày càng hối hả, mà việc sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện giao thông – nguy hiểm hơn nữa – lại đang ngày càng dễ dãi cho những nhu cầu giải trí, như lướt web, thể hiện một trạng thái, bày tỏ một cảm xúc khi đang lái xe, thông qua mạng xã hội.

Tuy vậy, các thống kê về TNGT và vi phạm giao thông hiện nay đều đang dừng lại ở dạng “tổng hợp”: bao nhiêu vụ, bao nhiêu người chết, người bị thương, thiệt hại về tài sản, vật chất ra sao? Hoặc, bao nhiêu vi phạm, xử phạt thành tiền, số phương tiện và giấy tờ bị tạm giữ…

Hoàn toàn là số liệu thô, chưa qua phân tích để lượng hóa được nguyên nhân tai nạn, tỉ trọng vi phạm giao thông. Lại càng chưa có sự so sánh giữa các nguyên nhân, các nhóm hành vi căn cứ vào tỉ trọng đó, để đánh giá mức độ nguy hiểm và phổ biến.

Trong khi, đây là những dữ liệu cực kỳ cần thiết cho các chính sách quản lý an toàn giao thông, cả về xây dựng luật lẫn tổ chức các kế hoạch kiểm tra kiểm soát, xử lý vi phạm.

Sự tập trung cao độ lực lượng và trang thiết bị kỹ thuật cho phát hiện, xử lý các vi phạm như bia rượu, ma túy, tốc độ, tải trọng… là cần thiết. Song, nó cũng có thể dẫn đến sự mất cân bằng nhất định cho các vi phạm khác nguy hiểm không kém, như dùng điện thoại khi lái xe. Nhất là, trong bối cảnh, dữ liệu TNGT lại chưa đủ để làm bật sự nguy hiểm này.

Hơn nữa, như các chuyên gia đã cảnh báo, những nhóm hành vi có thể chưa quá nguy hiểm hôm nay, vào giai đoạn này, nhưng với xu thế của đời sống xã hội, thì nó tất yếu sẽ ngày càng phổ biến, kéo theo rất nhiều hệ lụy khó lường nếu không được điều chỉnh sớm.

Vì thế, vấn đề không chỉ dừng lại ở việc khắc phục những khó khăn, hạn chế trong xử lý vi phạm, mà còn là các biện pháp đồng thời khác để thay đổi từ nhận thức đến thói quen của người tham gia giao thông.

Những hình ảnh trực quan sinh động mô phỏng tình huống lái xe sử dụng điện thoại gặp sự cố bất ngờ gây tác động trực tiếp và gián tiếp ra sao cần được đưa đến người tham gia giao thông nhiều hơn, kể từ khi còn là học sinh, học viên trong các nhà trường, cơ sở đào tạo lái xe, để họ thấy nguy hiểm có thật, chứ không phải chỉ là cảnh báo.

Những kỹ năng sử dụng điện thoại an toàn cũng cần được  hướng dẫn tích cực hơn cho tài xế. Vì thực tế giao thông ở đô thị hay trên đường cao tốc, để tìm vị trí dừng xe nghe điện thoại là không dễ. Đi chậm đôi khi cũng bất khả thi. Và dù các dòng xe đã hiện đại hơn rất nhiều, nhưng kết nối rảnh tay không phải lúc nào cũng sẵn sàng, hoặc cho chất lượng như mong đợi.

Điều quan trọng hơn nữa, là kỹ năng chọn lọc giao tiếp, xác định mối ưu tiên, để người tham gia giao thông không bị phân tán bởi những thứ không thực sự cần thiết, cấp thiết, làm ảnh hưởng đến an toàn của mình và nhiều người xung quanh.

Tôn trọng pháp luật, tôn trọng sự an toàn là một ứng xử văn nh. Nếp sống văn nh – trong đó có thói quen sử dụng điện thoại đúng cách, đúng luật khi tham gia giao thông cần được hình thành bền bỉ, tích cực, bằng những sự nhắc nhở của công cụ giám sát, bằng các nuôi dưỡng  dục từ nhà trường và gia đình.

Và bằng cả những sự định hướng đúng đắn, nghiêm khắc của dư luận cộng đồng xã hội, như cách mà nhiều thính giả đang làm, thông qua phản ánh tới VOVGT./.